Ứng dụng công nghệ đưa di tích đến gần hơn với cộng đồng
Sức mạnh nội sinh từ dòng chảy di sản Tour đêm Hà Nội thêm sắc màu cho hành trình khám phá của giới trẻ Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn |
Quận đoàn Hai Bà Trưng vừa tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình thanh niên “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử trên địa bàn quận” tại Miếu thờ Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Chùa Hộ quốc (phường Thanh Lương) mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân.
Theo Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng Nguyễn Lê Ngân, với mong muốn quảng bá di tích lịch sử, giáo dục truyền thống văn hoá cho bạn trẻ và cộng đồng; mang đến những trải nghiệm thú vị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, Đoàn Thanh niên quận đã thực hiện công trình: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử trên địa bàn quận”.
Lễ khánh “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử" tại Chùa Hộ quốc |
Quận đoàn Hai Bà Trưng đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Văn hóa - Thông tin quận và UBND phường Bạch Đằng, phường Thanh Lương thu thập tài liệu, thông tin, hình ảnh biên soạn nội dung hấp dẫn, dễ nhớ, số hóa thông tin và cài đặt tại các di tích lịch sử gồm: Miếu thờ Hai Bà Trưng và Chùa Hộ quốc.
Miếu Hai Bà Trưng và Chùa Hộ quốc đều được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử. Trong đó, Miếu thờ Hai Bà Trưng, tọa lạc tại địa chỉ 680 Bạch Đằng (phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thuộc loại kiến trúc tôn giáo và lưu niệm danh nhân được xây dựng nên từ một huyền tích. Miếu có từ thế kỷ XII, hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như hương án, long ngai, long đình với nhiều trang trí hoa văn đẹp mắt…
Lễ khánh thành công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử" tại Miếu thờ Hai Bà Trưng |
“Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân, du khách thập phương quét mã QR sẽ có được những thông tin, hình ảnh về những di tích lịch sử này. Việc khám phá, tìm hiểu di tích cũng trở nên dễ dàng, thú vị hơn”, Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng Nguyễn Lê Ngân cho biết.
Ngay khi công trình thanh niên “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử” đưa vào sử dụng đã nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, người dân và sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên. Ông Nguyễn Thanh Hợp, người dân phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hào hứng: “Với việc sử dụng công nghệ, Miếu thờ Hai Bà Trưng hiện lên thật sinh động. Chúng tôi không chỉ có đầy đủ thông tin và còn được trải nghiệm nhiều điều thú vị”.
Công trình thể hiện tinh thần tiên phong chuyển đổi số của tuổi trẻ quận Hai Bà Trưng |
Bạn Nguyễn Quỳnh Nga cũng chia sẻ: “Nhờ ứng dụng công nghệ việc tham quan, học tập, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên hấp dẫn, hiệu quả hơn. Những người trẻ như mình hiểu hơn về lịch sử sẽ biết sống, học tập, làm việc trách nhiệm hơn”.
Bạn Lê Tiến Thanh cho biết: “Chỉ việc quét mã QR mà như được đi du lịch tôi thấy rất thú vị, vừa có thể biết được nguồn gốc lịch sử của di tích một cách rõ ràng, chi tiết, vừa được trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, dễ hiểu. Công trình đã khẳng định vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn đời sống”.
Bạn trẻ quét mã trải nghiệm |
Để công trình thực sự phát huy hiệu quả, thời gian tới Quận đoàn Hai Bà Trưng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cũng như phương tiện truyền thông. Đây được coi như một giải pháp du lịch thông minh, góp phần gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn thông tin di tích bằng hình ảnh và thuyết minh, hỗ trợ hiệu quả cho công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch biết đến di tích từ bất kỳ nơi đâu có mạng internet. Từ ông trình tuổi trẻ cũng góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.