Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã có một bước đột phá ngoạn mục về ngoại hình và không gian. Trước đây, hiếm ai có thể nghĩ có một ngày những phân xưởng cũ kỹ, cầu lăn chìm ảm đạm... sẽ có cơ hội đón hàng trăm nghìn lượt quan tâm và ghé thăm từ người dân và khách du lịch.
Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp Tái thiết di sản công nghiệp - Cần một "tiếng nói chung"

Chủ đề "Dòng chảy" của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã đem đến hơi thở hiện đại thấm đẫm từng đường nét nơi không gian di sản Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Không còn là một nơi cũ kỹ vắng người qua lại, giờ đây, người dân, khách du lịch và đặc biệt là các bạn trẻ đua nhau tìm về check-in, vui đùa.

Có những người tìm đến để trầm trồ về sự thay đổi mới lạ, nhưng có người đến đây để thả hồn những câu chuyện không lời của một di sản công nghiệp xưa, đang thì thầm kể về nét huy hoàng của một thời đại cũ.

Hòa âm của quá khứ - hiện tại

Từ ngày đầu của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tới nay, cánh cổng Nhà máy xe lửa Gia Lâm vốn im lìm trong nhiều năm đã mở rộng đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan.

Theo dòng người rảo bước trên con đường dọc khuôn viên nhà máy là từng nhóm bạn trẻ háo hức với trải nghiệm lần đầu tiên được check-in tại một địa điểm "cũ mà mới".

Hòa trong những mái đầu xanh của tuổi trẻ là những vị lão niên tóc đã bạc trắng. Họ chậm rãi thả bộ ngắm nhìn từng mảnh ký ức của quá khứ nay được kết nối lại với nhau, tĩnh lặng chìm trong những kỉ niệm đang ùa về mạnh mẽ như cơn sóng cuộn trào.

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Những dòng người nối tiếp nhau tìm đến không gian di sản của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Một trong những vị khách lớn tuổi ấy là bà Lê Chi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bà Chi gần như "thuộc nằm lòng" những địa điểm bên trong khuôn viên nhà máy rộng lớn. Sau một hồi tìm kiếm, với sự giúp đỡ của những người bạn già, bà leo lên chiếc toa xe lửa cũ, đôi tay khẽ miết trên những vết xước tháng năm.

Bà Chi tâm sự: "Cha tôi là kỹ sư cơ khí của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm từ khi còn rất trẻ. Tôi nhớ những buổi chiều đón cha về, nhớ hình ảnh ông mặc nguyên bộ quần áo loang vệt dầu máy và dang tay ôm chị em chúng tôi vào lòng. Mẹ bận hàng xén nên đôi lúc hai chị em được "đặc cách" theo cha sang nhà máy "làm việc". Ông bận rộn trong phân xưởng hàn, còn chúng tôi rong ruổi dưới nắng hè, chơi trốn tìm sau những đầu máy dang dở, đi dọc theo các đường ray để nhặt đá chơi ô ăn quan...

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Bà Chi nhẹ nhàng đưa tay hứng lấy những vệt nắng hanh ngày đông trong cơn sóng cảm xúc ùa về

Rồi mỗi khi còi tan tầm vang lên, cha lại chạy tất tả khắp nhà máy tìm hai đứa cho kịp giờ về phố. Bao nhiêu năm rồi, tôi mới được đặt chân quay trở lại đây, tìm lại chốn từng là một phần của tuổi thơ. Giờ đây, thật vui mừng khi tôi được chứng kiến nhà máy này "hồi sinh" sau hàng chục năm bị lãng quên. Chỉ tiếc rằng, cha tôi đã không còn ở đây để ôm tôi và em trai vào lòng nữa", bà Lê Chi nghẹn ngào.

Những vị khách như bà Chi là lớp người lớn lên trong dòng chảy lịch sử Hà Nội. Họ chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của những nơi thời nay được gọi là di sản.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã đem đến cơ hội "thức tỉnh" cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Với sự tôn trọng không gian nguyên sơ và trầm mặc của nhà máy, các nghệ sĩ, nhà thiết kế đã đem thanh âm của nghệ thuật hiện đại thổi hồn cho những phân xưởng, con đường...

Giờ đây, những vị khách trẻ sẽ có những trải nghiệm độc đáo khi ghé thăm nhà máy, để cùng rung động trong bản hòa âm của không gian quá khứ và nghệ thuật hiện đại đầy chất thơ.

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Không gian nghệ thuật đầy ấn tượng của các triển lãm là một trong những yếu tố hút khách

Bạn Phạm Bình Minh (quận Đống Đa, Hà Nội), đến với Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với mong muốn tìm hiểu về kiến trúc và lịch sử của điểm di sản công nghiệp một thời.

Là cựu sinh viên ngành mỹ thuật, Minh và bạn bè đều hi vọng sẽ tìm được cảm hứng cho những tác phẩm tương lai dựa trên những đường nét của quá khứ.

Phạm Bình Minh chia sẻ: "Khi biết được thông tin Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ được cải tạo và chuyển hóa thành một phần của Lễ hội Thiết kế sáng tạo, em đã rất tò mò không biết người ta sẽ làm thế nào để một nhà máy cũ trở thành không gian nghệ thuật cho một sự kiện lớn của Hà Nội".

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Các bạn trẻ rất ấn tượng bởi sự sáng tạo mới lạ trong một không gian xưa cũ

Nhưng khi đến đây qua chuyến tàu "Hành trình di sản", Phạm Bình Minh cùng bạn bè đã chiêm ngưỡng các triển lãm nghệ thuật đa tầng ý nghĩa và trải nghiệm những buổi biểu diễn âm nhạc, thời trang.

"Hi vọng trên con đường nghệ thuật tương lai, em sẽ có cơ hội góp sức mình vào dòng chảy để tiếp tục giữ gìn cho ngọn lửa di sản tiếp tục tỏa sáng cho những thế hệ đi sau", Phạm Bình Minh chia sẻ.

Duy trì ngọn lửa di sản

Để có được "bản hòa âm" về "Dòng chảy" năm nay là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền thành phố Hà Nội và các đơn vị hợp tác.

Có thể kể đến như công tác tài chính đến tổ chức bố cục, triển khai ý tưởng... cần đến rất nhiều sự chỉ đạo từ thành phố, ý kiến của các chuyên gia và tâm huyết sáng tạo ngày đêm của nhiều nhà thiết kế, nghệ sĩ trẻ...

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Không gian Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm là điểm đến được khách tham quan ở mọi lứa tuổi yêu thích

Nhưng khi Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đang tiến đến những ngày cuối cùng, nhiều người đã đặt ra những câu hỏi, băn khoăn.

Anh Vũ Tiến Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: " Tôi tự hỏi, sau khi lễ hội kết thúc, liệu người dân và du khách có cơ hội tiếp tục tới tham quan, trải nghiệm tại những di sản như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hay không? Bởi rất nhiều bạn bè của tôi tại TP HCM và Singapore rất hứng thú với sự mới lạ và các trải nghiệm độc đáo mà lễ hội mang lại. Tôi cho rằng, sẽ thật đáng tiếc nếu không thể duy trì những không gian sáng tạo này thành điểm du lịch phổ biến của Hà Nội về lâu dài".

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Những màn trình diễn, sự kiện sáng tạo đã thu hút sự quan tâm yêu thích của hàng trăm nghìn người dân và du khách

Quả thật, vấn đề duy trì sức hút và phát triển ý tưởng sáng tạo bền vững cho những điểm di sản nói chung và di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội nói riêng là một bài toán khó trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Tuy nhiên, mỗi vấn đề đều sẽ có cách giải quyết hiệu quả, trong đó có thể kể đến sức hút "mãnh liệt" của Di tích Nhà tù Hỏa Lò trong những năm qua.

Đội ngũ quản lý và ekip Di tích Nhà tù Hỏa lò đã sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội để phát huy hiệu quả truyền thông với những content (nội dung) mang tính độc lạ, hợp thời và tác động trực tiếp đến đối tượng giới trẻ.

Đồng thời, việc phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm mới, tận dụng tối đa không gian di sản để trình diễn các hoạt cảnh sinh động tái hiện tinh thần bất khuất của các chiến sỹ cách mạng trong ngục tù... đã giúp Di tích Nhà tù Hỏa Lò thành công trong việc "kéo" lịch sử gần hơn với công chúng.

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Di tích Nhà tù Hỏa Lò đạt được thành công lớn với sự sáng tạo nghệ thuật trong những màn trình diễn và tận dụng tối đa không gian di sản nhà tù để tạo hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả

Nói về công tác duy trì "lửa" cho các điểm di sản, ông Chris McCreery - Ban Phát triển Văn hóa và Du lịch, Hội đồng TP Belfast (Bắc Ireland), Thành phố Sáng tạo Âm nhạc - nhận định: "Việc sử dụng một điểm di sản làm không gian cho một sự kiện ngắn ngày mang tính đột phá rất dễ, nhưng sau đó để duy trì nó thì rất khó. Nếu chúng ta muốn triển khai hiệu quả và duy trì giá trị của các di sản, nguồn lực văn hóa vốn có của Hà Nội, chính quyền thành phố cần có kế hoạch cụ thể và sự kết nối chặt chẽ với cộng đồng thiết kế sáng tạo.

Như những gì chúng tôi đã làm tại Belfast, để phát huy di sản và văn hóa bản địa, việc huy động và sử dụng nguồn lực trí tuệ từ người địa phương sẽ đem đến hiệu quả cao nhất. Nó đến từ sự đồng sáng tạo, thiết kế tập trung vào con người, tạo ra kết nối và hợp tác đa chiều. Sau đó là công việc mới như đầu tư nghiên cứu các cách tiếp cận mới trong việc phát triển sáng tạo, thiết kế những chương trình, sự kiện và dự án sáng tạo mới và hấp dẫn".

Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn
Ông Chris McCreery và ông John Petou ghé thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Theo ông Chris McCreery, sau khi có ý tưởng, chúng ta sẽ chú ý đến cơ sở vật chất và tận dụng tốt nguồn lực sẵn có như không gian công cộng, di sản, không gian tự nhiên. Thông qua các phương pháp sử dụng sáng tạo để kết nối không gian - (ngoài trời, trong nhà, trên phố, dưới nước, trong không trung và trên mạng).

Thông qua đó, chúng ta sẽ có sự liên kết mạng lưới để tất cả các yếu tố cùng hoạt động một cách trơn tru và duy trì hiệu quả như một vòng tuần hoàn. Công nghiệp văn hóa đem đến nguồn lợi nuôi sống con người, con người sáng tạo ý tưởng và phát triển công nghiệp văn hóa bằng những ý tưởng mới.

"Nếu Thủ đô vận dụng hiệu quả nội dung này, tôi cho rằng Hà Nội sẽ phát triển vượt bậc nhanh chóng bởi nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử khổng lồ địa bàn đang sở hữu", Ông Chris McCreery khẳng định.

Tùng Linh
Tags: Di Sản
Phiên bản di động