Sức mạnh nội sinh từ dòng chảy di sản

Sở hữu số lượng di sản vật thể với hơn 5.000 di tích lịch sử, văn hóa lớn nhất cả nước, TP Hà Nội coi đây là nguồn lực quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với sự thành công chưa từng có đã và đang chứng minh tầm nhìn chiến lược và khát vọng nâng tầm vị thế của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bài 1. “Đánh thức” những di sản “ngủ quên”

Hơn 250.000 du khách đã hòa vào Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Con số đó không chỉ là minh chứng cho sự thành công của một mùa lễ hội mà còn khẳng định thương hiệu của một Thành phố Sáng tạo và tầm nhìn về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến, cam kết với UNESCO

Tháng 9/2019, thành phố Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. 4 năm qua, thành phố đã nỗ lực thực hiện đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO để giữ vững thương hiệu Thành phố Sáng tạo.

Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu của một Thành phố Sáng tạo. Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Bài 1.  “Đánh thức” những di sản “ngủ quên”
Ga Gia Lâm được "khoác áo mới" trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023

Song song với đó, TP đã tổ chức 8 Hội thảo, Tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội –Thành phố Sáng tạo; hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố Mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố bằng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú. Các tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm, Trịnh Công Sơn, Sơn Tây được phát huy hiệu quả, trở thành những không gian sáng tạo đặc sắc… Đặc biệt, TP đã 2 lần tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo: Khơi nguồn Sáng tạo” (năm 2021), “Sáng tạo và công nghệ” (năm 2022) thu hút sự chú ý và tham gia của cộng đồng sáng tạo trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, với quan điểm xuyên suốt, coi văn hóa và con người là nguồn lực của sự phát triển, TP đã chú trọng vào khai thác và phát huy giá trị của các di sản. Với tiềm năng sẵn có là hơn 5.000 di tích lịch sử cách mạng, hơn 1.000 lễ hội đặc sắc của một mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thành phố đã quan tâm, đầu tư cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Mới đây, Hà Nội đã dành 14.029 tỉ đồng đầu tư, tu bổ, tôn tạo 579 di tích trong giai đoạn 2021-2025. Sự đầu tư tổng lực cho tu bổ, tôn tạo, di tích Hà Nội tạo ra một luồng sinh khí mới, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc từ hàng trăm năm nay vừa tạo động lực cho việc phát huy di sản, thu hút khách du lịch.

Bài 1.  “Đánh thức” những di sản “ngủ quên”
Cây cầu Long Biên có tuổi đời 120 năm tuổi

Tính đến nay, Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm các di sản văn hóa cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Mạnh dạn đổi mới hướng đi, sáng tạo trong thực hiện, những di tích lịch sử ở Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… thời gian qua đã đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, đang ngày càng trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn với công chúng.

Thổi hồn cho những di sản công nghiệp

Tiếp tục chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản, đồng thời khẳng định vị thế và khả năng hòa nhập với xu thế quốc tế, năm nay, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 được tổ chức với chủ đề “Dòng chảy”. Diễn ra từ 17- 28/11/2023 với hơn 60 hoạt động văn hóa sáng tạo, Lễ hội đã thực sự “đánh thức” các di sản văn hóa “ngủ quên” dọc bên bờ sông Hồng, đặc biệt là các di sản công nghiệp như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, cầu Long Biên, bốt Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Hà Nội…

Có thể thấy, Lễ hội năm nay có quy mô lớn nhất sau 3 mùa tổ chức và tạo hiệu ứng rõ nét. Sức hấp dẫn của Lễ hội đến từ những di sản công nghiệp đã được các kiến trúc sư, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo thiết kế “thổi hồn”, trở thành không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

Bài 1.  “Đánh thức” những di sản “ngủ quên”
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã trở thành một không gian sáng tạo đặc sắc với nhiều hoạt động hấp dẫn Lễ hội năm nay

Tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, một nhà máy cũ, xa trung tâm nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian ngắn, các phân xưởng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã trở thành một không gian triển lãm với 16 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ, các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như triển lãm Thuỷ Phủ của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, Tiếng gọi của họa sĩ Thu Trần, Chuyển động Ngoại biên của nhóm nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trong dự án Tháng Thực hành Nghệ thuật - MAP 2023 của Heritage Space, Như ta đã từng của nhiếp ảnh gia Phan Đan và Nguyễn Minh Hoàng,…

Bài 1.  “Đánh thức” những di sản “ngủ quên”
Triển lãm Vẽ lại giấc mơ hiện đại diễn ra trong không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác công tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.

(Bà Ramla Khalidi – quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam)

Đặc biệt, lần đầu tiên công chúng đã được chiêm ngưỡng đầu tàu máy đầu tiên của ngành đường sắt Việt Nam và những câu chuyện thú vị xung quanh đó. Bên cạnh đó, chuyến tàu “Hành trình Di sản” khởi hành từ Ga Hà Nội - Ga Long Biên - Ga Gia Lâm đi qua cây cầu Long Biên lịch sử trở thành một trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với người dân Thủ đô và du khách ở mùa lễ hội năm nay.

Khơi thông mạch ngầm văn hiến

Đồng hành cùng Lễ hội là sự vào cuộc của các quận, huyện như Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Gia Lâm… với hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật Linh thiêng đình Chèm, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ với chủ đề "Sơn Tây, miền di sản"; Triển lãm ảnh sáng tạo Tây Hồ 360 độ, Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng… đã thực sự tạo nên hiệu ứng cho sự kiện.

Đáng chú ý, ở chương trình nghệ thuật Linh thiêng đình Chèm do quận Bắc Từ Liêm tổ chức, trước ngôi đình cổ kính, có tuổi đời ngàn năm, một sân khấu thực cảnh trên sông Hồng đã được thiết kế. Những màn nghệ thuật độc đáo, kể về tinh hoa di sản của đất Việt đã thực sự làm “mãn nhãn” công chúng Thủ đô. Từ đây, không chỉ những di sản văn hóa phi vật thể như múa Xòe, dân ca quan họ, hát xẩm… được tôn vinh mà di tích đình Chèm cũng trở nên bừng sáng, trở thành điểm đến trong hành trình khám phá Thăng Long – Hà Nội nghìn năm của du khách.

Bài 1.  “Đánh thức” những di sản “ngủ quên”
Sân khấu thực cảnh của chương trình Linh thiêng đình Chèm

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Phó chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm hy vọng, từ chương trình này, những hoạt động, sự kiện nghệ thuật, sáng tạo sẽ liên tục được tổ chức tại vùng đất văn hiến tạo nên sức sống cho các di sản, là bước đi đột phá để đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Bắc Từ Liêm và thành phố.

(còn nữa)

Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp
Tái thiết di sản công nghiệp - Cần một Tái thiết di sản công nghiệp - Cần một "tiếng nói chung"
Tạo sức sống cho di sản bằng nghệ thuật đương đại Tạo sức sống cho di sản bằng nghệ thuật đương đại
Thái Sơn
Phiên bản di động