Dân Hà thành rủ nhau thưởng thức "Sashimi" sứa đỏ
Trải nghiệm không gian văn hóa Tết Việt đa màu sắc giữa Hà thành Những quán cà phê nức tiếng ở Hà Nội mà du khách không thể bỏ qua Rộ lên trào lưu ngồi cafe xuyên đêm của giới trẻ Hà thành |
Trong tháng 1 năm 2024, Hà Nội vinh dự đứng đầu trong danh sách các điểm đến ẩm thực hàng đầu của năm do trang web du lịch lớn của Mỹ - TripAdvisor công bố. Giải thưởng Travelers' Choice Best of the Best là dấu ấn uy tín được đánh giá dựa trên sự đánh giá và ý kiến từ cộng đồng du khách trong suốt 12 tháng. Món sứa đỏ có lẽ vẫn còn là món ăn xa lạ với thực khách nước ngoài, nhưng gần đây, người Hà Nội cứ đến mùa sứa đỏ "cuối Giêng đầu Hai" là lại rủ nhau đi thưởng thức cho kỳ được vị sứa muối đầu mùa.
Sứa muối đầy ắp, đỏ au kèm theo rau xanh, đậu nghệ vàng ruộm khiến nhiều bạn trẻ không khỏi "thèm thuồng" |
Cũng giống như những trái sấu chua giòn hay món rươi bổ dưỡng, sứa cũng là một món ăn theo mùa và dòng chảy của biển. Thường mùa sứa sẽ bắt đầu từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng Năm âm lịch. Tại Hà Nội, sứa không phải sản vật của xứ kinh kỳ nghìn năm. Nhưng khi được thưởng thức theo hương vị Hà thành xưa, món sứa dân dã, mộc mạc với những nguyên liệu có thể tìm thấy ngay trong chính những mảnh vườn quê bất ngờ lại trở thành một món ăn chơi “phong lưu”, chiều miệng những thực khách khó tính nhất của đất Thăng Long.
Một mẹt sứa đầy đủ theo cách ăn của người Hà thành xưa |
Có nguồn gốc từ những tỉnh ven biển vùng đồng bằng Bắc Bộ như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, sứa đỏ thường được đánh bắt tại những khu vực biển có nhiều rừng ngập mặn như sú, đước. Loài nhuyễn thể này chứa tới 98% cơ thể là nước, nếu để lâu trong không khí, chúng sẽ teo lại thành một lớp vỏ nhỏ xíu, bèo nhèo. Người dân vùng biển đã nghĩ ra phương pháp bảo quản sứa bằng chính chất tự nhiên có trong rễ hoặc vỏ cây sú vẹt ngay sau khi đánh bắt. Các thùng lớn ngâm rễ, vỏ cây sẽ bảo quản được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con sứa theo mỗi chuyến tàu biển về bờ. Phương pháp bảo quản này không chỉ khử mùi tanh sứa, mà còn khiến chúng trở nên giòn sần sật với một màu đỏ ruby rất hấp dẫn.
Điều đặc biệt, sứa muối sẽ được cắt bằng các thanh tre sắc, chứ không dùng dao kim loại |
Những người bán hàng lâu năm cho biết, việc cắt bằng dao kim loại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hương vị của sứa tươi, nhất là khi đây là món ăn sống. |
Những thùng sứa từ Hải Phòng khi được vận chuyển lên Hà Nội thường được sắp xếp một cách cẩn thận vào chậu nước sạch. Để tạo thêm hương vị và loại bỏ mùi tanh, người bán thường thêm vài miếng chanh hoặc lát quất vào chậu. Các quán bán sứa thường đặt tại những góc phố nhộn nhịp như Đường Thành, Hàng Chiếu, hoặc Chợ Đồng Xuân. Dù chỉ với vài chiếc ghế nhựa và một vài cái bàn nhỏ, không gian của các quán vẫn mang đến sự ấm áp và thân thiện cho khách hàng.
Một quán bán sứa muối lâu năm, khá nổi tiếng tại Hà Nội thường xuyên đón rất nhiều bạn trẻ đến thưởng thức trong dịp cuối Xuân đầu Hè này |
Trong những ngày hè oi bức, đặc biệt là cuối mùa sứa, các quán thường rất đông đúc với những người yêu thích món ăn này. Họ muốn tranh thủ thưởng thức ngay, lo sợ rằng nếu chờ đến năm sau thì không biết có còn được thưởng thức món sứa đỏ ngon như vậy không.
Mặc dù không sinh ra từ Kinh Kỳ, nhưng sứa đỏ đã trở thành một biểu tượng ẩm thực đặc trưng và được yêu thích ở Hà thành. Với hơn 100 năm lịch sử, món ăn này là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Thủ đô.
Nhìn cách người sành ăn ghém một miếng sứa cùng rau, đậu, dừa mà không khỏi thích mắt. Người Hà thành phong lưu qua từng bước đi, miếng ăn. Dù đồ có dân dã, quê mùa thì lên mâm vẫn phải màu sắc và hấp dẫn thực khách. |
Sứa đỏ phải ăn đúng cách, đủ nguyên liệu thì mới thấy hết vị ngon. Trên một mâm sứa đỏ, không thể thiếu đậu nghệ nướng vàng óng, cùi dừa trắng tinh, lá tía tô tươi mát, và đặc biệt là mắm tôm thơm ngon. Đậu được luộc sơ và sau đó nướng, tạo ra một hương vị độc đáo khác biệt với cách chế biến thông thường. Mắm tôm phải được pha trước với mì chính và rượu nếp theo tỉ lệ gia truyền bí mật của mỗi quán ăn, để hòa quyện vị ngon đậm đà, và để qua đêm để gia vị thấm đều vào nhau.
Khi thưởng thức, thực khách thường vắt chanh vào mắm tôm, giúp cân bằng bớt đi cái nồng gắt của mắm. Sau đó, họ sử dụng lá tía tô để gói kín một phần sứa, đậu, cùi dừa, và kinh giới, tạo nên một hòa quyện vị giác tuyệt vời.
Sứa đỏ trên vỉa hè thường có giá dao động từ 35.000 đến 60.000 đồng/suất. Đây không chỉ là một món ăn vặt mà còn là một nguồn dinh dưỡng tốt, chứa đầy protein, chất béo, canxi, sắt, i-ốt, B1, B2, có lợi cho sức khỏe. Vị thanh mát, giòn sật của sứa; vị béo bùi, ngọt mềm của đậu nghệ, cùi dừa; vị thơm thanh của tía tô, kinh giới quyện với chút đậm đà của mắm tôm sẽ đánh thức mọi vị giác của người thưởng thức.
Mặc dù có người thích món này và có người không, nhưng với những ai đã từng thưởng thức, họ chỉ mong chờ mỗi chiều hè để được thưởng thức miếng sứa đỏ tươi ngon, mang lại sự hài lòng và sảng khoái cho tâm hồn và cơ thể.