Thắp lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên

Giành giải Nhất lĩnh vực Hoá học của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2023, nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thắp lên ngọn lửa nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong trường.
Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực y tế được cập nhật Cậu học trò đam mê chế tạo máy nông nghiệp

Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2023 đã vinh danh 178 đề tài xuất sắc, trong đó giải Nhất lĩnh vực Hoá học năm nay thuộc về nhóm tác giả Phạm Hồng Ngọc và Lương Mỹ Hoa đến từ khoa Hoá học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tối ưu hóa chế độ liều Amikacin trong điều trị nhiễm khuẩn

Nhằm hướng tới mục tiêu định lượng kháng sinh Amikacin trong các lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định thuốc và xét nghiệm dịch sinh học với chi phí thấp, nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định kháng sinh Amikacin bằng cảm biến huỳnh quang sử dụng vật liệu tổ hợp g-C3N4/AuNPs”.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bạn Phạm Hồng Ngọc cho biết, Amikacin là kháng sinh mạnh thuộc nhóm Aminoglycoside, có tác dụng chống nhiễm khuẩn hô hấp, hệ tiết niệu, phụ khoa... Việc theo dõi Amikacin trong quá trình điều trị bệnh là rất quan trọng do phạm vi điều trị hẹp của Aminoglycoside để đảm bảo điều trị tối ưu và giảm nguy cơ độc tính, đặc biệt là nhiễm độc thận và tai. Điều này đòi hỏi phải phát triển các phương pháp phân tích phù hợp để kiểm soát hàm lượng Amikacin trong cơ thể người và chất lượng thuốc trên thị trường.

Thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học
Nhóm thí sinh Phạm Hồng Ngọc và Lương Mỹ Hoa xuất sắc đạt giải nhất Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka năm 2023 lĩnh vực Hoá học

“Việc lạm dụng kháng sinh Amikacin hay cơ thể bệnh nhân không thể đào thải được lượng dư kháng sinh ra ngoài khiến người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn xác định được kháng sinh Amikacin này để giảm được nguy cơ mà nó gây ra đối với các bệnh nhân”, Phạm Hồng Ngọc thông tin.

Không dừng lại ở đó, một số phương pháp phổ biến để xác định kháng sinh Amikacin hiện nay như các phương pháp sắc kí, điện di... đều sử dụng hóa chất và thiết bị đắt tiền. Với tính hấp thụ quang yếu của Amikacin nên thường đòi hỏi phải dẫn xuất hoá khi phân tích bằng các phương pháp đó.

“Để khắc phục các nhược điểm này, trong nghiên cứu của chúng tôi đã đề xuất 1 phương pháp phân tích đơn giản mà không cần dẫn xuất hóa, đó là phương pháp huỳnh quang phân tử, sử dụng hiệu ứng bật tắt huỳnh quang của tổ hợp g-C3N4 và hạt nano vàng (g-C3N4/AuNPs). Đây cũng là nội dung mà chúng tôi tập trung nghiên trong đề tài này”, Lương Mỹ Hoa thông tin.

Thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học
Những phần thưởng xuất sắc cho giải Nhất Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka năm 2023 lĩnh vực Hoá học.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, nhóm tác giả bày tỏ niềm hạnh phúc khi được PGS.TS Phạm Thị Ngọc Mai (giảng viên Khoa Hoá học, Đại học KHTN, ĐHQGHN) hướng dẫn bằng tất cả sự tận tình và tâm huyết.

Bên cạnh đó, 2 nữ sinh cũng nhận được sự chỉ bảo, góp ý của các thầy cô trong khoa Hoá học, những giảng viên giỏi và có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, nhà trường cũng tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất trong phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo tiêu chuẩn để cho ra những số liệu đáng tin cậy.

Nhiều ưu điểm mang tính thực tiễn

Xuyên suốt 1 năm thực hiện triển khai đề tài, nhóm tác giả đã đã đưa ra tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, đó là có thể áp dụng để định lượng kháng sinh Amikacin trong các lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định thuốc và xét nghiệm dịch sinh học với chi phí thấp.

Thắp lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên
Nhóm sinh viên chụp ảnh cùng giảng viên hướng dẫn

Cùng với đó, đề tài nghiên cứu đã mang đến nhiều ưu điểm mang tính thực tiễn, cụ thể:

Với việc sử dụng những hóa chất có giá thành rẻ và thân thiện với môi trường trong nghiên cứu, cùng cách thiết lập tổ hợp vật liệu g-C3N4/AuNPs, giúp cho cách xác định kháng sinh Amikacin dễ dàng đơn giản hơn các phương pháp đã được sử dụng trước đây và vẫn đem lại độ chính xác cao.

Đặc biệt, bằng mắt thường không cần sử dụng đến các thiết bị máy móc, chúng ta cũng có thể phát hiện được sự có mặt của một lượng rất nhỏ kháng sinh Amikacin. Đây cũng là một trong những nghiên cứu đầu tiên sử dụng vật liệu tổ hợp này để xác định kháng sinh Amikacin, vì vậy nhóm tác giả cũng mong rằng phương pháp này có thể giúp ích được cho các ngành Y dược sau này.

2 nữ sinh bộc bạch, làm thí nghiệm rất thú vị, nhưng không phải lúc nào cũng thành công ngay từ những thí nghiệm đầu tiên. “Chúng tôi đã phải rất nỗ lực tìm đọc và đào sâu nghiên cứu cũng như kiên trì để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tuy đủ tiêu chuẩn nhưng với một số thí nghiệm chúng tôi phải chuẩn bị mẫu ở phòng thí nghiệm rồi gửi đi đo ở nơi khác”, Lương Mỹ Hoa nói.

Thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học
Nhóm tác giả mong muốn đề tài “Nghiên cứu xác định kháng sinh Amikacin bằng cảm biến huỳnh quang sử dụng vật liệu tổ hợp g-C3N4/AuNPs” sẽ có cơ hội áp dụng vào thực tế.

Sau cùng, với sự quyết tâm cố gắng học hỏi và làm việc chăm chỉ để cho ra những kết quả với độ tin cậy cao. Công trình nghiên cứu của 2 nữ sinh đã chính thức được công bố trên Tạp chí Quốc tế uy tín Materials Chemistry and Physics (ISI Q1, IF 4.6).

Đồng tác giả Phạm Hồng Ngọc và Lương Mỹ Hoa mong rằng đề tài “Nghiên cứu xác định kháng sinh Amikacin bằng cảm biến huỳnh quang sử dụng vật liệu tổ hợp g-C3N4/AuNPs” sẽ có cơ hội áp dụng vào thực tế, giúp cho quá trình định lượng kháng sinh Amikacin trong kiểm nghiệm thuốc được đơn giản hoá và giảm giá thành. Cùng với đó, đề tài sẽ có điều kiện được phát triển hơn nữa để phân tích thêm nhiều mẫu sinh học, mẫu môi trường trong thời gian tới.

Không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời mà nghiên cứu khoa học mang lại cho các bạn sinh viên trong việc nâng cao kiến thức chuyên ngành và tạo điểm mạnh cho hồ sơ xin việc hoặc xin học bổng sau này. Tuy nhiên, khi các tác giả trẻ đã quyết định tham gia nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, mong rằng các bạn sinh viên có thể cân nhắc và lựa chọn tham gia nghiên cứu khoa học và chọn đề tài theo sở thích cá nhân của mình.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động