Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng

Nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng đã thực hiện đề tài "Tác động của tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tới khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong thời kỳ COVID 19: Bằng chứng quốc tế".
Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực y tế được cập nhật L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ Việt Nam 20 nữ sinh nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023

Vừa qua, 178 đề tài khoa học đã được trao Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 25 năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, giải Nhất trong lĩnh vực kinh tế đã thuộc về nhóm thí sinh: Trần Thị Như Quỳnh, Trịnh Thị Thanh Lam và Lương Thế Vũ đến từ khoa Kinh doanh Quốc tế - Học viện Ngân hàng (Hà Nội).

Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên trên toàn quốc. Vì vậy, đến với Euréka lần thứ 25 này, nhóm thí sinh Trần Thị Như Quỳnh, Trịnh Thị Thanh Lam và Lương Thế Vũ đã mang đến cuộc thi đề tài "Tác động của tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tới khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong thời kỳ COVID 19: Bằng chứng quốc tế" để tranh tài cùng hàng nghìn các thí sinh nặng ký khác trên khắp cả nước.

Cuối cùng, bằng tinh thần của những "chiến binh thép", nhóm thí sinh đã xuất sắc vượt qua 1.509 đề tài dự thi từ các trường đại học trên toàn quốc và góp mặt trong top 15 đề tài vào vòng Chung kết, chạm tay đến ngôi vị cao nhất của Giải thưởng khoa học Euréka lĩnh vực kinh tế.

Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng
Nhóm thí sinh Lương Thế Vũ, Trần Thị Như Quỳnh, Trịnh Thị Thanh Lam xuất sắc đạt giải nhất Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka

Thấu hiểu tầm quan trọng của chuyển đổi số

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bạn Trịnh Thị Thanh Lam cho biết: “Chúng tôi lựa chọn đề tài này vì nhận thấy rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số ở giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-1, chuyển đổi số là một chìa khóa giúp doanh nghiệp thích ứng với những biến động của thị trường và sự thay đổi từ nhu cầu khách hàng”.

Cùng với đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với những kiến thức mới, chuyển giao công nghệ và vốn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Có thể nói, chuyển đổi số đã đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp, tuy nhiên các nghiên cứu trước đây chỉ đề cập đến tác động của chuyển đổi số đến năng suất lao động, hay tác động của chuyển đổi số đến chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), nhưng chưa có nghiên cứu nào tiến hành theo hướng ngược lại.

Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng
Toàn cảnh buổi lễ trao giải Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka 2023

Thấu hiểu tầm quan trọng của đề tài, nhóm thí sinh đã tập trung phân tích ảnh hưởng của việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tới khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, đồng thời nghiên cứu sâu về tác động điều tiết của các mẫu con bao gồm: cơ sở hạ tầng công nghệ, quy mô doanh nghiệp, giới tính người lãnh đạo, rào cản tài chính, rào cản thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, ngành kinh tế.

Thí sinh Trần Thị Như Quỳnh thông tin thêm, đề tài đã tiên phong trong việc nghiên cứu tác động của tham gia GVC đến khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp, đưa ra đề xuất nhằm giải quyết những hạn chế trong việc nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ngành sản xuất, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để nâng cao lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế biến động do ảnh hưởng của đại dịch.

Theo chia sẻ từ bạn Lương Thế Vũ, cả nhóm đã dành hơn một năm để triển khai và hoàn thiện đề tài nghiên cứu. “Quãng thời gian này không chỉ là một hành trình nghiên cứu mà còn là sự cam kết đối với chất lượng và tính đa dạng trong việc thu thập và phân tích dữ liệu các đối tượng nghiên cứu trong bài”, Vũ nói.

Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng
Nhóm 3 bạn thí sinh đã dành hơn 1 năm nghiên cứu để mang về phần thưởng cao quý

Được biết, đề tài được tiến hành nghiên cứu trên số lượng mẫu doanh nghiệp lớn tại nhiều quốc gia và khu vực kinh tế khác nhau, phần lớn trong số đó tập trung vào các doanh nghiệp SMEs. Sự tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ mang lại cái nhìn đa chiều về thực tế kinh doanh khi đây là các đối tượng chiếm phần lớn trong nền kinh tế, mà còn giúp nhóm áp dụng những phát hiện của mình vào bối cảnh kinh tế Việt Nam.

Do đối tượng của bài nghiên cứu có nhiều sự tương đồng với nền kinh tế Việt Nam, các kết quả thu được từ đề tài này có thể là nguồn cảm hứng quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý doanh nghiệp và định hình chính sách cho chính phủ để đẩy mạnh số hóa doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào GVC trong quá trình hồi phục và phát triển kinh tế như hiện nay.

Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên kinh tế
3 tác giả tranh thủ check in tại buổi lễ trao giải Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka 2023

Những ưu điểm vượt trội của đề tài

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, nhóm thí sinh đã chỉ ra những ưu điểm vượt trội của đề tài, cụ thể:

Thứ nhất, đây là đề tài nghiên cứu tiên phong về tác động của việc tham gia GVC đến khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các nghiên cứu trước đây sử dụng số liệu nghiên cứu hạn chế và chỉ tập trung vào 1 trong 2 yếu tố tham gia GVC hay chuyển đổi số, hoặc gần đây nhất là tác động của chuyển đổi số lên quá trình tham gia GVC, chứ chưa có nghiên cứu nào phân tích tác động ngược lại.

Thứ 2, khi nghiên cứu, bên cạnh phương pháp định tính, nhóm tác giả còn sử dụng mô hình định lượng dựa trên hồi quy mô hình Probit để đánh giá tác động của tham gia GVC và các nhân tố khác tới khả năng chuyển đổi số.

Thứ 3, nhóm tác giả sử dụng dữ liệu điều tra hợp nhất từ khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WBES) giai đoạn 2018-2019 và khảo sát tiếp theo về COVID-19 (COVID-19-ES) giai đoạn 2020-2021 đặt trong bối cảnh COVID-19 trên 39 quốc gia, Những dữ liệu trên có số lượng mẫu lớn, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, được tổng hợp từ nguồn tin chính thống và có tính tin cậy cao.

Thứ 4, bài nghiên cứu được tiến hành trên mẫu tương đối lớn với hơn 20.000 doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia và vùng kinh tế khác nhau, phần lớn trong số đó là SMEs, khá tương đồng với các doanh nghiệp ở Việt Nam nên kết quả bài nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn.

Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng
Nhóm sinh viên bảo vệ dự án tại vòng Chung kết

Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu, để có thể hoàn thành đề tài trọn vẹn, nhóm thí sinh đã nhận được sự hướng dẫn, tạo điều kiện rất nhiều từ phía thầy cô và nhà trường. Đó là sự giúp đỡ nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn PGS.TS Đoàn Ngọc Thắng, thầy là người trực tiếp chỉ dẫn, đốc thúc và động viên nhóm trong suốt quá trình hoàn thiện đề tài.

Tiếp theo đó, xuyên suốt quá trình làm việc, nhóm có cơ hội được tham gia những sân chơi lớn và trao đổi với chuyên gia để được tiếp cận những góc nhìn, kiến thức khác nhau, tạo điều kiện nâng cao chất lượng bài nghiên cứu. Ngoài ra, việc tìm kiếm và tiếp cận được mẫu nghiên cứu lớn gồm đa dạng doanh nghiệp từ nhiều quốc gia và vùng kinh tế cũng giúp đề tài dễ dàng triển khai và mang tính bao quát hơn.

Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng phải đối mặt với không ít khó khăn khi triển khai. Thời gian đầu bắt tay vào nghiên cứu, cả nhóm cũng rơi vào trường hợp mất định hướng và nản chí. Đồng thời, việc dành ra hơn một năm thực hiện đề tài đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và nguồn lực từ các thành viên. Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường và việc thu thập dữ liệu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều khó khăn về tính khả dụng và độ tin cậy của thông tin từ các doanh nghiệp.

Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên kinh tế
Nhóm sinh viên chụp ảnh cùng giảng viên hướng dẫn

Những trên tất cả, bằng sự quyết tâm, nhóm tác giả của Học viện Ngân hàng đã xuất sắc mang về giải Nhất chung cuộc. Họ đều mong muốn đóng góp những kết quả nghiên cứu không chỉ cho những doanh nghiệp trong mẫu, mà trực tiếp áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay.

Với một đề tài còn khá mới, thời gian thực hiện tương đối ngắn, nhóm tác giả hy vọng đề tài này sẽ được biết đến rộng rãi và nhận được những sự góp ý từ các chuyên gia kinh tế để cùng nghiên cứu, tìm ra những phương án tốt nhất giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc thực hiện chuyển đổi số.

Hành trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng
Những tấm bằng khen xuất sắc cho giải nhất Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka năm 2023 lĩnh vực kinh tế.

Cuối cùng, trao đổi thêm với phóng viên, nhóm tác giả bộc bạch, sinh viên nên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học vì đây là một trải nghiệm rất tuyệt vời vì đây là cơ hội không chỉ giúp phát triển kỹ năng nghiên cứu, phân tích dữ liệu, giải quyết vấn đề và suy luận logic, mà còn hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình quan tâm, được học hỏi kinh nghiệm từ các vị giáo sư, người hướng dẫn. Đặc biệt là, cần toàn tâm toàn ý cho đề tài, thật sự kiên trì và theo sát mục tiêu đến cùng.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động