Chàng trai “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử Chàng trai gen Z hát “Lá cờ” ở trường THPT Việt Đức Chàng trai yêu màu áo xanh, đam mê tình nguyện |
Tôn chỉ 5 "không"
Trong 4 năm trở lại đây, anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê Nam Định) đã làm việc không lương và cứu sống gần 17 nghìn người gặp nạn. Là Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu ở độ tuổi 36, anh được sự yêu quý và tin tưởng của mọi người bởi những cống hiến, hy sinh của anh vì cộng đồng.
Anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê Nam Định), Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel |
Gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Việt tại trụ sở quen thuộc của Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (225 Vũ Tông Phan, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã được lắng nghe những chia sẻ đầy ấn tượng của người hùng này.
Nhấp ngụm trà, anh Việt bồi hồi nhớ lại: “Tháng 11/2016, khi đang rảo bước chân tập thể dục trên đường, tôi bị xe máy đâm trúng sau lưng. Mặc dù tuyến đường có nhiều người qua lại nhưng trong suốt 15 phút ấy, tuyệt nhiên không một ai đoái hoài. Tôi thấu hiểu cảm giác cô độc và bị bỏ rơi của người gặp nạn".
Kể từ sau khi thoát khỏi "cửa tử", anh Việt quyết định tổ chức một nhóm hội đi làm thiện nguyện nhằm giúp đỡ những người bị nạn và FAS Angel đã được ra đời từ đó.
FAS Angel được biết đến là cụm từ với tôn chỉ 5 "không": Không bỏ rơi - Không thu phí - Không tranh cãi - Không phân biệt - Không kết án.
FAS Angel tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy cùng các lực lượng chức năng, dân quân, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội). |
Sau hơn 4 năm hoạt động, hiện tại FAS Angel đã có 60 thành viên là nòng cốt, quản lí các hoạt động trực tiếp, gần 300 tình nguyện viên và có hơn 1.500 thành viên là cộng tác viên thường xuyên báo tin, hỗ trợ FAS Angel tiếp cận hiện trường, giúp đỡ người bị nạn.
Vào mỗi tối, từ 21h – 24h, khi dòng người hối hả trở về nhà thì cũng là lúc các tình nguyện viên, đội viên di chuyển bằng xe máy sẽ cùng nhau tập trung về các điểm nóng thường xảy ra va chạm giao thông như: Ngã Tư Sở, Cầu Diễn, Đại Học Bách Khoa và Ngọc Hồi để cùng nhau ôn luyện lại các kỹ năng sơ cứu cơ bản, qua đó tăng thêm sự chính xác khi xử lí các ca va chạm ở hiện trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, anh Việt bộc bạch: “Trong những lần đi hỗ trợ sơ cứu, vụ thảm hoạ khiến anh ám ảnh chính là ngọn lửa bùng phát tại tầng một chung cư mini 9 tầng trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội)”.
Tại đây, liên tục 8 giờ đồng hồ, anh cùng đồng đội đã giải cứu thành công 12 người mắc kẹt ra ngoài an toàn, chuyển họ đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Với những nạn nhân xấu số, anh và đồng đội làm công tác hỗ trợ vận chuyển thi thể các nạn nhân đến nhà tang lễ.
"Đây là một thảm họa quá lớn, chưa khi nào tôi cảm thấy sốc, đau đớn, bất lực như khoảnh khắc ấy", anh Việt trầm ngâm kể.
Còn sống là còn làm thiện nguyện
Thiện nguyện xuất phát từ sự tự nguyện. Dù vẫn phải lo toan với cuộc sống mưu sinh, song anh Việt khẳng định: “Có lẽ trong thời gian tôi còn sống, cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này sẽ không bao giờ dừng lại. Trong nhóm có nhiều thành viên đã từng là nạn nhân, một số bạn từng là người gây ra vụ tai nạn và xin được đi làm tình nguyện viên của FAS Angel, cũng có nhiều người vào đội để cai rượu… Mỗi người mỗi công việc khác nhau, nhưng những "thiên thần áo cam" đều có cùng xuất phát điểm là cái tâm thiện nguyện và tấm lòng thơm thảo gắn bó suốt đời vì cộng đồng”.
Anh Việt khẳng định, anh sẽ gắn bó với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này |
Trong buổi nói chuyện, có những khoảnh khắc khiến anh lặng đi. Anh cho biết, không ít lần bản thân bị đánh tại hiện trường vì bị nhầm là đối tượng ăn cắp, có người lại nghĩ anh Việt là người gây ra tai nạn…Thậm chí, chính người nhà và người ở hiện trường cũng có những lời lẽ xúc phạm hay "phản ứng bằn chân tay" khi họ không nhận ra thành viên FAS Angel.
Công việc, hoàn cảnh vất vả là thế, nhưng người hùng Nguyễn Quốc Việt chưa một lần ngừng quyết tâm vượt qua khó khăn mà chỉ đau đáu trong tâm làm sao cho tròn trách nhiệm người Thủ lĩnh, làm sao để FAS Angel có thể giúp đỡ được nhiều hơn nữa những nạn nhân không may xảy ra tay nạn. Anh cho biết, để duy trì hoạt động của Đội Hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel anh Việt kêu gọi anh em thiện nguyện cố gắng để ra một chút nguồn kinh tế mỗi ngày làm nguồn kinh phí duy trì hoạt động đội nhóm.
Để duy trì hoạt động của Đội Hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel anh Việt kêu gọi anh em thiện nguyện cố gắng trích ra một chút nguồn kinh tế mỗi ngày làm nguồn kinh phí duy trì hoạt động đội nhóm. |
Ở cương vị thủ lĩnh, anh Phạm Quốc Việt đã thành lập nhóm Fire Angel (Những thiên thần lửa) với 20 tình nguyện viên tham gia, huấn luyện chuyên sâu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), điều phối xe 3 luyện tập phòng cháy chữa cháy, tham gia diễn tập PCCC&CNCH cùng các ban ngành cấp quận cấp thành phố, tuyên truyền ý thức PCCC tại trường học, quận huyện và các tỉnh thành khác miễn phí; Thành lập các nhánh hỗ trợ tại các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hoà Bình; Thành lập trạm cứu hộ để mở ra dịch vụ sửa chữa, cứu hộ xe cho các nạn nhân, đảm bảo không làm mất tài sản, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nạn nhân khi đến sửa chữa phương tiện bị hư hỏng tại các trạm cứu hộ.
Buổi chia sẻ kỹ năng sơ cứu, thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn tại trường Phổ thông Cao đẳng FPT Nghệ An. |
Chia sẻ về dự định thời gian tới, anh Việt cho biết sẽ tổ chức nhiều hơn các buổi chia sẻ và truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm miễn phí cho mọi người tại nhiều địa phương trên cả nước. Anh cũng đẩy mạnh tuyên truyền về văn hoá an toàn giao thông… Vì với anh, việc trang bị những kỹ năng mềm trong cuộc sống là điều quan trọng và luôn coi nạn nhân như người thân của mình để giúp họ.
Cộng đồng khi gặp nạn và phát hiện người bị nạn có thể gọi đến số hotline của Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (0822.510.627) để được hướng dẫn cách sơ cứu; Chụp ảnh tình trạng của nạn nhân, gửi vị trí để đội có mặt kịp thời, sơ cứu hiệu quả và lan tỏa tinh thần giúp đỡ, sẻ chia trong cộng đồng.