Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử

Viên Hồng Quang - sinh năm 1995, sống tại Hà Nội - là tác giả của hàng trăm tác phẩm phục chế màu tư liệu cũ về các nhân vật lịch sử, trong đó có những thước phim giá trị về Bác Hồ được hàng chục triệu lượt xem trên mạng xã hội.
"Dòng sông kể chuyện" - chương trình đặc sắc tái hiện hơn 300 năm lịch sử TP Hồ Chí MinhKiều bào trẻ say mê, hào hứng với các di tích lịch sử

Họa màu cho những tư liệu cũ

Đầu năm 2020, một thước phim tài liệu có màu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn ngày 5/6/1964 với phóng viên thuộc Văn phòng phát thanh truyền hình Pháp (ORTF) đã làm “dậy sóng” các bạn trẻ trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram,... Người xem, đặc biệt là giới trẻ ai nấy đều xuýt xoa xúc động khi những thước phim đã đem đến hình ảnh vô cùng chân thật và gần gũi về Bác Hồ.

Cư dân mạng đã “lùng sục” để tìm danh tính người đã phục chế đoạn phóng sự lịch sử này và họ đã vô cùng bất ngờ khi người thực hiện nó không phải một studio hay viện phục chế nổi tiếng nào. Tác giả của đoạn video gây bão mạng đó là Viên Hồng Quang – chàng trai 9x cựu sinh viên khoa Công nghệ Thông tin thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Viên Hồng Quang chụp ảnh cùng phu nhân cố Giáo sư Tôn Thất Tùng - bà Vi Thi Nguyệt Hồ

Từ tháng 4/2020, anh đã phục chế màu hàng ngàn tư liệu lịch sử trải dài qua các thời kỳ Việt Nam hiện đại. Thước phim Bác Hồ trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp năm 1964 được anh “họa màu” đã thu hút tới 18 triệu lượt xem và tương tác trên mạng xã hội.

Bên cạnh phục chế màu các phim tài liệu về Bác Hồ, Quang đã lên màu cho hàng trăm bức ảnh và nhiều video phỏng vấn các nhân vật lịch sử quan trọng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng, chủ tịch đầu tiên của Hà Nội - bác sĩ Trần Duy Hưng...

Bởi tính chất công việc “đặc biệt” của mình, Viên Hồng Quang đã có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện và học hỏi từ những con người của thời đại anh hùng ngày ấy. Anh đã gặp gỡ gia đình của nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như cố Giáo sư Tôn Thất Tùng; Nữ đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng;...

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Cố Giáo sư Tôn Thất Tùng và các y bác sỹ - ảnh phục chế bởi Viên Hồng Quang

Anh cho biết: “Những chuyến làm việc, tiếp xúc trò chuyện với gia đình các cụ lão thành khiến bản thân mình có bước “chuyển mình” và mở rộng góc nhìn thế giới nhiều hơn. Với những câu chuyện được kể lại bởi chính con cháu các cụ và những tư liệu lịch sử nhận được, mình chỉ nghĩ: “Sao những con người vĩ đại ấy lại sống một đời giản dị, thanh bạch đến vô cùng. Bước vào ngôi nhà của gia đình cố GS Tôn Thất Tùng và giao lưu với gia đình của cụ, mình cảm nhận được cái mà người ta hay gọi là “nếp nhà”, “gia phong”. Không gian bình dị nhưng chứa đầy những kỷ vật ghi dấu thời gian trong từng góc như thì thầm kể lại câu chuyện lịch sử của chính gia đình. Qua đó mình càng thêm quyết tâm tri ân, bảo tồn và phục dựng lại những “màu sắc” xưa cũ để thế hệ mai sau luôn hiểu và được tìm về với nguồn cội lịch sử của đất nước Việt Nam yêu dấu”.”

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Đam mê lịch sử đã "đưa đẩy" Viên Hồng Quang đến với công việc ý nghĩa hết sức đặc biệt này

Đối với Viên Hồng Quang, anh chia sẻ bản thân từ sớm đã “bị” những thước phim, hình ảnh về lịch sử thu hút. Nhưng những tài liệu được lưu trữ đã nhuốm màu thời gian khiến chất lượng bị giảm đi khá nhiều. Anh tự hỏi tại sao không phục chế lại cho đẹp và chân thật hơn để người xem, đặc biệt là giới trẻ như chính anh dễ tiếp cận với lịch sử hơn.

Nói về video đầu tiên của mình, Viên Hồng Quang cho rằng: “Mình vẫn chưa hài lòng về sự chỉn chu của video xử lý ngày ấy dù bản thân đã cố gắng hết sức để tái tạo màu da, ánh mắt hay cử chỉ của Người sao cho chân thật nhất. Tuy nhiên, bởi sự hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm nên đôi khi nét mặt hay màu da, hàm râu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bị trộn lẫn màu với những điểm ảnh khác, khiến thước phim vẫn bị lỗi màu sắc, chưa được chân thật 100%. Nhưng được mọi người vẫn hết sức ủng hộ và lượt xem càng ngày càng tăng, chính điều ấy thôi thúc mình cần phải cố gắng hơn nữa để hoàn thiện video của mình sao cho thật chỉn chu hết mức có thể.”

Những tác phẩm phục chế này thường vấp phải những sai sót lớn về tính chính xác của màu sắc. Do đó, Quang đã phải tìm tòi rất nhiều tài liệu, hỏi han những thế hệ trước để hiểu được bối cảnh lịch sử, qua đó đưa ra màu sắc gần đúng nhất. Sau thời gian tối ưu kỹ thuật và máy móc, anh đã trình làng phiên bản mới với màu sắc trung thực hơn.

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Cô gái người Tajik tặng hoa Bác Hồ - ảnh phục chế bởi Viên Hồng Quang

Bên cạnh đó, Viên Hồng Quang cũng phải đối mặt với những khó khăn về công nghệ kỹ thuật và tài chính trong quá trình phục chế ảnh,phim màu vì đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn rất lớn. Nhưng như anh chia sẻ, những sai lầm và thử thách luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống và sự đón nhận nồng nhiệt của mọi người với các sản phẩm phục chế màu chính là động lực to lớn để anh tiếp tục dự án “Lịch sử thường thức”.

Phục chế tư liệu cũ không phải là một công việc dễ dàng đối với bất kỳ ai. Việc hiểu về “màu sắc” của quá khứ là điều hết sức quan trọng. Bối cảnh lịch sử qua từng tài liệu cần sự chính xác về tông màu, lớp phủ, đặc biệt cần có sự hiểu biết về kỹ thuật tráng màu phim nhựa thời xưa và những hạn chế của công nghệ đó để khắc phục các điểm lỗi. Từ cảnh quan, màu sắc trang phục thời trước tới màu da, biểu cảm của các nhân vật lịch sử đều cần phải chú trọng và chỉnh sửa kỹ càng. Bên cạnh đó, công nghệ, máy móc và kỹ thuật phục chế cũng phải thường xuyên cũng là việc khiến Quang khá “đau đầu” để đáp ứng được đúng các tiêu chí cần có.

Anh quả quyết: “Dù cố gắng thế nào cũng không thể đảm bảo chính xác 100% trong công việc phục chế bởi cũng có lúc sản phẩm cho ra sẽ mang màu sắc chủ quan của người làm.

"Những thước phim đã được đổ màu có thể không mang tính lưu trữ nhưng lại có giá trị truyền thông rất lớn. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay thì những hình ảnh màu đẹp và sắc nét như vậy sẽ là cầu nối để mọi người có thể tiếp cận lịch sử một cách gần gũi thoải mái nhất" - Quang nói.

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Bác Hồ với thiếu nhi - ảnh phục chế bởi Viên Hồng Quang

Bắc cầu nối quá khứ và hiện tại

Dự án lớn nhất của Viên Hồng Quang trong năm 2023 đó chính là hoàn thiện phục dựng bộ phim tài liệu lịch sử dài 2 tiếng mang tên “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân” lấy bối cảnh là những ảnh hưởng của chiến dịch ném bom của Mỹ đối với người dân Việt Nam, vốn chủ yếu là nông dân. Đây là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens (1898-1989) đã thực hiện từ năm 1967 và hoàn thiện vào năm 1968.

Cơ duyên thúc đẩy anh chàng thực hiện họa màu cho “Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân” bắt đầu trong một lần phục chế đoạn phim phỏng vấn thượng tướng Chu Văn Tấn ghi hình hơn 50 năm trước. Lúc xem lại những thước phim, Hồng Quang cho biết đã vô tình nhìn thấy một người phụ nữ rất giống đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, khi tìm hiểu thông tin thì đó chính là bà Xuân Phượng - phiên dịch của thượng tướng Chu Văn Tấn.

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, ông Phạm Công Đức (cậu bé 9 tuổi cầm súng trong phim) và Viên Hồng Quang trong buổi chiếu phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân" tại Quảng Trị

"Ngay sau đó, mình đã liên lạc với đạo diễn Xuân Phượng để gửi lại hình ảnh đã phục chế sang bản màu cho bà xem. Sau hơn 50 năm, đạo diễn Xuân Phượng xem lại hình ảnh của mình với phiên bản ảnh màu ở độ tuổi ngoài 30 bà đã vô cùng xúc động và gửi cho mình một tin nhắn rất dài bày tỏ sự quý trọng khi xem lại khoảnh khắc lịch sử này ở một phiên bản khác sau nửa thế kỷ. Đây như một cái duyên kể kết nối mình với những câu chuyện lịch sử sau này" - anh Quang chia sẻ.

Ngày 30/11/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức buổi chiếu phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân của đạo diễn nổi tiếng thế giới Joris Ivens, do Viên Hồng Quang phục chế từ phim đen trắng sang phim màu. Nơi công chiếu bộ phim lịch sử này là Trường THPT Vĩnh Linh, thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) và khán giả chủ yếu là học sinh.

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng chụp ảnh cùng đạo diễn Joris Ivens và ekip làm phim Vỹ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân

Viên Hồng Quang nói: “Trong năm 2023, kỷ niệm 55 năm bộ phim “Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân” được phát hành, mình sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thiện và đem tới một bộ phim tài liệu lịch sử với hình ảnh và màu sắc chân thật nhất tới khán giả Việt Nam và hi vọng là cả quốc tế. Qua đây, mình cũng muốn truyền tải niềm yêu thích và đam mê lịch sử của mình tới giới trẻ Việt Nam. Mong rằng cũng sẽ có những bạn trẻ “đứng lên” cùng mình để chung tay “kết nối” quá khứ với hiện tại, để những thế hệ đi sau có cái nhìn chân thực và sống động hơn về lịch sử để thêm hiểu và yêu lấy đất nước mình”.

Lịch sử từ lâu là môn học khô khan do lượng kiến thức trải dài và có tính liên kết chặt chẽ, đòi hỏi sự tìm tòi và học hỏi kỹ lưỡng. Tuy nhiên, phương pháp dạy và học lịch sử hiện tại đang hết sức thiếu thốn những tư liệu, tài liệu như phim, ảnh mang tính thực tế nhằm phản ánh lại bức tranh quá khứ chân thực, giáo viên Lịch sử cũng đang dạy theo “lối mòn” bằng kiến thức có sẵn trong sách vở. Bởi vậy nên đa phần các bạn trẻ vẫn “ngại” khi tìm hiểu về lịch sử, khó tìm được cảm hứng để “yêu” lấy quá khứ của Tổ quốc.

Chàng trai 9x say mê phục dựng những thước phim lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sỹ tại Đền Giếng năm 1954 - ảnh phục chế bởi Viên Hồng Quang

Bằng nỗ lực của mình, Viên Hồng Quang hi vọng anh sẽ góp một phần nhỏ bé vào kho tàng tài liệu lịch sử của dân tộc nhằm kích thích sự tò mò và hứng thú của các bạn trẻ. Những thước phim màu phản ánh thực tế của một thời oai hùng không kém những bộ phim Hollywood sẽ mang khán giả về với quá khứ sống động tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua.

Hồng Quang nói: “Quá khứ là nền tảng của hiện tại, không có quá khứ sẽ không có hiện tại ngày nay. Không có sự hi sinh của cha anh trong bom đạn sẽ không bao giờ đổi lại được sự an bình cho thế hệ cháu con. Trân trọng lịch sử chính là trân trọng nguồn cội, huyết thống thiêng liêng của dân tộc. Là một người trẻ, mình muốn bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị cao quý của lịch sử để củng cố nền tảng vững chắc cho hiện tại và cũng là bước đệm chắc chắn cho nhiều cú “nhảy vọt” của Tổ quốc trong tương lai”

Tùng Linh
Phiên bản di động