Sinh ra tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), tuổi thơ của cậu bé sinh năm 2000 lớn lên êm đềm trong tình yêu thương của mẹ, bà ngoại và chị gái. Khi Hoàng 5 tuổi, đôi mắt của cậu bắt đầu mờ dần. Mẹ đã chạy ngược xuôi mong tìm bác sĩ giỏi, bệnh viện tốt để cứu lấy ánh sáng cho tương lai của con. Nhưng những cố gắng của chị cũng không ngăn được số mệnh, Hoàng được chẩn đoán với triệu chứng bong võng mạc. Ánh sáng và màu sắc cuộc sống nhạt nhòa dần trước mắt, đến năm 10 tuổi, đôi mắt của cậu đã ngừng hoạt động.
“Khi mất đi thị lực, em đã hoang mang. Không phải vì sợ bóng tối hay không thấy đường đi, em chỉ tự hỏi “mình sẽ đi học như thế nào?”. Nhưng các cô, dì trong Hội Người mù huyện Can Lộc đã nhiệt tình hỗ trợ, chỉ dạy cho em học chữ nổi Braille để tiếp tục theo đuổi ước mơ được đi học. Giống như người đang rơi xuống vực sâu đột nhiên nắm được sợi dây cứu mạng, em cố gắng học “chữ mới” với tất cả khao khát được trở lại trường. Chỉ sau 2 – 3 tuần học, may mắn là em đã tiếp thu và nắm vững hệ chữ nổi để tiếp tục hành trình đi tìm kiến thức” – Việt Hoàng chia sẻ.
Chàng trai Hà Tĩnh đã theo đuổi tri thức không ngừng nghỉ, bất chấp đôi mắt không còn sáng. Hoàng học vì đam mê, vì cơ hội để tiến lên và đặc biệt là học để thoát cái nghèo, cái khổ. Cậu hiểu rằng, người khiếm thị sẽ khó tìm được công việc ổn định để phụ giúp tài chính trong nhà. Hoàng quyết tâm phấn đấu, dùng tri thức để phát triển bản thân, định hướng tìm kiếm một công việc lao động trí tuệ để đỡ đần gia đình sau này.
Năm 2014, hoàn cảnh của Việt Hoàng được các mạnh thường quân và nhiều cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm giúp đỡ. Nhờ sự kêu gọi và đồng hành của những tấm lòng hảo tâm, Hoàng và gia đình đã bớt đi những mối lo về tài chính và việc học của mình.
Trong số những nhà hảo tâm đó, chị Vũ Thị Dung – người sáng lập nhóm thiện nguyện Khát Vọng – là người đã đem đến ánh sáng thực sự cho cuộc đời của chàng trai Hà Tĩnh. Nhóm Khát Vọng của chị lập ra nhằm mang đến một cuộc đời “đáng sống” cho hàng trăm bạn nhỏ kém may mắn, thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ.
Đối với Việt Hoàng, chị Dung là người mẹ thứ hai luôn yêu thương và tận tụy đồng hành cùng cậu trong chặng đường “sống một cuộc đời đáng sống”. Khi gặp Hoàng lần đầu, chị Dung đã nhận thấy tinh thần hiếu học sôi nổi và tiềm năng phát triển to lớn của cậu. Chị cùng những người bạn đồng hành cùng nhóm Khát Vọng đã động viên và hỗ trợ Việt Hoàng đăng ký vào học tại Đại học Fullbright.
Hoàng kể: “Thời điểm học cấp 3, em đã có suy nghĩ sẽ theo ngành Y học cổ truyền như bao bạn khiếm thị khác. Nhưng chính mẹ Dung đã cho em thấy giá trị và tiềm năng của bản thân. Mẹ khuyên em tin vào chính mình, hiểu khả năng của mình và cho bản thân một cơ hội thử sức tại Đại học Fullbright. Em e ngại vì trường nằm ở TP. Hồ Chí Minh, lại dạy bằng tiếng Anh. Sự khuyến khích của mẹ Dung đã thôi thúc em mạnh dạn đăng ký học. Sau hàng loạt bài kiểm tra, buổi phỏng vấn với các thầy cô trong trường, em nhận thấy đây là môi trường thích hợp với các thầy cô, bạn bè vô cùng tuyệt vời. Hơn hết, tại Fullbright, em được là chính mình, không e ngại để tự do khám phá, phát triển bản thân. Nhờ có sự yêu thương và ủng hộ của mẹ Vũ Thị Dung mới có một Trần Việt Hoàng vững vàng như ngày hôm nay”.
Vào học tại Đại học Fullbright, sinh viên Trần Việt Hoàng đã rất băn khoăn với lựa chọn ngành nghề của bản thân sau này. Ngành khoa học máy tính là đam mê nhưng cũng đầy thách thức đối với một chàng trai khiếm thị. Theo tìm hiểu, Việt Hoàng được biết, tại nước ngoài có rất nhiều người khiếm thị làm công việc lập trình viên. Nhưng tại Việt Nam mới chỉ có hai người khiếm thị làm công việc này và đều là hai đàn anh rất xuất sắc trong ngành, từng làm việc tại Apple Inc, tập đoàn FPT,... Hoàng ước mơ được trở thành người thứ ba, đại diện cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những người khiếm thị tiên phong phát triển các giá trị cho xã hội qua ngành khoa học máy tính.
Bốn năm học với vô vàn tài liệu và kiến thức khó nhằn nhưng Hoàng không cho đó là khó khăn đáng kể. Tuy việc tiếp cận tài liệu chậm hơn bạn bè, nhưng bù lại khả năng phân tích và giải quyết vấn đề của cậu lại rất nhanh chóng. Kết quả học tập của Hoàng luôn rất ấn tượng, thậm chí còn cao hơn một số bạn bè cùng trang lứa.
Việt Hoàng chia sẻ: “Ngày đi học, các thiết bị công nghệ trong trường chưa được thiết kế thân thiện với người khiếm thị khiến em gặp khó khăn khi làm quen và sử dụng dù có người hướng dẫn tận tình. Em nghĩ: “Tại sao không phát triển ứng dụng để giúp những người như mình sống một cuộc sống tiện nghi, dễ dàng hơn?”.
Trần Việt Hoàng cùng bạn thân là Trần Nguyễn Hoàn Nhi đã lên ý tưởng và bắt tay vào phát triển ứng dụng điện thoại “HNVision”. Đây là ứng dụng hỗ trợ những người khiếm thị thao tác với các trang thiết bị gia dụng một cách dễ dàng hơn. Sử dụng công nghệ AI, Hoàng và Nhi thiết lập cho ứng dụng nhận diện các nút bấm trên nhiều vật dụng để tạo hướng dẫn cho người dùng. Ngoài ra, người khiếm thị còn có thể xác định khoảng cách giữa bản thân và các thiết bị một cách dễ dàng.
Trần Việt Hoàng và bạn thân Trần Nguyễn Hoàn Nhi đã chung tay phát triển ứng dụng "HNVision" bằng tất cả tấm lòng dành cho những người khiếm thị.
May mắn mỉm cười khi dự án của hai bạn trẻ được công ty Temasek (Singapore) và trường Đại học Fullbright chú ý. Hoàng và Nhi đã nhận được học bổng Community Change Maker do công ty Temasek tài trợ trị giá 50 triệu đồng để hỗ trợ hai bạn trẻ phát triển dự án trong tương lai. Hiện đôi bạn đã hoàn thành thiết lập cơ sở hạ tầng máy chủ và đang tiến hành thu thập dữ liệu và training model AI và lập trình giao diện cho ứng dụng.
Việt Hoàng chia sẻ: “Em hiểu rằng việc những người khiếm thị khi tiếp cận sử dụng điện thoại thông minh sẽ khó khăn hơn so với người sáng mắt. Đa phần các ứng dụng, trang web hiện nay có thiết kế chưa thân thiện, chưa chú ý hỗ trợ người khiếm thị sử dụng. “HNVision” là bước khởi đầu cho tương lai, sau này, chúng em sẽ tiếp tục lên ý tưởng và cho ra đời những trang web, phần mềm và thậm chí là cả các thiết bị hỗ trợ cuộc sống cho người khiếm thị tốt hơn nữa. Điều này sẽ góp phần xóa bớt định kiến xã hội đang đặt lên người khiếm thị, cho rằng chúng em yếu kém hơn và không thể làm được điều này, điều kia... Em sẽ dùng công nghệ để mở ra tương lai tươi sáng không chỉ cho riêng em, mà còn cho cộng đồng người khiếm thị và những bạn trẻ kém may mắn sau này”.
Ở độ tuổi rất trẻ, nhưng Trần Việt Hoàng trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều. Hoàng học thiền, tìm hiểu về Phật pháp, tham dự các dự án cộng đồng hỗ trợ cho những cuộc đời kém may mắn hơn. Cậu bạn Gen-Z đáng lẽ vẫn còn vô tư với nhiều hoài bão, bay bổng với những dự định đầy màu sắc của tuổi trẻ. Nhưng thay vì giữ ước mơ cho riêng mình, Hoàng lại đau đáu với nguyện vọng được “trả ơn cuộc đời”.
Việt Hoàng xúc động nói: “Dù số phận đã lấy đi ánh sáng trong đôi mắt nhưng lại mang đến cho em những cơ hội tuyệt vời khác. Em được những người xa lạ quan tâm giúp đỡ dù chưa một lần gặp mặt. Em được gặp các cô, dì đã dạy em chữ nổi, gặp mẹ Dung luôn tận tụy hết lòng vì em và cả những người bạn đồng hành ủng hộ em hết mình,... Em không phải người đặc biệt mà chỉ là một người bình thường may mắn được cộng đồng dành nhiều tình yêu thương. Em muốn ấp ủ và nuôi dưỡng tình yêu ấy lớn mạnh và trả lại ơn nghĩa cho đời. Nó là lời tri ân và tấm lòng của một người bình thường gửi tới cộng đồng và xã hội, cảm ơn vì đã đem đến ánh sáng cho em, cho em được sống một cuộc đời có ý nghĩa”.
Cuộc đời, gia đình và những người thân yêu đã cho Hoàng nhớ rằng: “Nếu bạn cho rằng bạn không thể trở thành một luật sư tử tế, hãy chọn làm người tử tế, đừng làm luật sư” (A. Lincoln). Hoàng bảo, chính người mẹ thứ 2 Vũ Thị Dung là người luôn dạy bảo, truyền lửa để Việt Hoàng khắc ghi tư tưởng đó. Chị dạy “các con” về lòng trắc ẩn và sự sẻ chia, khuyến khích bạn trẻ hãy tích cực trao đi giá trị tốt đẹp, trở thành người có ích cho xã hội.
Không phụ lòng tin của những người thân yêu, ngay từ khi còn học tại Đại học Fullbright, chàng sinh viên ngành Khoa học máy tính đã bắt đầu mở các lớp dạy lập trình cho người khiếm thị. Việt Hoàng đã chủ động liên hệ với Mái ấm Nhật Hồng (Tam Bình, Thủ Đức) nhằm tạo cơ hội học tập cho nhiều bạn trẻ kém may mắn.
“Em rất hạnh phúc khi thấy các bạn được học tập, được ước mơ và sống hết mình với ước mơ. Ở các bạn, em thấy được hình ảnh chính mình cách đây nhiều năm. Bởi vậy, em quyết tâm đem hết khả năng của bản thân để truyền lại cho các bạn có hoàn cảnh giống mình. Đến nay, số lượng học viên đã “tốt nghiệp” là 40 bạn. Sau khi học, các bạn đều yêu thích lập trình và muốn theo đuổi đam mê như em. Dù chặng đường đi dạy khá xa (40km cả đi và về), nhưng nếu được giúp đỡ, hỗ trợ các bạn phát triển tương lai thì có xa mấy em cũng đi” – Việt Hoàng khẳng định.
Trần Việt Hoàng và các bạn trẻ nghị lực có cùng hoàn cảnh đã tham gia nhiều sự kiện truyền cảm hứng cho giới trẻ.
Cuộc sống này luôn công bằng, không cho không ai điều gì và cũng không vô tình lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có sự bù đắp, trả giá. Việt Hoàng đã không từ bỏ niềm tin để luôn phấn đấu tiến bước, sống có ích, sống trọn vẹn và xứng đáng với sự sống quý giá đã được trao.
Hiện tại, Hoàng đang làm công việc lập trình viên cho một công ty công nghệ. Làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 với lịch trình dày đặc, nhưng thứ 7 Hoàng vẫn sắp xếp đi quay video nội dung cho kênh Tiktok “Coding the Light” – (Lập trình ánh sáng) với nhiều nội dung truyền cảm hứng tích cực về cuộc sống. Chủ Nhật, Hoàng và bạn thân Hoàn Nhi lại tiếp tục cặm cụi làm việc phát triển cho dự án “HNVision”.
Việt Hoàng nói: “Kênh Tiktok, các lớp dạy học lập trình hay chính dự án “HNVision” là cách mà em nói “Cảm ơn” tới cuộc đời, tới gia đình, bạn bè và cộng đồng, xã hội đã luôn ủng hộ từng bước em đi. Em hi vọng, chính mình có thể giữ vững ánh sáng trong tim để tiến bước, tin vào bản thân, vào những điều tốt đẹp có thể xảy ra trong tương lai. Bởi em biết rằng, không điều gì là không thể, mọi thứ ở đó đều có lý do, hãy bước tiếp để thấy tương lai rực rỡ thế nào. Như Martin Luther từng nói “Dù tôi biết ngày mai thế giới này sẽ tàn lụi, tôi vẫn sẽ trồng một cây táo”, em sẽ gieo hạt giống hạnh phúc và tưới nó với tất cả tình yêu và tâm huyết. Để rồi mai sau, giữa dòng đời ngược xuôi sẽ có một tán cây rộng lớn, êm đềm với hoa thơm quả ngọt dành cho những cuộc đời kém may mắn như em”.
Bài viết và Đồ họa: Tùng Linh |