Một số cơ quan chưa thực sự muốn phân quyền cho cấp dưới

Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của cử tri và Nhân dân.
Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân quyền toàn diện nhưng phải kiểm soát quyền lực “Hồn cốt” của Luật Thủ đô là về phân cấp, phân quyền

Việc phân cấp, phân quyền chưa thực hiện nghiêm túc

Cuối giờ sáng 8/11, chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì Chính phủ đã có chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua, việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên.

Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp.

Một số cơ quan chưa thực sự muốn phân quyền cho cấp dưới
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của cử tri và Nhân dân.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

"Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền cho cấp dưới; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn", Thủ tướng nói.

Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

Du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Cũng nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, du lịch là 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai.

Một số cơ quan chưa thực sự muốn phân quyền cho cấp dưới
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương).

Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng thực tế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như kỳ vọng của đồng vào và cử tri cả nước.

Nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra liên quan đến thể chế, chính sách, nhân lực, quy hoạch, trong đó yếu tố chủ quan là chủ yếu.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Chính phủ sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành.

Hậu Lộc
Phiên bản di động