Cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Từ ngày 1/7/2024 sẽ cải cách tổng thể chính sách tiền lương, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước.
Quốc hội nhất trí cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 Xây dựng lương cán bộ, công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp Nhất quán ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024
Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/7/2024 sẽ bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Đồng thời không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước.

Trước đó, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được cử tri và đại biểu quan tâm.

"Đây là nguồn tái tạo sức lao động nhưng cũng là động lực để cán bộ, công chức, người lao động tham gia cống hiến, phát triển đất nước", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương chưa thực hiện được do nguồn lực còn khó khăn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu, giảm chi và hiện đã có 560 nghìn tỷ đồng phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết, song song với cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp tiệm cận với nhau.

Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.

"Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước cho phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Hậu Lộc
Phiên bản di động