Nhà nước thu phí cao tốc không vì lợi nhuận

Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận mà để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
Thủ tướng: Hoàn thành 3.000km đường cao tốc trước ngày 31/12/2025 Thanh Hóa sẽ có 2 trạm dừng nghỉ cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn

Quốc hội vừa thông qua Luật Đường bộ, qua đó đã bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư để có nguồn vốn bảo trì, đầu tư các tuyến cao tốc mới.

Theo điều 50 của Luật Đường bộ, Nhà nước thu phí sử dụng cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, bao gồm cao tốc do Nhà nước đầu tư và cao tốc được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến cao tốc.

Theo Ủy ban Quốc phòng An ninh, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư không dẫn đến phí chồng phí vì người tham gia giao thông có thể lựa chọn sử dụng đường quốc lộ song hành miễn phí.

Nhà nước thu phí cao tốc không vì lợi nhuận
Cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều kiện, thời điểm thu phí sử dụng cao tốc. Các tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh cũng sẽ phải nộp tiền thu được vào ngân sách Nhà nước. Riêng tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước.

Trước khi được quy định trong luật, Bộ Giao thông vận tải từng nhiều lần đề xuất thu phí một số tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư; trong đó, có 9 tuyến cao tốc dự kiến thu phí trong 5 năm.

Theo Bộ Giao thông vận tải, mức phí sẽ đáp ứng các nguyên tắc như phù hợp với lợi ích, khả năng chi trả của người sử dụng. Sau khi bù đắp chi phí tổ chức phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước. Số tiền thu được từ các cao tốc đầu tư bằng ngân sách sẽ nộp lại ngân sách Nhà nước và ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong khi đó, theo Cục Đường bộ Việt Nam, trong 10 năm tới nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỷ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%. Nhân lực quản lý, vận hành cao tốc cũng đang là bài toán khó, khi đến năm 2030 cần 10.000 công nhân vận hành, nhiều chủ công trình được giao quản lý, vận hành còn hạn chế về chuyên môn và thiếu nhân sự trình độ cao. Việc bố trí nguồn vốn để quản lý, khai thác đường cao tốc chưa kịp thời, đầy đủ.

Nhằm giải quyết vấn đề này, Luật Đường bộ đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm huy động nguồn lực xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc, trong đó có quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, quan điểm nhất quán của Bộ Giao thông vận tải là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận mà để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.

Chia sẻ về cách thức triển khai, ông Thái cho biết, hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc. Vì vậy, trên cơ sở hạ tầng hiện nay không phải đầu tư trạm thu phí.

"Vấn đề đặt ra hiện nay là lựa chọn giữa 2 hình thức quản lý, khai thác và thu phí cao tốc.Thứ nhất là Nhà nước tự tổ chức thực hiện việc thu phí. Thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác", ông Thái thông tin.

Với hình thức thứ nhất, cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu. Qua đấu thầu, Cục Đường bộ sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Phương án này có nhược điểm là thu phí kiểu nhặt dần, sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách.

Hình thức thứ hai là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền.

Với phương án thứ hai có nhiều ưu điểm, song với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư. Nếu không có nhà đầu tư tham gia, Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện trên tinh thần cung cấp sản phẩm dịch vụ công, đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng.

Về mức phí, ông Thái cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu các kịch bản, tính toán, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí logistics.

Những tuyến dự kiến sẽ thu phí

Các tuyến cao tốc đang khai thác: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Trung Lương, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.

Các tuyến đang xây dựng đến năm 2025: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Binh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau.

Hậu Lộc
Phiên bản di động