Vì sao Quốc hội lùi thời gian thông qua hai dự án luật quan trọng?

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chia sẻ lý do Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội xin ý kiến tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội và đời sống của người dân.

Theo ông Cường, qua 3 kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, trong đó, tập trung vào các nội dung về thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài...

Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội vẫn phải quyết định chưa thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất và việc chuẩn bị hoàn thiện đồng bộ các dự thảo nghị định, văn bản quy định chi tiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật sau khi được ban hành.

Vì sao Quốc hội lùi thời gian thông qua hai dự án luật quan trọng?
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tương tự, với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo ông Cường, đây cũng là dự án luật khó, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.

Qua 2 kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, hoàn thiện rất nhiều nội dung về ngân hàng chính sách; bảo vệ quyền lợi của khách hàng; bảo mật thông tin; về tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, người điều hành; kiểm soát nội bộ; kiểm toán nội bộ…

Quốc hội cũng đã thảo luận về hoạt động cấp tín dụng; về tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng, nhất là các quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng; xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; xử lý ngân hàng yếu kém; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng...

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể dự thảo luật so với các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, Quốc hội cũng vẫn phải quyết định chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, bảo đảm tính phù hợp và tính khả thi trong thực tiễn để hoàn thiện dự thảo luật.

Theo ông Bùi Văn Cường, việc điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật này thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội để bảo đảm các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bền vững, đặc biệt là không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.

"Đây là điều bình thường trong hoạt động của Quốc hội, không riêng gì hoạt động lập pháp. Chúng ta đã nỗ lực hết sức, chủ động với tinh thần từ rất sớm, rất xa trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội nhưng nếu có nội dung nào chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải tiếp tục hoàn thiện chứ không phải là chạy theo tiến độ, dù tiến độ cũng rất quan trọng nhưng chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu", ông Cường nói.

Hậu Lộc
Phiên bản di động