Luật Thủ đô (sửa đổi): Ngành du lịch Hà Nội có điểm tựa vững chắc

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, là bước thay đổi rất lớn so với Luật Thủ đô năm 2012. Các chính sách của luật đã cơ bản bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển.
Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử với Thủ đô Hà Nội! Nâng tầm Thủ đô Cơ hội để Thủ đô “cất cánh”

Tác động đến sự phát triển của ngành du lịch

Theo dõi quá trình hoàn thiện dự án Luật Thủ đô 2024 có thể thấy đã thể hiện những chính sách tạo cơ sở để chính quyền TP Hà Nội tiếp tục đề xuất và hoàn thiện hệ thống các giải pháp, biện pháp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước nói chung cũng như tập trung về huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội...

Riêng đối với ngành văn hóa, thể thao, du lịch Luật Thủ đô đã dành riêng Điều 21 về quản lý phát triển, không chỉ Điều 21, ở trong Điều 39, 41, 43 Luật Thủ đô cũng nêu rõ có những ưu đãi về văn hóa, thể thao, du lịch. Điều này thể hiện Hà Nội mong muốn cụ thể hóa các điều khoản liên quan đến văn hóa, du lịch trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển du lịch, văn hóa.

Cụ thể, trong luật đã nêu rõ đó ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế từ đó thu hút, phát triển du lịch. Đồng thời phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Ngành du lịch Hà Nội có điểm tựa vững chắc
Khách du lịch đến Thủ đô (Ảnh: Hoàng Quyên)

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều quy định mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển du lịch Thủ đô trong đó nêu rõ những khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Cụ thể, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đặc biệt TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và các khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch…

Những quy định này đã tạo tiền đề cho ngành du lịch xây dựng, phát triển những tour, tuyến du lịch mang tính đặc trưng của Thủ đô, qua đó thu hút du khách trong nước và quốc tế chọn Hà Nội làm điểm đến.

Không chỉ có vậy, tại khoản B điều 7 Luật Thủ đô quy định Khu phát triển thương mại và văn hóa được quyết định các khoản thu để bảo đảm chi trả cho việc quản lý, vận hành… điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ tài chính trong quá trình đầu tư phát triển các dịch phụ phục vụ ngành du lịch.

Những quy định này cho thấy Luật Thủ đô đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành du lịch khai thác các giá trị, tài nguyên về văn hóa, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống

Để Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống, nhất là với ngành du lịch, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng, các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có Sở Du lịch Hà Nội cần tăng cường công tác tham mưu để UBND TP đưa ra những chính sách, văn bản pháp lý vừa đúng vừa trúng nhu cầu mong muốn của ngành du lịch nói chung, doanh nghiệp nói riêng trong việc phụ hồi thu hút khách thông qua việc đầu tư khai thác nhưng tour, tuyến mới.

Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp du lịch lao đao nên rất mong muốn TP Hà Nội trong quá trình áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) có những cơ chế chính sách mới về việc tiếp cận vốn vay sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Ngành du lịch Hà Nội có điểm tựa vững chắc
Một điểm tham quan nổi tiếng trong tour du lịch Hà Nội (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, để ban hành được những cơ chế chính sách phù hợp, UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan nên tổ chức những buổi gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, để xuất của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước nên có những định hướng mở rộng khai thác thị trường cũng như khai thác tiềm năng văn hóa của Hà Nội trong việc xây dựng những tour, tuyến mới từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp thị hiếu du khách, qua đó thu hút khách quốc tế đến Hà Nội. Để luật đi vào cuộc sống doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhanh chóng có văn bản hướng dẫn.

Cùng đó, Sở Du lịch trong quá trình thực thi Luật nên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Hà Nội tới các thị trường quốc tế qua đó hút du khách đến Thủ đô.

Hoa Thành
Phiên bản di động