Chuyện của những người ở lại

Bài 1: Hồi ức còn mãi trong đời

Trong tâm trí của những thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng, năm tháng xưa hào hùng, cống hiến cho đất nước sẽ mãi là niềm tự hào và là ký ức không thể nào quên. Không chỉ dành tuổi cả tuổi xuân, họ đã dâng cả những người chồng, người con cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

hồi ức Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng Hồi ức ngày hội non sông…

Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng “Mưa tháng sáu” - hồi ức đẹp đẽ, cảm xúc của Văn Mai Hương và Hứa Kim Tuyền Hồi ức ngày hội non sông…

Khắc ghi những tháng năm trôi xa

Đã trở thành truyền thống, những ngày đầu tháng 7/2024, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô lại tiếp tục các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ, bà mẹ VNAH cùng người già neo đơn tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 và Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 tại huyện Ứng Hoà (Hà Nội). Đoàn công tác đã ân cần thăm hỏi, chia sẻ, động viên và tặng quà tới các mẹ, thân nhân người có công với đất nước, những cụ già neo đơn tại 2 Trung tâm.

Tại đây, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những cựu thanh niên xung phong. Họ cũng chính là người mẹ, người vợ của những anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh máu xương cho nền hòa bình của dân tộc và hiểu hơn về những nỗi đau, mất mát lớn lao của những người phụ nữ vẫn còn đeo đẳng họ sau nửa thế kỷ.

Bài 1: Hồi ức còn mãi trong đời
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tặng quà và ân cần thăm hỏi những người già, những người có công tại 2 Trung tâm.

Tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng bà Lê Thị Nga (86 tuổi), vợ cố Thượng sĩ Trần Ánh Vân. Ở tuổi bát tuần, bà Nga vẫn còn nguyên vẻ minh mẫn. Cầm cuốn kinh Phật trên tay, bà rành rọt đọc từng câu từng chữ, khẽ rung một hồi chuông nhẹ nhàng tưởng nhớ tới người chồng đầu ấp tay gối đã đi xa. Kết thúc thời kinh, bà nở nụ cười hiền hậu chào chúng tôi, tỏ lòng cảm kích khi nhận món quà nhỏ chứa đựng tình cảm và đầy trân trọng của những người trẻ hôm nay. Tôi bày tỏ nguyện vọng muốn lắng nghe câu chuyện xưa về cuộc đời của bà. Đáp lại, bà Nga nhiệt tình kéo tay tôi ngồi xuống ghế đá và bắt đầu kể.

Bài 1: Hồi ức còn mãi trong đời
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thay mặt cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo gửi tặng Tivi và các phần quà cho Trung tâm Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2.

Thời con gái, bà Lê Thị Nga là một cán bộ kế toán – thống kê tận tụy, từng đảm nhận vị trí Bí thư Đoàn xã Đội Bình (Ứng Hòa, Hà Nội). Trong thời gian công tác, cô gái Lê Nga nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, thông minh đã được địa phương gửi đi đi học lớp bồi dưỡng đặc biệt về chuyên ngành thu phát và dịch mật mã.

Bài 1: Hồi ức còn mãi trong đời
Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô trò chuyện cùng cụ bà Lê Thị Nga

Như “cá gặp nước”, cựu Bí thư Đoàn xã Đội Bình học rất nhanh và tốt nghiệp loại giỏi. Cô Bí thư Đoàn Lê Thị Nga sau đó được phân công làm tại một đơn vị tác chiến tại Hòa Bình.

Trong ký ức của bà Nga, hình ảnh của vị Trưởng ty (Giám đốc cơ sở), người dân tộc Mường tại đơn vị ngày ấy khó phai mờ . Ông không có con gái nên dành tình yêu thương hết mực cho cô cán bộ trẻ Lê Thị Nga như con cháu, có gì ngon, lạ, ông luôn để phần cho “con Nga”. Ở ông, bà học được tính kỷ luật, tình thương và sự sẻ chia sâu sắc với đồng bào dù chẳng hề quen biết.

Bà Nga trầm ngâm kể: “Tôi nhớ như in một kỷ niệm rất buồn. Hôm ấy là một ngày tháng 9 đẹp trời, tôi đang sửa soạn giấy tờ chuẩn bị cho công việc thì máy thu phát kêu lên. Tiếp nhận bức điện mật, do tôi đã thuộc lòng những ký hiệu, mật mã nên chỉ liếc qua, tôi ngay lập tức thấy khó thở, đầu óc quay cuồng và lồng ngực đau thắt từng cơn. Đọc đi đọc lại để chắc chắn mình không nhầm, “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời, đề nghị thông báo khẩn tới toàn đơn vị”, tôi chỉ biết òa khóc và khẩn trương dịch ngay bức điện. Cầm tờ báo cáo ướt đẫm nước mắt, tôi sấp ngửa chạy vụt lên phòng Trưởng ty, ngã dúi mấy lần nhưng lại lồm cồm bò dậy mà chạy tiếp. Đẩy cửa phòng chú, tôi mếu máo gào khóc “Bác Hồ mất rồi chú ơi!!!”. Ông ấy như chết sững, túm lấy vai tôi và lắc mạnh: “Cháu nói cái gì? Sao cháu dám nói thế hả Nga?”. Đưa tờ báo cáo cho ông, tôi nghẹn giọng nói: “Chú ơi, điện Trung ương vừa đánh lên, Bác mất rồi!!! Bác bỏ chú cháu mình đi rồi chú ơi!!”. Chú Trưởng ty mở to đôi mắt, từ từ đổ sụp xuống bàn làm việc. Hai chú cháu ôm nhau khóc, miệng không ngừng gọi “Bác ơi, Bác kính yêu ơi,...”

Bài 1: Hồi ức còn mãi trong đời
Những món quà được lãnh đạo Báo Tuổi trẻ Thủ đô gửi tới các mẹ, thân nhân người có công tại Trung tâm với lòng biết ơn và trân trọng.

Bà Lê Thị Nga xúc động nói: “Trong đời, tôi sẽ không thể nào quên được khoảnh khắc ấy. Thời khắc mà dân tộc Việt Nam mất đi người cha vĩ đại. Nước mắt của đồng đội trong đơn vị như chảy thành sông, người thì bần thần như mất hồn, người từ chối tin vào những gì tôi thông báo. Có chị đồng nghiệp của tôi thậm chí còn ra bờ suối ngồi 2 ngày liền không chịu về, chị cứ đờ đẫn nhìn xuống dòng suối trong vắt mà lặng lẽ rơi nước mắt. Những cảm xúc đó, có lẽ thời nay rất hiếm thấy”.

Áo nâu mắt đỏ thờ chồng

Bà Nga gặp ông Trần Ánh Vân khi cả hai tình cờ có cơ hội làm việc với nhau trong vài lần ông lên Hòa Bình. Tình cảm giản đơn chớm nở thành quen, hai người nhanh chóng tiến tới hôn nhân trong những lời chúc phúc của bạn bè và đồng đội. Kết hôn chưa lâu, chồng bà được điều đi chiến đấu trong chiến trường miền Nam khốc liệt.

May mắn có ngày trở về, nhưng Thượng sĩ Trần Ánh Vân phát hiện bản thân bị nhiễm chất độc màu da cam do Mỹ rải xuống miền Nam đất Việt. Tuy ông Vân giấu vợ, nhưng bằng trực giác phụ nữ, bà Lê Thị Nga đã thủ thỉ tâm sự và biết được nguyên nhân ông luôn né tránh khi nói về việc sinh con.

Bà Nga nói: “Biết chồng nhiễm chất độc hóa học dẫn đến khó có con, tôi có chút hụt hẫng. Nhìn bạn bè kết hôn và có con, lòng tôi đau như cắt. Nhưng nghĩ lại, nếu cố chấp sinh nở mà con tôi bị dị tật, chẳng nhẽ chúng tôi lại bỏ con sao đành. Sinh ra mà con không được lành lặn ấy là cái tội của người làm cha mẹ. Vợ chồng tôi đã đi đến thống nhất không sinh con, sống thong thả bên nhau, ấy là cái mừng rồi“.

Bài 1: Hồi ức còn mãi trong đời
Với lòng biết ơn và trân trọng những cống hiến, hy sinh của cha anh thế hệ trước, cán bộ, phóng viên Báo TTTĐ đã tặng quà, mang đến niềm vui cho thân nhân người có công đang sống tại Trung tâm.

Nhiều đồng đội, bạn bè không khỏi xót xa với hoàn cảnh của vợ chồng ông Vân bà Nga. Các anh chị em thân thiết luôn tìm cách động viên hai vợ chồng. Có người em thân thiết từng nói với bà Nga: “Nhìn hai anh chị hạnh phúc, tay trong tay và luôn đồng hành cùng nhau ở mọi nơi, chúng em hết sức ghen tỵ và thầm mong về sau hôn nhân chúng em sẽ được hạnh phúc như vậy bên bạn đời. Con cái là lộc trời ban, nếu có nhân duyên thì kiếp này hay kiếp khác rồi sẽ có. Miễn hai anh chị luôn thấy bình yên, êm ấm là chúng em vui lây rồi”.

Nhờ sự quan tâm và sẻ chia của bạn bè và cộng đồng, vợ chồng ông Vân bà Nga đã trải qua mấy chục năm êm ả, chẳng có lấy một lời cãi cọ, to tiếng. Đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, ông Vân vẫn day dứt vì không thể cho bà Lê Thị Nga một gia đình trọn vẹn. Đáp lại, bà nắm lấy tay ông và yên lặng ở bên cạnh chồng cho đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng.

Tuổi già cô đơn, bà Lê Thị Nga quyết định xin vào ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2. Ở đây, bà được gặp gỡ nhiều bạn bè, nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiệt tình của các cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng viên tại trung tâm. Ngày ngày, bà dậy sớm tập thể dục, hỗ trợ các cán bộ tăng gia sản xuất với vườn rau và chuồng heo, chuồng gà. Buổi chiều, bà lại thong thả tản bộ, trò chuyện cùng bạn bè, nương tựa nhau tìm niềm vui trong cuộc sống.

Bài 1: Hồi ức còn mãi trong đời
Tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng Người có công số 2, đời sống của các cụ ông, cụ bà luôn được đảm bảo về mọi mặt. Các vị lão niên luôn có bạn bè và nhiều câu lạc bộ lành mạnh để tham gia giải trí, nâng cao thể chất và sức khỏe.

Ngoài ra, bà Lê Thị Nga có niềm tin mạnh mẽ vào Phật pháp. Bà lập một ban thờ nhỏ trong phòng, thờ Phật, thờ Bác Hồ, ngày qua ngày chuyên tâm hương khói cầu nguyện. Bà mặc chiếc áo nâu đã cũ, cúi đầu trong tiếng kinh thầm thì, nguyện cho hương linh ông và anh linh các liệt sỹ, những bạn bè xưa đã ngã xuống nơi chiến trường khói lửa được an nhiên nơi xa xôi. Trong đôi mắt người phụ nữ Việt Nam ấy, tôi thấy cả cuộc đời nặng trĩu nỗi đau cho quá khứ đã qua và nguyện cầu an yên cho những người ở lại.

Bà Nga chia sẻ: “Ở tuổi này, được các đồng chí cán bộ y tế, điều dưỡng viên tại trung tâm chăm sóc, yêu quý, đó là niềm vinh dự của tôi. Tôi không cảm thấy buồn chán khi ở đây, bởi xung quanh luôn có rất nhiều bạn bè, chị em thân thiết để tâm sự, chia vui sẻ buồn. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia trồng rau, nuôi gà, nấu bếp, giặt giũ.., cùng các cháu cán bộ cũng làm cho cuộc sống thêm lý thú, lành mạnh. Đó cũng là ơn Đảng, ơn đời dành cho người lớn tuổi đã cống hiến tuổi trẻ xây dựng đất nước. Mong rằng, đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi vẫn sẽ giữ được sự an nhiên, tĩnh tại mà bấy lâu nay bản thân rất trân trọng và gìn giữ”.

Trước lúc ra về, bà Lê Thị Nga nắm chặt tay tôi, xúc động nói: “Bao năm nay, mỗi khi có đoàn tới thăm, tôi đều cảm thấy vô cùng vui mừng và hạnh phúc. Không chỉ về mặt vật chất, đó là sự cổ vũ về mặt tinh thần, giúp tôi an vui những ngày cuối đời, gắn bó với Trung tâm. Hôm nay, được các cháu từ Báo Tuổi trẻ Thủ đô tới thăm hỏi, động viên là liều thuốc tinh thần an ủi tôi rất nhiều. Cảm ơn tấm lòng của thế hệ trẻ luôn hướng đến những cuộc đời như chúng tôi, để chúng tôi biết rằng ngoài kia, chúng tôi vẫn luôn được trân trọng và nhớ về”.

Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024) và Lễ Vu Lan báo hiếu, sáng 4/7, đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô đã triển khai các hoạt động của mùa tri ân năm 2024.

Chương trình tri ân năm 2024 của Báo Tuổi trẻ Thủ đô bắt đầu với việc thăm và trao tặng quà cho người già, người neo đơn tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 và người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 ở huyện Ứng Hoà (Hà Nội). Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Ơn nghĩa sinh thành” đã trở thành thường niên của báo Tuổi trẻ Thủ đô trong nhiều năm qua.

Tại 2 Trung tâm, nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô và nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập ân cần thăm hỏi, động viên các bà, các mẹ là thân nhân người công với đất nước, những cụ già neo đơn cùng các em nhỏ đang sinh sống ở "ngôi nhà thứ 2" này, đồng thời trao cho Trung tâm những món quà ý nghĩa với tổng giá trị là xấp xỉ 150 triệu đồng.

Những hoạt động này nhằm thể hiện lòng tri ân đối với thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đối với các đấng sinh thành đã tần tảo cả đời vì những đứa con, vì đất nước.

Thời gian tới, Báo Tuổi trẻ Thủ đô lại tiếp tục hành trình này tại các địa phương khác để lan tỏa hành động đầy ý nghĩa, nhân văn, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ.

Tùng Linh
Phiên bản di động