Kinh tế khó khăn, vì sao người Việt vẫn đi cà phê mỗi ngày?

Tình hình kinh tế khó khăn không những không cản trở thói quen “đi cà phê” của người Việt, con số này thậm chí còn có xu hướng tăng nhẹ theo báo cáo của iPOS.vn mới đây.

Vừa qua, iPOS.vn - công ty chuyên phần mềm quản lý bán hàng đã công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023.

Số liệu trong bản công bố thu thập từ 3.000 nhà hàng/quán ăn và gần 4.000 thực khách trên cả nước trong thời gian 4 tháng khảo sát.

Theo số liệu khảo sát, mức chi tiêu phổ biến nhất dành cho việc mua thức uống là 41.000-70.000VND/ly đồ uống, chiếm khoảng 45,2% tổng số người tham gia khảo sát, trong khi con số này ở năm 2022 là 44%.

Tình hình kinh tế khó khăn, tại sao người Việt vẫn đi cà phê mỗi ngày?
Tỉ lệ người tiêu dùng chi tiền cho một lần đặt cà phê/ trà sữa

Cũng theo công bố, số lượng người đi cà phê 1-2 lần/tuần tăng cao so với năm 2022, với 30,4% đáp viên lựa chọn (năm 2022 là 22,6%)

“Vì rảnh quá nên mới đi cà phê”

Trò chuyện với phóng viên, chị Quỳnh Trang (31 tuổi), nhân viên văn phòng tại một công ty in ấn cho biết, vì tình hình kinh tế khó khăn, ít việc nên thời gian rảnh khá nhiều.

Đi làm văn phòng đông người, anh chị em lại có thói quen “tráng miệng” đầu giờ chiều, nên việc chi tiền hàng ngày cho hoạt động uống cà phê có lẽ là điều không thể thiếu đối với dân “bàn máy”.

Nói về việc kinh tế sụt giảm mà vẫn duy trì việc uống cà phê, chị Trang cho biết, dù thu nhập đã kém hơn trước, nhưng việc uống cà phê từ lâu đã trở thành thói quen, một phần không thể thiếu trong đời sống của dân văn phòng nói chung.

Kinh tế khó khăn, vì sao người Việt vẫn đi cà phê mỗi ngày?
Quỳnh Trang và thói quen uống cà phê của dân văn phòng

Thực chất một ly cà phê hay trà với giá từ 50.000 - 60.000VND vẫn là con số có thể đáp ứng được, tuy nhiên, dù cà phê đã là thói quen với dân văn phòng nhưng một tuần anh chị em công ty chỉ đi cà phê 2-3 lần.

Hơn nữa, đối với riêng chị Trang, có tuần là 4-5 lần đi cà phê, thậm chí hơn do tính chất công việc phải gặp gỡ nhiều khách hàng, nên quán cà phê đương nhiên là lựa chọn tốt nhất để trao đổi công việc.

Không đi cà phê, thì đi đâu rẻ hơn?

Đối với nhiều người, nhiều khi không phải vì thèm một ly cà phê mà quán cà phê là nơi để gặp gỡ, hàn huyên với bạn bè, gia đình sau những giờ làm việc căng thẳng với mức giá hợp lý.

Chị Hà Phương, 22 tuổi, hiện là nhân viên sale cho biết, cà phê là lựa chọn rẻ và thông dụng nhất mà ai cũng có thể đáp ứng để giải trí của mình.

“Đối với việc bỏ ra khoảng 150.000VND để đi xem phim hay 200-300.000VND cho các hoạt động khác như: chơi thể thao hay tham quan thủy cung, thì mức giá của 1 ly cà phê có lẽ là “nhẹ đô” và hợp túi tiền nhất”, Phương chia sẻ.

Kinh tế khó khăn, vì sao người Việt vẫn đi cà phê mỗi ngày?
Hà Phương (22 tuổi) lựa chọn đi cà phê là lối giairi trí tiết kiệm nhất.

Hơn nữa, nếu có lựa chọn các hoạt động vừa nêu, thì với chị Hà Phương, điểm đến cuối cùng trong ngày hôm đó vẫn là quán cà phê vì đơn giản, đó là nơi lý tưởng nhất để kết thúc một ngày vui chơi xả căng thẳng.

Có thể thấy, dù kinh tế khó là tình hình chung, song, việc cắt giảm nhu cầu đi cà phê là điều khó có thể. Bởi lẽ, các quán cà phê không chỉ là nơi để giải trí, mà còn là nơi để làm việc, trao đổi công việc và tạo ra thu nhập mới.

Vậy nên, có thể nói đi cà phê đã trở thành thói quen của người của người tiêu dùng, đây cũng chính là một trong những lý do doanh thu thị trường F&B tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 11,47% tính đến hết năm 2023.

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP iPOS.vn, đánh giá năm 2023 là một năm đầy thách thức với ngành F&B Việt Nam. Tuy vậy, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Khánh Vy
Phiên bản di động