Cô giáo trẻ nỗ lực để “không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau”

Cô giáo Nguyễn Lệ Thi (giáo viên trẻ trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) là người luôn yêu nghề, mến trẻ và dành sự quan tâm, tình cảm, tâm huyết đặc biệt cho các em nhỏ còn yếu kém, bị tăng động trong lớp.
Cô giáo Mường lọt top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu Hạnh phúc khi thấy con trẻ vui đến trường Cô giáo trẻ bỏ trường "xịn", về miền Trung dạy học để trả ơn cuộc đời

Học sinh nào cũng có thể tiến bộ so với ngày hôm qua

Đến với lớp học của cô giáo Nguyễn Lệ Thi vào mỗi giờ ra chơi, nghỉ trưa, cuối giờ, ai nấy đều bất ngờ khi thấy hình ảnh cô giáo trẻ đang tận tụy giảng bài cho một hay một nhóm học sinh. Đó chính là tâm huyết đặc biệt của cô giáo trẻ dành cho các bạn yếu kém trong lớp.

Cô giáo trẻ với những sáng kiến mới lạ để học sinh tiếp thu bài hiệu quả
Cô giáo trẻ với những sáng kiến mới lạ để học sinh tiếp thu bài hiệu quả

Công việc giảng dạy và chủ nhiệm rất bận rộn nhưng cô Thi vẫn tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để bồi dưỡng cho những học sinh yếu kém. Có rất ít thời gian cho bản thân, nhiều khi căng thẳng, mệt mỏi thế nhưng chỉ cần nhìn thấy sự tiến bộ hay cái gật đầu hiểu bài của các học sinh, cô giáo trẻ lại tràn đầy năng lượng.

Cô Lệ Thi cho rằng, chương trình Tiểu học, đặc biệt là chương trình học lớp 4 là những viên gạch đặt nền móng đầu tiên cho cả quá trình học tập sau này, nếu các em không nắm được sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập ở các bậc tiếp theo.

Cô giáo trẻ luôn trăn trở với việc dạy các học sinh yếu kém: “Làm sao xóa đi được sự mặc cảm, tự ti, chán nản của học sinh? Làm sao để các em tin tưởng và không ngần ngại nói ra những suy nghĩ, mong muốn của các em?”.

Những tiết học chủ động, thực tiễn của của lớp cô Thi
Những tiết học chủ động, thực tiễn của của lớp cô Thi

Từ đó, cô Thi dành thời gian tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc học kém của từng bạn và đưa ra giải pháp phù hợp; Nhẹ nhàng khuyên bảo, động viên và tổ chức những giờ học sinh động.

“Tôi thực lòng muốn giúp các em, san sẻ khó khăn cùng cha mẹ học sinh. Tôi cũng mong muốn trong lớp không em nào bị bỏ lại phía sau. Tôi tin mỗi học sinh đều có thể tiến bộ so với chính mình của ngày hôm qua”, cô Thi khẳng định.

Cô còn xây dựng công trình “Nhóm bạn cùng tiến”, sắp xếp các bạn khá giỏi ngồi cùng bạn học kém hơn. Từ đó, các bạn khá giỏi hướng dẫn các bạn yếu hơn một cách nhẹ nhàng; Trao đổi kiến thức như một trò chơi hàng ngày để học sinh yếu thấy thoải mái, không tự ti. Chính sự trao đổi đồng điệu trang lứa đã giúp nhiều em tiến bộ đáng kể.

Nỗ lực giúp đỡ trẻ tăng động

“Tôi đã từng nhìn thấy học sinh tăng động bị cô lập trong các lớp học, các bạn tăng động có nhiều hành động khó kiểm soát gây nguy hiểm. Bị các bạn cùng lớp né tránh, cha mẹ học sinh khác cũng rất ái ngại khi con mình học cùng lớp các bạn tăng động. Điều này đã thôi thúc tôi phải làm gì đó cho các em”, cô giáo Thi bày tỏ.

Giờ học thú vị của cô giáo Thi luôn thu hút học sinh
Giờ học thú vị của cô giáo Thi luôn thu hút học sinh

Có gia đình khổ sở, bất lực với chính con của mình, ái ngại với các phụ huynh khác nhưng bố mẹ rất sợ nếu gửi con đến trường riêng biệt, tâm lý con sẽ bất ổn. Chính vì thế, tại trường Tiểu học Kim Liên, cô Thi đã giúp đỡ cho các bé bị tăng động hòa nhập cùng các bạn.

Cô tự tìm hiểu về bệnh lý của các em, xây dựng kế hoạch riêng để giáo dục trẻ tăng động. Với các học sinh đặc biệt này, cô luôn hỏi han, trò chuyện để tìm hiểu xem trẻ đang cần gì; Tặng những lời khen, lời khuyến khích kịp thời đối với trẻ khi các em có tiến bộ dù là nhỏ nhất... Cô giáo đã trao đổi với học sinh trong lớp để các em không kì thị, không có những lời nói khiến bạn tổn thương hoặc tức giận, phân công các bạn giúp đỡ lẫn nhau.

Cô giáo Thi luôn tranh thủ kèm cặp thêm cho những học sinh chưa hiểu bài
Cô giáo Thi luôn tranh thủ kèm cặp thêm cho những học sinh chưa hiểu bài

Thấy các em tiến bộ, nghe những lời chia sẻ, niềm phấn khởi bố mẹ các em là món quà lớn nhất mà cô Thi nhận được. Đã có những buổi họp phụ huynh đong đầy cảm xúc, ông ngoại của bạn nhỏ bị tăng động đứng lên chia sẻ niềm vui của gia đình khi thấy cháu tiến bộ hơn. Có những buổi nói chuyện vội vàng ở sân trường với mẹ của học sinh bị tăng động, giờ đã học cấp 2, con vẫn luôn nhắc tới và mong được gặp cô.

Những tâm huyết, hy sinh mà cô giáo trẻ đã làm được đổi lại bằng niềm vui, sự tiến bộ của học sinh từ đó tình cảm cô trò được vun đắp và ngọn lửa yêu nghề của cô luôn rực cháy.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động