Hạnh phúc khi thấy con trẻ vui đến trường
Phát động cuộc thi tìm hiểu về Luật trẻ em 10 kĩ năng mà trẻ em cần phải học trước khi bước sang tuổi 13 Chung cư ồ ạt mọc lên, chỗ vui chơi trẻ em trở thành "xa xỉ" |
Mọi việc làm xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ
Chị Giang quan niệm, đã là cô giáo thì phải yêu trẻ, chăm trẻ bằng chính tình cảm của mình. Nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non cần sự tỉ mỉ, bền bỉ đến tuyệt đối. Chia sẻ về phương pháp dạy học, chị Giang không bao giờ có suy nghĩ răn đe để các con sợ và nghe theo.
Cô giáo và trò luôn có không gian vui vẻ, gần gũi |
“Tôi luôn cố gắng gần gũi, trò chuyện cùng các con. Mỗi bạn một biện pháp tiếp cận, sao cho phù hợp nhất. Tôi luôn tâm niệm rằng, nếu cứ ngày ngày chăm sóc, quan tâm, các em sẽ tự có tình cảm với mình”, cô Giang nói.
Nhà giáo tâm huyết luôn chú ý đến “bài toán hóc búa” là những em bé nghịch ngợm hoặc có tính cách đặc biệt trong lớp. Có lần bằng nghiệp vụ, tâm huyết của mình, cô giáo Hương Giang đã dạy dỗ một bạn gần như không bao giờ nói chuyện, giao tiếp trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn hơn. Với học sinh hai tháng đầu đến lớp không ăn gì ngoài uống một hộp sữa nhỏ, chị cũng kiên trì từng ngày để kích thích, hình thành thói quen ăn uống cho bé.
Học trò rất thích thú với những đồ chơi do cô giáo Hương Giang tự chế tạo |
Từ tình yêu với nghề, càng làm, cô Hương Giang càng say mê và có những sáng tạo không ngừng trong công tác giảng dạy. Trong ngôi trường Mầm non Minh khai còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, cô đã vận dụng đôi bàn tay khéo léo, tích cực làm đồ chơi cho trẻ.
Cô giáo mầm non Hương Giang còn tự tìm kiếm các không gian khác để tổ chức những buổi học ngoại khóa.“Nhìn thấy các con vui vẻ, thích thú với đồ chơi hay òa lên sung sướng vì được ra ngoài khám phá một không gian mới, tôi thấy rất hạnh phúc”, chị Giang chia sẻ.
Tiếp lửa yêu nghề
Với công trình “Nhà giáo cùng nhau phát triển”, cô Bùi Hương Giang đã thành lập các nhóm chuyên môn theo khối để đưa ra các chuyên đề, biện pháp giáo dục hiệu quả từng năm.
Theo đó, các nhóm được lập ra với 5 nội dung chính: Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1; Tăng cường cho trẻ các hoạt động trải nghiệm, giao lưu; Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo năng lực; Phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ; Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm.
Giờ học thủ công đầy thú vị của lớp |
Đặc biệt với nhóm “Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm”, cô đã đưa ra nhiều cách dạy hay, đánh thức được năng lực và sự thích thú của nhiều học sinh. Dựa trên những nhu cầu, khả năng, thế mạnh và hứng thú của từng bạn, cô giáo đều tạo cho bé cơ hội được hiểu, được đánh giá đúng và được tôn trọng. Bạn giỏi và yêu thích vẽ sẽ được rèn luyện nhiều hơn về mỹ thuật, tương tự với các năng khiếu khác như lắp ráp, múa, hát... Mỗi đứa trẻ đều có cơ hội học khác nhau, đặc biệt học thông qua việc vui chơi, từ đó phát triển tối ưu tư duy, thể lực và thế mạnh của mình.
Bằng quan điểm đúng đắn, tình yêu với nghề, cô giáo Hương Giang đã truyền cảm hứng cho rất nhiều giáo viên khác. “Làm giáo viên mầm non cũng có những áp lực và khó khăn riêng. Tuy nhiên, áp lực đó là để chúng tôi được rèn luyện mình. Tôi không “đứng núi này, trông núi nọ” vì nghề nào cũng sẽ vất vả và khó khăn”, cô Bùi Hương Giang khẳng định.
Tổ công tác “Nhà giáo cùng nhau phát triển” cũng luôn tạo điều kiện, vận động các cô giáo đi học để nâng cao trình độ. Từ đó, mỗi giáo viên tự làm mới mình và phát triển bản thân phù hợp với từng thời kỳ.
Xác định sống với nghề, cống hiến cho nghề bằng tất cả tâm huyết, năm nào cô giáo Hương Giang cũng tham gia thi giáo viên giỏi, luôn tích cực trong công việc từ những thứ nhỏ nhất.
Cô Bùi Hương Giang mong muốn sẽ lan tỏa tình yêu nghề, tâm huyết của mình tới những giáo viên khác. "Từ đó, trường học sẽ là nơi ngập tràn niềm vui, các con đến lớp sẽ không còn sợ sệt, khóc lóc. Môi trường mầm non sẽ là nơi nuôi dạy và phát triển tốt cho trẻ nhỏ từ những năm tháng đầu đời", cô Giang chia sẻ.