Giáo viên GenZ cùng những câu chuyện nghề

Với nhiều hoài bão, tình yêu thương, các giáo viên trẻ cùng chia sẻ về những buồn vui, trăn trở trong suốt quá trình gắn bó với nghề.
Yên Bái: Tuyên dương giáo viên trẻ tiêu biểu năm 2020 Trao danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cho 25 giáo viên trẻ Cô giáo trẻ nỗ lực để “không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau”

Khi tình thương biến thành động lực

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thay vì lựa chọn công tác tại các trường học trên địa bàn thành phố. Cô Đỗ Thị Hồng Hạnh (giáo viên khối lớp 2, trường Tiểu học Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) quyết định gắn bó với các em học sinh vùng cao tại đây. Dù gặp khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt nhưng với sức trẻ, nhiệt huyết và tình yêu thương đã tạo động lực để người giáo viên trẻ “giữ lửa” nghề.

Giáo viên GenZ cùng những câu chuyện nghề
Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hạnh

Trường Tiểu học Sàng Ma Sáo thuộc xã Sàng Ma Sáo - xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của Lào Cai. Thời tiết, địa hình vô cùng khắc nghiệt với lũ quét, sạt lở, rét đậm rét hại diễn ra thường xuyên, việc di chuyển, đi lại gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy dù nhà trường đã hỗ trợ nội trú, bán trú cho các em học sinh tại đây nhưng tỉ lệ nghỉ học, bỏ học giữa chừng vẫn chiếm con số không hề nhỏ. Chia sẻ về hành trình vận động học sinh đi học, cô Hồng Hạnh tâm sự: “Khi có dịp được ghé thăm từng nhà, gặp gỡ và lắng nghe những khó khăn, trăn trở của phụ huynh, học sinh. Điều này làm tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được trở thành một giáo viên và thúc đẩy tôi tiếp tục gắn bó với nghề”.

Các em học sinh tại đây hầu hết đều thuộc dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, ít được tiếp xúc với con chữ. Dẫn đến việc các em tiếp thu kiến thức khá chậm. Đôi khi, một bài giảng phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng chính tinh thần hiếu học, sự hồn nhiên, trong sáng đã giúp cô xua tan hết những mệt mỏi, áp lực trong công việc. Khơi dậy trong cô niềm yêu thương, gắn bó bền chặt với mái trường Sàng Ma Sáo.

Trong tương lai, cô Hồng Hạnh hy vọng sẽ có thêm càng nhiều các em học sinh được đến trường. Cô giáo trẻ mong muốn được dùng tất cả tâm huyết, sức trẻ của bản thân để góp phần thắp sáng, ươm mầm tương lai cho các bạn nhỏ nơi đây.

Nỗi lo lắng, áp lực vô hình

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo, có lẽ vì quá yêu quý cha mẹ nên cũng yêu luôn cái nghề cha mẹ mình đã chọn. Cô Nguyễn Thị Minh Châu (giáo viên khối lớp 5, trường Tiểu học Phú Lương II, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) đã lựa chọn tiếp tục nối nghiệp gia đình.

Giáo viên GenZ cùng những câu chuyện nghề
Cô Nguyễn Thị Minh Châu

Theo cô Châu chia sẻ, yếu tố quan trọng nhất trong việc giảng dạy đó là lòng yêu nghề. Bởi thực chất nghề giáo đang có mức lương thấp, đãi ngộ còn nhiều hạn chế, khó có thể trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó những giáo viên trẻ như cô mới vào nghề được một vài năm đều đang dạy hợp đồng tại các trường học. Ngoài giờ dạy trên trường, lớp họ phải làm thêm nhiều công việc tay chân khác. Cô cho biết: “Tiền lương không phải mục đích chính để giữ chân tôi lại với nghề. Chính lòng yêu thương ấy đã giúp tôi giải quyết định mọi khó khăn, áp lực xung quanh. Từ đó có thể tiếp tục giảng dạy tốt, có nhiều bài dạy hay, phương pháp giảng dạy mới,...”

Chia sẻ thêm về áp lực đã và đang gặp phải, cô cho biết giáo viên tiểu học nói riêng, giáo viên các cấp nói chung đều phải tuân theo những quy định, chuẩn mực xã hội tương đối khắt khe. Bởi lẽ, họ vốn luôn được coi như tấm gương để các em học sinh noi theo. Bản thân cô luôn ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ hình ảnh người cầm phấn, đạo đức nghề nghiệp. Do đó, cần phải giữ cẩn trọng trong từng hành động, lời nói, cách ăn mặc,...Vì đâu đó xã hội vẫn có cái nhìn khắt khe với những sai phạm của nhà giáo. Khi để xảy ra sai sót sẽ dễ vấp phải chỉ trích nặng nề và những luồng ý kiến trái chiều. Đặc biệt với cương vị một giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm.

Khánh An
Phiên bản di động