Chuyện khởi nghiệp của cô gái mê đan, móc len
Từ sinh viên du lịch đến chủ cửa tiệm len
Từng là sinh viên ngành du lịch tại Đại học Mở Hà Nội, nhưng sau khi ra trường, Thủy nhận ra mình không muốn theo đuổi công việc đúng ngành học. Thay vào đó, cô quyết định quay về với đam mê thủ công từ nhỏ – móc len, đan len. “Hồi bé, mình đã rất thích nhìn những sợi len kết thành những món đồ xinh xắn. Cảm giác tự tay tạo nên một thứ gì đó rất riêng khiến mình cảm thấy hạnh phúc,” Thủy chia sẻ.
Cô chủ Gen Z Bùi Phương Thủy giữa vườn hoa lộng lẫy bằng len |
Không ngần ngại thử thách, Thủy bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình chỉ với 50 triệu đồng – số tiền tiết kiệm từ công việc bán thời gian và sự hỗ trợ từ gia đình. Cô tự học, tự tìm hiểu về cách đan, móc len sao cho đẹp mắt và tiện dụng nhất. Và rồi, một cửa tiệm nhỏ chuyên về đồ móc len đã ra đời.
Những sản phẩm len của Thủy đặc biệt ở chỗ, ngoài những món đồ như thú bông, khăn choàng, áo len hay các món đồ trang trí xinh xắn, cô còn rất tập trung vào việc tạo ra những bông hoa len đủ loại, từ oải hương, hồng nhung, cúc, lyly... Các bông hoa được kết từ sợi len, tạo nên những lẵng hoa vừa duyên dáng, vừa "có vẻ đẹp vĩnh cửu," không phai tàn theo thời gian. Đó là cách Thủy muốn gửi gắm sự tinh tế và sáng tạo của mình vào những sản phẩm thủ công, giúp chúng không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc.
Những đóa hoa len mềm mại đủ màu sắc |
Lan tỏa sức sống của đồ thủ công giữa thời đại công nghệ
Trong thời gian đầu, Thủy gặp không ít khó khăn – từ việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng, học cách quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, đến việc tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, bằng sự khéo léo và nỗ lực không ngừng, cô dần dần xây dựng được uy tín và lượng khách hàng ổn định. Thu nhập trung bình hàng tháng của Thủy từ cửa tiệm khoảng 10 triệu đồng – một con số đáng khích lệ cho một cô gái trẻ khởi nghiệp.
Chiếc mấn hoa ấn tượng bằng len do Phương Thủy tự tay thực hiện |
“Những ngày lễ đặc biệt như 8/3, 20/10 hay Valentine là lúc mình ‘bội thu’ nhất. Nhưng cũng vì vậy mà mình nhiều lúc quay cuồng với deadline trả hàng. Tuy vất vả, nhưng mình lại cảm thấy rất vui vì mỗi món đồ móc len đều mang ý nghĩa riêng, và khi nó đến tay người nhận, mình biết mình đã gửi gắm được tâm huyết và sự sáng tạo của mình vào đó" - Thủy chia sẻ.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong hành trình của Thủy là đơn hàng đặc biệt mà cô nhận được từ Chương trình nghệ thuật mùa Vu lan báo hiếu Ơn Nghĩa Sinh Thành 2024, do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Công ty Oscar Media tổ chức. Thủy đã được liên hệ để làm hàng trăm chiếc túi đựng quả thị thơm – một món quà gợi nhớ về tuổi thơ bình yên, một lời nhắc nhẹ về tình thân và những giá trị gia đình. Ban đầu, cô nàng Gen Z còn khá lạ lẫm với ý tưởng túi đan đựng thị, nhưng sau khi hiểu rằng đó là một món đồ đơn sơ gợi nhớ về tuổi thơ của những thế hệ trước – những đứa trẻ ngày xưa thường được tặng những quả thị vàng thơm, đặt trong giỏ nhỏ đan từ len hoặc chỉ – Thủy lập tức đồng ý và dốc hết lòng hoàn thành đơn hàng.
Bùi Phương Thủy rất tự hào vì được góp phần sức trẻ cho sự thành công của chương trình nghệ thuật đặc biệt mùa Vu lan báo Hiếu Ơn Nghĩa Sinh Thành 2024 vừa qua |
“Được góp phần vào một chương trình ý nghĩa như Ơn nghĩa sinh thành khiến mình rất xúc động,” Thủy tâm sự. “Mình hiểu rằng những chiếc túi đựng thị không chỉ đơn thuần là món quà lưu niệm mà còn là lời nhắn nhủ về tình thân, về sự biết ơn dành cho gia đình, đặc biệt là trong dịp Vu lan báo hiếu. Mình chỉ mong khi mọi người nhận được túi len đó, họ sẽ cảm nhận được sự chăm chút và tình cảm mà mình đã đặt vào".
Những chiếc túi len đựng quả thị vàng dịu nhẹ hương thơm, mềm mại sợi len đã góp thêm sắc màu và hương vị cho chương trình nghệ thuật ấy, mang lại cảm giác ấm áp, hoài niệm về một thời thơ ấu. Sản phẩm thủ công của Thủy, qua bàn tay cần mẫn và tâm hồn sáng tạo, không chỉ dừng lại ở những món đồ vật chất mà còn truyền tải những cảm xúc thân thương, những ký ức đáng nhớ.
Nhân dịp 20/10 sắp tới, Thủy hy vọng mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, có thể sống chậm lại một chút để dành thời gian cho bản thân. “Thử sức với đan, móc len là một cách để chữa lành tâm hồn, giúp mình tập trung, thư giãn và cảm nhận niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống,” Thủy chia sẻ. Đối với cô, từng sợi len không chỉ là nguyên liệu để tạo ra sản phẩm, mà còn là những mảnh ghép của đam mê, là cách cô sống và lan tỏa tình yêu với nghề thủ công.