Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời

Cũng như trà mãng cầu, gỏi măng cụt,... các trend ẩm thực chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn rồi sau đó chìm dần và gần như biến mất khỏi thị trường F&B (ẩm thực và đồ uống). Bánh đồng xu phô mai cũng đang gặp tình trạng tương tự...
Cẩn trọng với bánh Trung thu đại hạ giá Về Thanh Trì thưởng thức bánh Trung thu truyền thống đạt chứng nhận OCOP 3 sao Cách Hong Kong (Trung Quốc) xử lý bánh Trung thu dư thừa

"Cơn sốt" bất ngờ

Có nguồn gốc từ Hàn Quốc, bánh đồng xu phô mai được biết đến với vỏ mỏng giòn nhẹ và nhân phô mai tan chảy kéo sợi ấn tượng.

Nhận thấy được tiềm năng kinh doanh món ăn vặt này, một số cửa hàng ở Hà Nội nắm bắt xu hướng, học theo công thức rồi tung ra thị trường.

Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời
Bánh đồng xu phô mai bắt nguồn từ Hàn Quốc

Khởi điểm của “cơn sốt” xuất phát từ những video, bài viết từ những reviewer ẩm thực về một số hàng quán bán bánh hình đồng xu 10won (tiền Hàn Quốc) tại khu phố cổ Hà Nội và Emart Sala Sài Gòn trên các hội nhóm Facebook.

Độ phủ sóng của từ khóa “bánh đồng xu phô mai” gần như chiếm lĩnh trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram,...

Đến đầu tháng 9 vừa qua, cơn sốt bánh đồng xu phô mai đã trở thành xu hướng được đông đảo người dùng mạng xã hội mong muốn trải nghiệm sau loạt video, bài review hấp dẫn.

Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời
Hình ảnh về món ăn gây sốt các trang mạng xã hội

Hàng trăm nghìn bạn trẻ đổ xô đi mua bánh bởi hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out – sợ bỏ lỡ). Có lúc, khách hàng đã phải chờ đến 2 giờ đồng hồ mới có cơ hội ăn thử món bánh có giá từ 25.000 đến 35.000 đồng một chiếc này.

Trong thời gian cơn sốt bánh “tung hoành”, đỉnh điểm một ngày mỗi cửa hàng có thể bán hơn 1.000 chiếc.

Theo chia sẻ của một chủ hàng bánh tại khu vực phố cổ Hà Nội, họ đã thu lãi từ 14 - 22 triệu đồng một ngày chỉ nhờ việc bán bánh đồng xu phô mai.

Những chủ cửa hàng đầu tiên đón đầu trào lưu đã thu về mối lợi nhuận khủng chỉ sau một thời gian ngắn, chỉ trong 3 - 4 ngày là có thể hoàn vốn 100% tiền đầu tư vào việc kinh doanh.

Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời
Hàng dài bạn trẻ chờ đợi để thưởng thức bánh đồng xu phô mai

Bởi xu hướng thịnh hành, các cửa hàng bánh đồng xu theo trào lưu tăng như nấm mọc sau mưa nên giá thành của các loại trang thiết bị làm bếp để phục vụ cho việc làm bánh cũng tăng “phi mã” đến chóng mặt.

Cụ thể, giá một chiếc máy nướng bánh kèm khuôn “tiền xu 10 won” ban đầu có giá từ 3,5 - 3,7 triệu đồng, giờ đã tăng đến 16-17 triệu đồng, gấp 5 - 6 lần so với giá thị trường ban đầu.

Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời
Giá máy làm bánh cũng tăng đột biến theo xu hướng thịnh hành

Khách hàng nhanh chóng “quay lưng”

Những tưởng trào lưu bán bánh đồng xu phô mai này sẽ phát triển mạnh, nhưng chỉ sau thời gian đầu, khi thị trường trở nên bão hòa với hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng được mở ra cộng thêm cơn sốt bánh đã "hạ nhiệt", các chủ hàng đang đối mặt với hiện trạng có phần “méo mặt”.

Chỉ mới đầu tháng 10 đã xuất hiện những bài review “chê” chất lượng của món ăn này đến từ cộng đồng mạng khiến nhiều cửa hàng bánh đồng xu phô mai đã trở nên ế ẩm.

Hiện nay, khi được hỏi về trends bánh đồng xu phô mai, nhiều bạn trẻ đã tỏ ra có phần “ngao ngán” khi nhắc đến món ăn này.

Bạn Trần Hương Lan (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ban đầu bạn rất háo hức được thưởng thức bánh đồng xu phô mai nên đã rủ nhau đến một vài cửa hàng trên phố cổ để mua bánh. Tuy nhiên, sau khi chờ đợi rất lâu, họ cảm thấy thất vọng với chất lượng của sản phẩm, không đúng như các bài viết quảng cáo.

Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời
Một số bài review chê chất lượng bánh trên mạng xã hội

Đồng quan điểm với Hương Lan, bạn Ngô Quốc Anh (Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Thật sự không hề đáng với số tiền và thời gian mình bỏ ra để chờ đợi thưởng thức một chiếc bánh như vậy. Mình nghĩ với số tiền 35.000 đồng sẽ xứng đáng hơn khi lựa chọn mua một bát phở nhỏ, vừa ngon miệng lại gần gũi hơn và còn no bụng”.

Từ ý kiến của các bạn trẻ kèm theo “làn sóng” bài review chê chất lượng bánh đồng xu trên các trang mạng xã hội, có thể nhận thấy vấn đề đều nằm ở hai chữ “lợi nhuận”.

Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời
Hàng bánh ế khách

Nhiều chủ cửa hàng vì muốn tăng lợi nhuận tối đa và thay đổi định lượng công thức bánh, hạn chế giá thành nguyên liệu nhập vào nên đã sử dụng hàng kém chất lượng khiến cho hương vị của bánh bị ảnh hưởng nặng nề.

Cũng bởi những “con sâu làm rầu nồi canh” này, đồng loạt nhiều cửa hàng bán bánh đồng xu phô mai khác cũng bị ảnh hưởng, rơi vào tình trạng ế ẩm.

Cẩn trong với kiểu kinh doanh theo "trend"

Những cơn sốt ẩm thực gần đây như cà phê kem muối, trà mãng cầu, gỏi măng cụt xanh,... rộ lên mạnh mẽ theo hình thức trào lưu và bánh đồng xu phô mai cũng không phải ngoại lệ.

Tất cả đều thuộc nhóm kinh doanh mặt hàng theo xu hướng thịnh hành nên việc thị trường nóng lên và hạ nhiệt nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn là điều hết sức dễ hiểu.

Sức mạnh của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok với hàng loạt review chân thực và hấp dẫn đã tạo "trend" cho nhiều sản phẩm ngành F&B.

Việc kinh doanh theo xu hướng trong vài năm gần đây đã trở nên phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng có thể chạy theo trào lưu một cách hiệu quả để thu về lợi nhuận “khủng” như kỳ vọng.

Muốn đạt được điều đó, người bán cần hiểu yếu tố “đánh nhanh – rút gọn”, không đầu tư lớn, không địa điểm tốn kém để đảm bảo không “cố chấp” bám víu thị trường khi trào lưu đã qua đi.

Bánh đồng xu phô mai chưa kịp lời đã... hết thời
Bộ ba món trà mãng cầu, gỏi gà măng cụt và gián biển từng siêu hot trên các nền tảng mạng xã hội đã hạ nhiệt nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn

Về vấn đề này, ThS Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp TP HCM từng chia sẻ với báo chí rằng ông không cổ vũ cho ai muốn khởi nghiệp với sản phẩm đang hot trend.

Ông Tuấn phân tích: “Kinh doanh theo trào lưu giới trẻ được đánh giá là sự sáng tạo, tuy nhiên chỉ dừng lại ở sáng tạo sản phẩm mà thiếu đi tính bền vững. Nếu cổ động để bạn trẻ khởi nghiệp theo con đường này, tôi cho rằng càng vào đông thì càng thất bại nhanh. Khi quá nhiều người chạy theo cơn sốt sẽ khiến lượng cung tăng so với lượng cầu, phát sinh rất nhiều hệ lụy, rủi ro cho người bán”.

Theo ThS Trần Anh Tuấn, điều quan trọng trong kinh doanh là sự đổi mới sáng tạo, không dừng ở sản phẩm mà còn là sự thay đổi về phương pháp tư duy, vận hành doanh nghiệp, đổi mới quy trình và đổi mới quan hệ với khách hàng.

Ông Tuấn khẳng định: “Người kinh doanh nên có nét riêng cho mình, ví dụ như sự đa dạng hình thù với sản phẩm đang gây hot hoặc thay đổi để khiến các món ăn đường phố trở nên thân thiện hơn với sức khỏe người tiêu dùng”.

Tùng Linh
Phiên bản di động