Về Thanh Trì thưởng thức bánh Trung thu truyền thống đạt chứng nhận OCOP 3 sao
Cách Hong Kong (Trung Quốc) xử lý bánh Trung thu dư thừa Những chiếc bánh Trung thu độc đáo trên thế giới Singapore: Lừa đảo khi mua bánh Trung thu qua mạng |
Theo những người làng chia sẻ, từ năm 1965, nhiều người dân ở Nội Am đi làm trên các tiệm bánh ở phố cổ Hà Nội, học được nghề và truyền lại cho con cháu để phát triển kinh tế. Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình trong thôn.
Người dân làng Nội Am làm bánh Trung thu truyền thống |
Từ những ngày tháng 7 Âm lịch vắt sang tháng 8 chính hội rằm Trung thu, trên khắp các đường làng, ngõ xóm, mùi hương thoảng thoảng của hương nếp, hương cốm, lắng dịu vị ngọt của đường hay mùi bánh nướng thơm nức không thể lẫn vào đâu khiến cho ai đi qua cũng cảm thấy xao xuyến, háo hức.
Nổi tiếng nhất làng nghề Nội Am phải kể đến gia đình hội viên nông dân Hoàng Văn Tươi. Ông Tươi là chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tiến Dũng - Vĩnh Thịnh Long.
Ông Tươi cho biết: “Trước đây, bố tôi đi làm thợ cho tiệm bánh trên phố cổ Hà Nội rồi mang nghề về quê. Tôi duy trì nghề từ bố, tiếp tục truyền lại cho các con”. Hiện, gia đình ông Tươi làm nhiều loại bánh, trong đó đặc biệt nhất là bánhTtrung thu, bánh chả... với hương vị truyền thống của người Hà Nội .
Theo ông Tươi, các gia đình ở Nội Am thường chỉ sản xuất bánh Trung thu vị truyền thống nhân thập cẩm. Để làm nên chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, người thợ phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, xay bột, trộn nhân đến đổ bánh vào khuôn, nướng bánh (đối với bánh nướng).
Khâu cẩn thận nhất là làm nhân bánh với rất nhiều nguyên liệu như: Mỡ phần làm chín, đường kính, mứt bí, mứt sen, lạp sườn, xá xíu, hạt dưa rang chín, hạt vừng rang chín, nước sạch, lá chanh, quất xanh…
Bánh Trung thu truyền thống của hộ gia đình ông Hoàng Văn Tươi đạt chứng nhận OCOP 3 sao |
Thêm một loại bánh đặc trưng khi đến làng Nội Am, bất kỳ ai cũng muốn thưởng thức, đó là bánh chả. Bánh chả được làm từ bột mì, đường, thịt mỡ và lá chanh. Không có lá chanh không thành bánh chả.
Bột làm vỏ bánh phải được ngào đều, mịn, ủ trong thời gian nhất định để lên men đủ độ thì bánh mới giòn và xốp. Bột ủ xong được dàn mỏng, đặt nhân vào bên trong, cán lại thành hình vuông rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó cho vào lò nướng.
Để khẳng định và nâng tầm sản phẩm làng nghề, các gia đình làm nghề thôn Nội Am không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại vào các công đoạn như nhào nha, nướng bánh, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các sản phẩm được dán nhãn mác, thời hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất… thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng.
Ông Hoàng Văn Tươi cho biết, không chỉ sản xuất bánh vào dịp Trung thu như xưa, hiện gia đình ông làm bánh quanh năm, cung cấp cho thị trường Hà Nội. Năm 2022, gia đình ông đã lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố và đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Đây là sự khởi đầu để gia đình ông chuẩn hóa sản phẩm và quảng bá để người tiêu dùng biết nhiều hơn về nghề làm bánh truyền thống của gia đình và quê hương.
Đặc biệt, năm 2022, làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” đã tạo tiền đề cho làng nghề phát triển, giúp người dân phát triển kinh tế và phát huy nét đẹp văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực duy trì xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng Liên Ninh đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu.