Vân và những dự án tình nguyện vì người yếu thế
Hưng Yên thêm nhiều gói hỗ trợ cho người yếu thế mùa dịch Covid-19 Cần xác định thanh niên không phải nhóm "yếu thế" Nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên yếu thế |
Từ những câu chuyện đó đã khiến Vân bén duyên với ngành Y. Sau 4 năm học tập, cô gái trẻ tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc trường Đại học Y tế Công cộng.
Quan tâm người dễ tổn thương
Ngày nhỏ Vân đã mơ ước trở thành bác sĩ nhưng kết quả thi đại học lại không như ý. Tuy nhiên, với mong muốn trở thành một nhân viên y tế, cô gái trẻ đã tìm hiểu và quyết định vào trường Đại học Y tế Công cộng học tập.
Quá trình học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa, Vân nhận ra bản thân có sự quan tâm và chú ý đặc biệt hơn tới các nhóm thiểu số trong xã hội. Người khuyết tật, người LGBTQ+ hay nhóm lao động tình dục sẽ gặp những khó khăn nhiều hơn. Tuy nhiên, cách họ vượt qua những khó khăn, trở ngại đem lại cho Vân một góc nhìn khác về cuộc sống.
Nguyễn Hải Vân, thủ khoa xuất sắc trường Đại học Y tế công cộng |
Vì thế, Vân là thành viên tích cực của nhóm NextGEN Hà Nội (Tổ chức hoạt động vì quyền của người LGBTQ Hà Nội) thuộc viện iSEE. Cô gái trẻ cũng là tình nguyện viên của tổ chức Vietnam and Friends: Hỗ trợ chương trình chạy với người khiếm thị; Tiếp xúc, giao tiếp, tìm hiểu về một phần cuộc sống của người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung qua lăng kính của họ (học chữ nổi, sử dụng gậy chỉ đường...).
“Tham gia những hoạt động tình nguyện này, mình có tư duy cởi mở và học được cách thấu hiểu, dung hòa sự khác biệt với mọi người xung quanh. Ngoài ra, tiếp xúc với họ bằng sự không phán xét sẽ đem đến nhiều điều kì diệu mà không trải nghiệm khó có thể có được”, Vân chia sẻ.
Năm thứ ba đại học, khi tham gia nghiên cứu khoa học, Vân đã chọn đề tài người cứu dành cho những người dễ bị tổn thương này. Nghiên cứu khoa học muộn hơn các bạn nên thời gian đầu cô gái trẻ gặp nhiều khó khăn. May mắn, Vân nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ thầy cô và anh chị nghiên cứu cao cấp tại các tổ chức phi Chính phủ.
Nguyễn Hải Vân (bên phải) trong giờ nghỉ khi đi thực tập tại bệnh viện |
Sau hai năm làm nghiên cứu, Vân đã có hai bài báo được xuất bản về chủ đề thuốc lá và sức khỏe vị thành niên. Đây là hai chủ đề cô gái tham gia trong chương trình đào tạo nghiên cứu viên trẻ tại trường.
Đặc biệt, Vân có một nghiên cứu về nhóm đối tượng mà cô rất quan tâm là nhóm lao động tình dục. Nghiên cứu này thuộc chương trình Thanh niên tham gia đề xuất cho Luật Thanh niên của UNESCO.
Theo Vân, tại Việt Nam có rất nhiều những định kiến mạnh mẽ xung quanh nhóm này. Chính vì thế mà họ là một trong những người dễ bị tổn thương và yếu thế nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam có khá ít nghiên cứu cũng như hỗ trợ xã hội dành cho họ.
Nhóm lao động tình dục cũng là những người trong độ tuổi thanh niên. Vì thế, nhóm nghiên cứu của Vân muốn đưa nhiều góc nhìn chân thực hơn về những góc khuất của xã hội.
Không phải là “mọt sách”
Vân kể: “Khi thực hiện phỏng vấn, có một câu nói của nhân vật khiến mình tin rằng công việc đang làm thực sự hữu ích. Anh ấy nói rằng nếu không có những người hoạt động xã hội đến và lắng nghe thì chắc người như anh chết lâu rồi”.
Nguyễn Hải Vân (thứ 4 từ phải sang) tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học |
Trong đề tài khóa luận, Vân cũng chọn nhóm khá nhạy cảm là lao động tình dục để thực hiện nghiên cứu. Điều khiến cô gái trẻ vui nhất chính là thầy cô cũng rất quan tâm và có thái độ cởi mở, khách quan về nhóm đối tượng này.
Dành nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu khoa học nên ai cũng nghĩ Vân là “mọt sách”. Tuy nhiên, với cô gái này điều đó là chưa đúng bởi nghiên cứu khoa học đòi hỏi người thực hiện phải đi thực tế. Vân đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhóm người để tìm hiểu. Điều này khác hoàn toàn với việc chỉ ngồi đọc và tự có những định kiến về các khía cạnh của cuộc sống.
Đạt nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu nhưng Vân cho biết không có phương pháp gì đặc biệt so với các bạn khác. Điểm khác biệt là cô gái trẻ đặt việc học lên đầu và có kỷ luật nhất định. Điều này nghĩa là khi đã xác định rằng việc học là cần thiết thì Vân sẽ cố gắng đảm bảo công việc được hoàn thành tốt nhất. Bên cạnh đó, cô gái trẻ cũng cho rằng đã học ngành Y là ngành liên quan tới sức khỏe con người thì phải thật chú trọng.
Nguyễn Hải Vân trong đợt thực tập năm thứ tư đại học |
Khi trở thành một trong những thủ xuất sắc của thành phố Hà Nội năm 2020, Vân khá bất ngờ. Cô gái tin rằng những sự cố gắng hằng ngày của mình đã được đền đáp.
“Quay đầu lại, mình đã đi được một đoạn đường khá xa. Danh hiệu thủ khoa sẽ là điểm khởi đầu mới. Hiện tại mình đang trên hành trình phát triển một “phiên bản” mới, khỏe mạnh, độc lập và trưởng thành hơn”, Vân tâm sự.
Mục tiêu trước mắt của Vân là học lên thạc sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng. Với Vân, trường Y tế Công cộng như một bước đệm, cho cô một bức tranh toàn cảnh về ngành Y. Sắp tới, Vân sẽ tập trung sâu hơn về mảnh ghép tâm lý trong bức tranh ấy để có những đóng góp tích cực cho xã hội.