Cần xác định thanh niên không phải nhóm "yếu thế"
Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (10/9), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề liên quan đến Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản nhất trí về những chính sách trong Dự án Luật Thanh niên.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những chính sách còn chung chung và chồng lấn với nhiều chính sách khác đã có trong luật chuyên ngành như lao động, việc làm, giáo dục, thể thao...
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo bám sát chương trình Hiến pháp (khoản 2, điều 37 của Hiến pháp) để cụ thể hóa trong Luật Thanh niên (sửa đổi).
Ban soạn thảo luật nên có cách tiếp cận mới hơn để tránh trùng lặp; không quy định lại các vấn đề đã nói rõ trong luật chuyên ngành.
Đặc biệt, Luật Thanh niên (sửa đổi) cần quy định rõ các điều kiện bảo đảm cho thanh niên được tiếp cận những quyền mà Hiến pháp quy định. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là nội dung rất quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể.
Phóng viên nghe phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Trung tâm hội nghị báo chí, Tòa nhà Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống dân tộc trong điều kiện mạng xã hội như hiện nay.
Ban soạn thảo cần thiết kế lại nội dung Dự án Luật để tránh lẫn lộn quyền và nghĩa vụ của thanh niên...
Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu về việc trùng lặp quy định đối thoại thanh niên; không lập cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh niên; không cần thiết quy định nội dung về Ủy ban Quốc gia về thanh niên trong Luật; quy định rõ về công tác tình nguyện của thanh niên... Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thanh niên không phải đối tượng yếu thế, nên nhiều quyền lợi được quy định là thừa, ví như quyền lợi cho thanh niên khuyết tật...
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trước hết đánh giá cao vai trò của Luật Thanh niên năm 2005. Đồng chí khẳng định, Luật Thanh niên năm 2005 là hành lang pháp lý, có tác động tích cực đến đối tượng thanh niên, đã khích lệ đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên. Qua đó, nhận thức của các cấp các ngành đã nâng lên, các phong trào thanh niên đã nâng lên, có nhiều đồng chí đã trưởng thành từ phong trào. Vị thế của thanh niên Việt Nam với thanh niên thế giới cũng được nâng lên.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo, trong đó cần thiết phải đảm bảo tính kế thừa của Luật Thanh niên 2005; tập trung vào một số vấn đề để bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và xây dựng luật. Cụ thể là:
Luật Thanh niên (sửa đổi) phải nói rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chỉ rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Luật cần thể hiện cơ chế phối hợp và thực hiện thống nhất chính sách pháp luật có liên quan.
Ban soạn thảo Luật cần thể hiện rõ những yêu cầu tạo điều kiện khuyến khích bảo đảm sự tham gia, phát huy của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng cuộc sống ngày nay.
Tiếp đó, Luật Thanh niên (sửa đổi) cần phải nâng cao chất lượng và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác thanh niên.
Luật cũng cần thể hiện rõ sự phối hợp và phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên trong tập hợp, hướng dẫn và bảo vệ thanh niên.
Các chính sách liên quan đến hợp tác quốc tế về thanh niên cần rõ và cụ thể.
Để sửa Luật Thanh niên, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính pháp luật, thống nhất với pháp luật hiện hành; phải có chế tài xử lý; phải có tính khả thi; cần chú ý kỹ thuật ghi Luật.
Dẫn ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch cũng nêu, ban soạn thảo cần chú trọng đến chính sách đối với thanh niên tình nguyện; rà soát thêm, ghi rõ trách nhiệm gia đình, nhà trường, phối hợp giáo dục, rèn luyện nhân cách, phát triển tài năng, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thanh niên; coi trọng kỹ năng lao động của thanh niên; trách nhiệm của các các đơn vị có yếu tố nước ngoài đối với tổ chức đoàn thanh niên, giúp tổ chức này phát triển...
Kết luận phiên họp sáng, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo biên soạn lại nội dung, nói rõ về tính khả thi của Dự thảo Luật để thuyết phục hơn. Trong đó, Dự thảo phải rõ việc đã làm, việc phải làm và thực hiện đúng Hiến pháp, không chồng chéo với các luật khác...