Tình nguyện nơi rốn lũ

Trong những ngày nhiều địa phương miền Trung ngập chìm trong nước lũ, một nhóm bạn trẻ đã tình nguyện đi vào trong vùng bị nước cô lập để cứu dân.
Vân và những dự án tình nguyện vì người yếu thế Tuổi 20 tình nguyện và cống hiến của Lê Vy “Cõng loa” tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt Bluezone

Thiện nguyện từ tâm

Trong những ngày người dân cả nước đang xót xa theo dõi tình hình ngập lụt qua màn ảnh nhỏ thì nhóm các bạn trẻ ở Câu lạc bộ xe Bán tải địa hình Việt Nam thuộc Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội và Câu lạc bộ thuyền hơi miền Bắc đã tình nguyện đi vào nơi nguy hiểm để giúp đỡ và cứu nhiều người dân ra khỏi nơi bị nước lũ cô lập.

Thuyền hơi của anh Trọng đón một gia đình bị mắc kẹt bởi nước lũ tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
Thuyền hơi của anh Trọng đón một gia đình bị mắc kẹt bởi nước lũ tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, trong suốt 2 tuần liền (kể từ giữa tháng 10) chìm sâu trong nước lũ, có những nơi, nước ngập đến nóc nhà. Người dân đang bị ngập lũ hay con em họ đi làm ở xa đều phải gọi điện và dùng mạng xã hội kêu cứu, tìm cứu hộ cho người thân ở quê nhà đang mắc kẹt giữa dòng lũ dữ.

Người dân nhận được lương thực tại nơi bị nước lũ cô lập
Người dân nhận được lương thực tại nơi bị nước lũ cô lập

Nhớ lại khoảng thời gian 5 ngày cao điểm cứu hộ người dân ở vùng nước lũ dâng cao, anh Phạm Đình Trọng, thành viên Câu lạc bộ Thuyền hơi miền Bắc cho biết: “Hôm đầu tiên tôi nhận được thông tin kêu cứu từ bà con ở huyện Quảng Ninh, ngay đêm đó chúng tôi xuất phát, đến nơi tầm 3 giờ sáng. Ở mỗi xe của chúng tôi đều chở theo 1 thuyền phao. Đó là phương tiện gọn nhẹ, có thể chui vào vùng sâu vùng xa mà nhiều phương tiện cứu hộ khác không vào được. Tôi vào đó cứu trợ 5 ngày. Chúng tôi không thống kê là đưa được bao nhiêu lượt người ra khỏi vùng bị cô lập vì bão lũ, cũng không nhớ được đã giúp bao nhiêu người từ chỗ bị mắc kẹt trong nước đến vùng an toàn. Chỉ biết rằng, nhiều người dân cần phải giúp và chúng tôi đã làm quên thời gian…”.

Đoàn tình nguyện vượt mưa bão trên đường đi
Đoàn tình nguyện vượt mưa bão trên đường đi

Với anh Ngọc, thành viên CLB xe Bán tải địa hình Việt Nam, vào miền Trung cứu hộ cũng là vì nghe tiếng kêu cứu của người dân vùng lũ ở trên mạng. Không một phút lưỡng lự, cả nhóm cùng đam mê chơi thuyền đã tự nguyện lên đường để cứu trợ bà con.

“Chúng tôi có group chung về thuyền cứu hộ, ai biết người nào add vào để thêm thông tin. Nghe thông tin Quảng Bình, Hà Tĩnh bị ngập nặng khi Hồ Kẻ gỗ xả nước, chúng tôi bàn bạc với nhau và lên đường đi luôn trong buổi chiều, vào đến đó đúng lúc đang đỉnh lũ. Đoàn tôi chạy thẳng vào Quảng Ninh (Quảng Bình) để cứu mấy hộ dân ở gần sông Kiến Giang đang bị cô lập. Tại đó, nhóm cứ chạy ra chạy vào để đưa người dân ra ngoài. Sông Kiến Giang khi đó ngập hết cả cánh đồng. Không ai ngờ rằng, nước ở giữa cánh đồng mà sóng lại to như thế, tôi vừa đi vừa lo, lỡ sóng to, bà con mất bình tĩnh sẽ lật thuyền”, anh Ngọc chia sẻ.

Anh Ngọc (Bên phải) đưa người già ra khỏi nơi nguy hiểm
Anh Ngọc (bên phải ảnh), thành viên CLB xe bán tải địa hình Việt Nam cùng đồng đội đưa người già ra khỏi nơi nguy hiểm

Có làng không kịp sơ tán, nhóm thiện nguyện của anh Ngọc cũng đã tìm và đưa họ ra khỏi vùng đang bị cô lập. “Chúng tôi có thông tin, số điện thoại, trước khi đến đều gọi điện cho xã nơi mình vào để họ chỉ cho mình những vùng nào đang bị cô lập và cần giúp đỡ. Sau đó, mình vào đưa họ ra. Nhìn cảnh nước ngập lút mái nhà, người dân vật lộn trong lũ dữ, chưa bao giờ tôi thấy, sinh mạng người dân ở vùng lũ lại mong manh đến thế. Vì thế, nhóm tình nguyện càng cố gắng để có thể đưa hết những người gặp khó khăn ra khỏi vùng nguy hiểm”, anh Ngọc kể lại.

Đội của anh Ngọc đưa một người già từ một nơi bị cô lập cấp cứu
Đội của anh Ngọc đưa một người già từ nơi bị cô lập đi cấp cứu

Được biết, lúc đầu nhóm thuyền cứu hộ của anh Trọng lúc đầu chỉ có 15 thuyền, 2 ngày hôm sau, nhóm đã tập hợp được 50 cái. Sau đó họ đã chia ra từng nhóm nhỏ để hoạt động, địa bàn cứu trợ trải sang huyện Lệ Thủy, tỉnh Hà Tĩnh và những vùng bị ngập lân cận.

Hạnh phúc là cho đi mà không cần ghi nhận

Anh Trọng trải lòng: “Thực ra, mục tiêu lúc đầu đi vào chỉ là chở người thôi, chúng tôi không trang bị đầy đủ những dụng cụ y tế hay đồ để phá cửa, có những nhà, do chỉ có người già lại chốt cửa bên trong, khi nước dâng lên, họ không ra ngoài được, chỉ biết trèo lên cao để tránh nước. Khi đó, tôi đi tìm mãi mới được 1 con dao, dỡ ngói để tạo đủ khoảng trống kéo người già lên mái nhà, từ đó đưa họ đến nơi an toàn.

Anh Phạm Đình Trọng, thành viên CLB thuyền hơi miền Bắc
Anh Phạm Đình Trọng (bên trái), thành viên CLB thuyền hơi miền Bắc trên đường đi cứu trợ bà con miền Trung

Kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi cứu hộ của tôi là đưa một cụ già bị hen nhưng lại hết thuốc từ vài hôm đến bệnh viện cấp cứu. Bình thường một người bị hen hết thuốc đã rất nguy hiểm nhưng nó còn đáng sợ hơn khi trong điều kiện mưa lũ, thời tiết ẩm ướt... Vào đến nơi đã thấy gia đình đưa cụ lên đợi sẵn trên mái nhà, chúng tôi tìm mọi cách đưa cụ xuống thuyền. Khi xuống thuyền, tôi thấy cụ ngồi mà cứ lắc lắc cái lọ thuốc xịt đã hết. Lúc đó cụ đã rất khó thở rồi, tôi cảm thấy có nguy cơ cụ sẽ tử vong ngay trên xuồng, vì thế vô cùng lo lắng. Lúc đó, tôi kiếm bạt chụp vào người cụ che mưa. Đi được một lúc thấy cụ ngồi im, chúng tôi lo sợ mở bạt ra thì thấy tay cụ vẫn giữ được lọ thuốc xịt, tôi thở phào nhẹ nhõm. Cụ trụ được đến bệnh viện, sau đó bác sĩ cấp cứu và cụ đã hồi sức…”.

Những tin nhắn cầu cứu của bà con vùng lũ
Những tin nhắn cầu cứu của bà con vùng lũ

Kể về gia đình, cả anh Trọng, anh Ngọc cười và cho biết, dù gia đình rất lo lắng nhưng không ai ngăn việc các anh đi thiện nguyện cứu người trong bão lũ. Vì hơn ai hết họ hiểu, đó là việc nên làm của bất kỳ người nào khi đồng bào cần mình giúp đỡ.

Dù việc làm nêu trên chỉ là theo một nhóm đi tình nguyện thầm lặng, không được một tổ chức nào ghi nhận hay cảm ơn nhưng cả nhóm thuyền cứu hộ lại luôn cảm thấy có ý nghĩa. Hơn tất cả, chơi thuyền hơi là niềm đam mê của họ. Vì thế, cứu trợ cho mọi người bằng chính bộ môn mà mình yêu thích, đó là điều hạnh phúc.

Sau khi đưa được người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đội cứu trợ thuyền hơi lại chở lương thực vào cho bà con bị ngập nước ở những nơi nguy hiểm, đội cứu trợ chở hàng từ thiện vào cho người dân
Đội cứu trợ thuyền hơi chở lương thực vào cho người dân

“Tự trong lòng tôi nghĩ, được chơi thuyền đã là may mắn, kiếm tiền nhờ cuộc chơi của mình là cực kỳ may mắn nhưng nhờ cuộc chơi của mình mà cứu được người khác đối là hạnh phúc. Tôi không quan trọng được ghi nhận hay không, việc làm của tôi không phải vì cái gì, chỉ là làm để thỏa đam mê”, anh Trọng vui vẻ nói.

Còn anh Ngọc luôn tâm niệm, vào vùng nguy hiểm cứu trợ người dân rất có ý nghĩa thiện nguyện. Việc làm này không đi theo phong trào mà đó là khởi phát từ tâm mình.

“Ngày thứ Bảy tình nguyện” cùng đàn em khai trường
Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động