The Social Dilemma: Mạng xã hội thao túng cuộc sống con người ra sao?

“Song đề xã hội” gây ấn tượng khi phơi bày hết nỗi sợ và nguy cơ mà mạng xã hội mang lại khiến chúng ta không thể ngoảnh mặt, bịt tai.
Lùm xùm Sơn Tùng M-TP là đại diện thương hiệu mỹ phẩm: Đừng để MXH “dắt mũi” "Đánh tan" sự bận rộn tiêu cực Ẩn họa từ camera siêu nhỏ bán tràn lan trên mạng xã hội

“Hôm nay tôi muốn bàn đến một vấn đề mới về công nghệ. Tôi vẫn thường nhận được câu hỏi: ‘Hình như đang có gì không ổn xảy ra trong ngành công nghệ, nó bị làm sao vậy?’ Nó bị chỉ trích, nào là bất mãn, tai tiếng, ăn cắp dữ liệu, hội chứng nghiện công nghệ, tin giả, can thiệp vào kết quả bầu cử… Nhưng đằng sao những vấn đề này ẩn chứa điều gì?”. Đó là phát ngôn của Tristan Harris, cựu chuyên gia tiêu chuẩn đạo đức của Google ngay ở phần mở đầu của bộ phim “Song đề xã hội”. Từng là chuyên gia tại một trong những trung tâm đầu não của gã khổng lồ công nghệ Google, càng ngày Tristan Harris càng băn khoăn với những mặt trái của “con quái vật” mà mình góp phần tạo ra. Đó là lí do anh đồng sáng lập nên trung tâm Trung tâm công nghệ nhân đạo để cảnh báo cho công chúng về mặt trái của một xã hội đang bị thống trị bởi mạng xã hội.

Tristan Harris chỉ là một trong rất nhiều chuyên gia công nghệ, những người trong cuộc xuất hiện trong phim tài liệu “Song đề xã hội”. Xem phim này, khán giả sẽ được gặp gỡ những cựu nhân viên, giám đốc điều hành, chủ tịch, nhà đầu tư, quản lý, nhà phát triển sản phẩm, chuyên gia đạo đức ở các công ty công nghệ hàng đầu như: Facebook, Google, Twitter, Instagram, Pinterest, Snappchat… Họ bật mí những điều đã từng làm để thao túng trí óc chúng ta.

Mạng xã hội có thể gây nghiện. Hầu hết chúng ta đều ý thức được điều đó! Nếu không tin, bạn hãy thử “cai” Facebook trong 24 giờ xem? Sẽ khá là khó, vì chỉ sau khoảng 4 tiếng là bạn sẽ không cưỡng lại được việc với tay lấy cái điện thoại, chạm vào logo chữ F trên nền xanh để biết bạn bè có đăng ảnh gì không, có ai bình luận về điều mình mới post lên không? Đó là một cơ chế gây nghiện, đánh vào những phản ứng bản năng của não bộ, được các nhà lập trình tính toán kỹ càng để thao túng bạn.

Trong phim, Tristan Harris phân tích: “Chúng tôi nghiên cứu cách để thay đổi hành vi của ai đó qua việc thiết kế một hành động mới. Chúng tôi buộc mọi người trượt ngón tay lên xuống liên tục, ví dụ như Bảng tin Facebook, bạn sẽ liên tục phải kéo xuống, phân tin mới sẽ xuất hiện ở đầu trang. Dùng sản phẩm một cách có ý thức là chưa đủ, phải đi sâu vào não người dùng để cấy vào đó một thói quen vô thức, khiến người ta bị lập trình hành vi ở cấp độ sâu hơn. Bạn còn không nhận ra là mình đã bị thao túng. Mỗi lần nhìn vào điện thoại, bạn biết nếu cầm lên bạn sẽ có được điều gì đó. Ví dụ như khi có thông báo ta được gắn thẻ trong ảnh của ai đó, ta sẽ muốn mở ra để biết tấm ảnh đó thế nào”.

Bộ phim bóc trần một thực tế, các mạng xã hội chỉ muốn chúng ta dán chặt mắt vào sản phẩm của họ. Để làm gì? Để quảng cáo của một nhãn hàng nào đó hiển thị cho chúng ta xem. Bạn từng khó chịu vì không hiểu tại sao bỗng nhiên mình nhận được điện thoại chào mời mua hàng, khi mà chẳng hề cung cấp số điện thoại cho ai? Đó là vì, một lần nào đó bạn đã vô tình chạm tay đồng ý cho một trò chơi nào đó trên mạng xã hội sử dụng thông tin người dùng của mình. Thông tin sau đó được bán cho các nhà quảng cáo, và thế là những nhu cầu, sở thích, những điều bạn quan tâm được họ nắm rõ tường tận. Aza Raskin, cựu nhân viên phòng thí nghiệm của Firefox và Mozilla, đồng sáng lập Trung tâm công nghệ nhân đạo đưa ra câu trả lời trong bộ phim này: “Vì ta không trả tiền cho các sản phẩm ta dùng, mà chính nhà quảng cáo trả số tiền đó. Nhà quảng cáo là khách hàng, còn chúng ta là thứ bị bán”.

Điều này được khẳng định lần nữa bởi Justin Rosenstein, cựu kỹ sư của Google và Facebook. Ông nói: “Ta nghĩ rằng mọi dịch vụ trên mạng đều miễn phí. Nhưng không phải, chúng được các nhà quảng cáo chi trả. Tại sao họ chi trả? Họ trả tiền để hiển thị quảng cáo của họ cho ta xem. Ta là sản phẩm. Sự chú ý của ta là sản phẩm được bán cho họ”.

Các công ty công nghệ khổng lồ trên thế giới đang điều hành cái gọi là Chú nghĩa Tư bản Giám sát mà theo tiến sĩ Shoshana Zuboff, trường kinh doanh Havard, tác giả cuốn sách “Kỷ nguyên Chủ nghĩa Tư bản Giám sát”, ở đó các nhà tư bản thu lợi nhuận dựa trên theo dõi hành vi con người: “Nó là một dạng thị trường mới chưa từng tồn tại, nơi hoạt động kinh doanh buôn bán là độc quyền dựa trên tài nguyên là con người. Giống như giao dịch dự đoán giá dầu, giá thịt… nó cũng có giao dịch dự đoán hành vi con người ở phạm vi rộng lớn. Nó tạo ra doanh thu hàng nghìn tỷ đô-la, khiến các công ty công nghệ trở thành những công ty giàu có nhất trong lịch sử nhân loại”.

Điều đáng sợ là, hầu hết chúng ta không biết mình bị giám sát, tự nguyện để cho bị giám sát, thậm chí còn vui vẻ đóng tiền để được giám sát. Đó là một trong rất nhiều nhận định “rợn người” mà bộ phim “Song đề xã hội” đưa ra. Phim khẳng định: chẳng ai đủ thông minh để thoát khỏi sự lệ thuộc đó! Đến cựu chủ tịch Pinterest cũng nghiện mạng xã hội, đến nhà đạo đức của Facebook cũng không thể rời mắt khỏi những thứ thao túng mình mà chính họ góp phần tạo ra. Mạng xã hội buộc chúng ta phải có những hành vi nhất định. Ví dụ ư? Hàng ngày, vào facebook cá nhân, bạn luôn nhận được câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì”? Vậy là, dù không nghĩ gì bạn cũng buộc phải có suy nghĩ để viết lên đó.

Tim Kendall, cựu chủ tịch Pinterest và cựu giám đốc kinh doanh của Facebook, một trong những nhà quản lý cao nhất xuất hiện trong bộ phim, nhận định nếu không tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc “các dịch vụ công nghệ này đang có thể khiến mọi người muốn tự tử". Bộ phim đưa ra ví dụ thời sự về những phát ngôn sai lệch về Covid-19 khiến nhiều người tin theo và nhiễm bệnh; những tin giả gây kích động trên mạng xã hội khiến người ta phản ứng bằng bạo lực, bạo động ngoài đời thực…

Trình bày một vấn đề rất cũ, nhưng phim “Song đề xã hội” gây ấn tượng bằng cảm giác đáng sợ mà bộ phim tạo ra. Lâu nay chúng ta biết mình bị thao túng và cố lờ đi để tận hưởng tiện ích mạng xã hội mang lại. Còn bộ phim lại phơi bày hết nỗi sợ và nguy cơ khiến chúng ta không thể ngoảnh mặt, bịt tai. Bạn sẽ làm gì với các tài khoản mạng xã hội của mình sau khi xem xong bộ phim này?.

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động