Quốc hội thảo luận Luật phòng chống bạo lực gia đình: Giới trẻ và chứng bệnh... “sợ hôn nhân”?
“Trốn” hôn nhân
Dưới áp lực của cuộc sống, xu hướng sống độc thân, ngại yêu hay chứng bệnh “sợ hôn nhân”… của giới trẻ hiện đại đã trở thành một câu chuyện bình thường trong những năm gần đây. Hưởng thụ cuộc sống bằng tiền mình kiếm ra, không kết hôn để giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc và những vấn đề gia đình đang là suy nghĩ chung của rất nhiều bạn trẻ.
Sau nhiều năm trải qua vài mối tình từ chóng vánh đến sâu đậm, Nguyễn Trần Thu Trang (29 tuổi, trưởng phòng kinh doanh của một công ty bảo hiểm) không còn cảm thấy hôn nhân là một cái kết đẹp mà cô muốn hướng tới.
Nguyễn Trần Thu Trang không còn cảm thấy hôn nhân là một cái kết đẹp mà cô muốn hướng tới. |
Thu Trang cho biết, bản thân chưa hề phải lo lắng hay căng thẳng về chuyện lấy chồng, cô hiểu rất rõ mình muốn điều gì. Vì đã từng trải qua nhiều mối tình, thấu hiểu và cảm nhận được nhiều điều, cô chủ động chọn cuộc sống độc thân và không còn quá coi trọng chuyện kết hôn, sinh con như những người trẻ đang rơi vào độ tuổi này thường thấy.
“Chọn độc thân không có nghĩa rằng mình coi thường giá trị gia đình mà là vì đến hiện tại mình vẫn chưa thực sự cần cũng như sẵn sàng. Mình vẫn chưa tìm được người đàn ông nào thực sự phù hợp để yêu, gắn bó cả cuộc đời này và tính đến chuyện kết hôn.
Thay vì lo lắng chuyện cần “một điểm tựa” hay sinh ra “một thiên thần”, mình sẽ phấn đấu phát triển nhiều hơn nữa trong công việc, sắp xếp đi du lịch và tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng mình”, Thu Trang chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Phương (32 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một cô gái xinh đẹp tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, hiện là trưởng phòng marketing một công ty liên doanh với mức lương nhiều người mơ ước. Dù vậy, việc đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu muốn kết hôn khiến gia đình và bạn bè của cô thường xuyên nhắc nhở, thúc giục. Những lúc như thế, Hoàng Phương chỉ cười và nói với mọi người cứ bình tĩnh, thời điểm chưa đến.
Nhiều người trẻ đang "sợ yêu" và ngại kết hôn |
“Cứ nhìn mấy đứa bạn thân của mình lấy chồng mà mình cảm thấy sợ và chưa sẵn sàng. Đã có nhiều mối tình tưởng chừng đẹp nhưng lấy nhau về rồi mới rõ lòng nhau. Có một đứa đã từng là “đầu tàu” của cả nhóm và lấy chồng là doanh nhân thành đạt nhưng anh ta ghen khủng khiếp, không muốn cho vợ đi làm, bắt nghỉ việc ở nhà nội trợ để không có cơ hội tiếp xúc với những người đàn ông khác.
Một người khác thì lấy phải người chồng liên tục ngoại tình, cứ "dẹp" được vụ này lại có vụ khác. Còn một đứa hiền lành, lúc nào cũng lo lắng cho người khác thì lại gặp phải bạo lực gia đình… Những điều đó khiến mình thực sự không còn niềm tin vào chuyện lập gia đình”, Hoàng Phương chia sẻ.
Mất niềm tin do bạo lực gia đình
Trong các nguyên nhân dẫn tới việc người trẻ muốn độc thân, “sợ kết hôn” thì vấn nạn bạo lực gia đình chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Trước tình trạng đổ vỡ hôn nhân của các cặp đôi có dấu hiệu gia tăng, giá trị về niềm tin vào hạnh phúc gia đình cũng bị suy giảm rất nhiều với các bạn trẻ. Thậm chí, có không ít người sau một vài mối tình tan vỡ, bị tổn thương quá lớn khi đã mất hẳn niềm tin về hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân.
Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ mất niềm tin vào hôn nhân |
Trong phiên họp chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Đây có lẽ là một trong những nội dung được giới trẻ quan tâm nhất trong kỳ họp Quốc hội lần này bởi bạo lực gia đình xuất phát từ cả hai phía vợ và chồng đang ngày càng gia tăng và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân của hiện tượng này rất nhiều, ngoài vấn đề tâm lý còn phải kể đến vấn đề đạo đức, kiến thức giải quyết mâu thuẫn gia đình… Đó chính là lý do khiến người trẻ mất niềm tin vào hôn nhân.
Trọng Quang kỳ vọng những sửa đổi trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ là tiền đề lấy lại niềm tin vào hôn nhân của giới trẻ |
Quan tâm đến vấn đề hôn nhân và bạo lực gia đình trong hôn nhân, Nguyễn Trọng Quang (27 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng bên cạnh những áp lực cuộc sống khiến bạn trẻ trở nên mệt mỏi và lười yêu, ngại kết hôn thì tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân của các cặp đôi có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là do bạo lực gia đình dẫn đến giá trị về niềm tin vào hạnh phúc gia đình bị suy giảm đối với nhiều bạn trẻ. Từ đó, các bạn không còn tin tưởng về việc sẽ hạnh phúc khi đến với hôn nhân.
“Mình mong muốn rằng khi được thông qua lần này, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ có nền tảng, cơ sở để tạo thêm nhiều cảm hứng trong tình yêu, trong mối quan hệ giữa con người với con người và tạo nhiều niềm tin hơn trong cuộc sống. Từ đó, có những cái nhìn tích cực hơn về hôn nhân cũng như có được những quyết định đúng đắn với cuộc đời của mình”, Trọng Quang nói.
Chưa nhận thức được hành vi bạo lực gia đình bởi tâm lý “yêu cho roi cho vọt” |
Hà Nội: Lấy ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) |
Bạo lực gia đình gia tăng vì lệnh phong tỏa |