Hà Nội: Lấy ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Ngày 9/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân có liên quan góp ý vào dự thảo Luật.
Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất MFN với một số mặt hàng Vĩnh Phúc: Lấy ý kiến về đề án phòng chống lấn, chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai HĐND tỉnh Bắc Giang thông qua dự thảo 5 nghị quyết quan trọng

Tham dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các sở, ban, ngành thành phố…

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị

Để tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, hội nghị được tổ chức, nhằm chia sẻ kết quả, thực trạng, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong triển khai các quy định của luật hiện hành, từ đó kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật, bảo đảm tính thực tiễn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong thời kỳ mới.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, sửa đổi và trình các cơ quan thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe tổng quan những sửa đổi, bổ sung và những vấn đề giới trong dự thảo Luật; tập trung thảo luận, nêu ý kiến, đề xuất, kiến nghị những vấn đề về lồng ghép giới trong dự thảo Luật; Các quy định về trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Các quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác, hòa giải, xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; Các quy định liên quan đến mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng…

Tiếp thu những nội dung đóng góp của các đại biểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, những ý kiến các đơn vị nêu tại hội nghị rất xác đáng; Thông tin thực tế, phù hợp với thực tiễn quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình ở cơ sở; Đồng thời mong muốn nhận được văn bản góp ý, những đề xuất thay đổi dự thảo Luật sớm nhất để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Diệu Linh
Phiên bản di động