Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội

Mới chỉ đôi ngày trước, nắng Thu đã vội vàng đi để gọi gió Đông về. Người Hà Nội thức dậy lúc sớm mai và chợt cảm nhận những luồng gió bấc dâng trào lồng lộng qua khắp nẻo đường góc phố. Đông Hà Nội là mùa của áo rét, chăn bông, của bếp lửa bập bùng và cả sắc hương của những thức quà nóng hổi ngon lành sưởi ấm tâm hồn của những con người đã lỡ “phải lòng” cái lạnh của gió bấc tái tê.
Tinh hoa ẩm thực Kẻ Chèm qua những câu chuyện xa xưa 4 món ăn quen thuộc của Hà Nội lọt top món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam

Ngô nếp, khoai lang nướng

Đầu đông, tại nhiều phố phường Hà Nội đã xuất hiện hình ảnh các bà các cô thoăn thoắt đôi tay trở đều những ngô nếp căng bóng, những khoai mật vàng ươm trên bếp lửa hồng. Nhắc tới thức quà đông vừa ngon rẻ mà gần gũi, người ta sẽ nhớ ngay đến ngô, khoai nướng. Mùi hương ngọt dịu ấm nồng của thức quà dân dã “đánh thức” miền ký ức thuở ấu thơ của biết bao người.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Bếp lửa bập bùng, mùi ngô nướng sém

Chiều tối mùa lạnh, một số người chỉ muốn nhanh chóng về nhà, “trốn” khỏi cơn gió bấc. Nhưng nhiều người lại rủ nhau ra đường, tìm cho mình một hàng ngô, khoai, sắn nướng vỉa hè để “tám chuyện” xúm xít bên chậu than hồng, ăn những thức quà bình dân để tận hưởng khí lạnh đã lâu không gặp, như sợ mùa Đông sẽ sớm vụt qua.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Thức quà quê dân dã đưa hương khắp phố phường

Ngô, khoai và cả mía, sắn được chuyển về từ vùng ven ngoại thành Hà Nội như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam... Người bán sẽ sơ chế sạch, để ráo nước, khi có khách gọi thì đặt nướng tươi trên chậu than hồng. Có những vị khách khó tính, chỉ ưa dùng những củ khoai được nướng kỹ, chín mềm tươm mật thơm tho nên nhiều chủ quán sẽ chuẩn bị nướng sẵn nhiều phần khoai để đáp ứng cái thú ăn chơi của thực khách.

Tiếng tí tách vang đều theo từng nhịp quạt mang mùi hương lan khắp phố phường. Những món quà quê cứ thế chín dần trong sự chờ đợi của thực khách. Tách đôi củ khoai, cắn một miếng ngô nóng ấm, cái lạnh mùa Đông chợt trở nên nồng nàn và đáng yêu đến lạ.

Cafe trứng

Ngày nay, các quán cafe ở Hà Nội mọc lên như nấm. Nhưng mỗi đông về, lòng người Hà Nội lại chỉ nhung nhớ mùi hương sánh mịn thơm béo của ly cafe trứng nóng hổi.

Xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 20, những ly cafe trứng đầu tiên được chế biến tại quán Cafe Giảng trên phố Hàng Gai khi xưa. Chủ quán thời ấy là cụ Nguyễn Văn Giảng, từng là đầu bếp tại khách sạn Metropole danh tiếng, đã “phát minh” ra món cafe trứng dựa trên kỹ thuật làm Cappuchino của phương Tây. Thế kỷ trước, sữa là sản phẩm đắt đỏ hiếm có, cụ Giảng đã sáng tạo dùng trứng thay sữa để tạo độ ngậy béo, thêm hương vị đặc trưng cho món uống hấp dẫn này.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Cafe Giảng có lịch sử lâu đời, thu hút nhiều thực khách quen

Ly cafe nóng hổi thơm phức chỉ dùng trứng, cafe và chút sữa lại gợi sự quyến luyến đến kỳ lạ cho bất cứ ai từng có cơ hội thưởng thức. Nó phù hợp cho những thực khách ngại vị đắng của cafe phin nguyên chất bởi cái ngọt bùi, thơm tho của trứng gà và sữa đã “phủ mờ” đi chất đắng của cafe, đọng lại hương thơm ngào ngạt, hấp dẫn. Cafe trứng ngon khi thưởng thức nóng hổi. Giữa những cơn gió bấc chờn vờn, nhấp một ngụm cafe “đặc sản” phố cổ Hà Nội, thực khách sẽ cảm nhận được phong vị Hà thành xưa đong đầy trong chiếc ly nhỏ giản đơn.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Món cafe trứng nức tiếng thương hiệu Giảng

Trải qua bao thăng trầm, Cafe Giảng nay đã có hai cơ sở tại Nguyễn Hữu Huân và Yên Phụ do những người con của cụ Giảng làm chủ. Dù ngày nay có bao đồ uống thịnh hành hấp dẫn, cafe trứng quán Giảng vẫn là một thức quà Hà Nội không thể thiếu được lưu vào sổ tay ăn uống của du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp ghé thăm Thủ đô, đặc biệt vào lúc lành lạnh của trời đông.

Bánh đúc nóng

Trong số những món ăn “ấm bụng” ngày đông giá, bánh đúc nóng là “nàng thơ” bé nhỏ trong lòng nhiều thực khách sành ăn tại Hà Nội. Một thức quà chiều thanh đạm mà dễ gây “nghiện” khi thưởng thức.

Là một món ăn truyền thống, bánh đúc nóng được nấu từ bột gạo tẻ và bột năng. Khi nấu, khuấy bánh phải khéo, phải đều tay, nếu không cả nồi bánh sẽ bị khê khét mà bỏ đi. Bánh nấu ra được giữ nóng, lúc ăn sẽ múc từng phần rồi châm thêm nước mắm chua ngọt, thêm đậu rán vàng, thịt băm mộc nhĩ thơm béo rồi điểm xuyết rau thơm, hành phi đậm vị là có một bát bánh đúc nóng đủ sắc, hương, vị.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Bát bánh đúc nóng giản đơn nhưng gói gọn tầng tầng lớp lớp hương vị

Tuy nguyên liệu và cách chế biến món bánh đúc nóng không quá cầu kỳ, nhưng cần tính tỉ mỉ, thêm một chút trau chuốt để hương vị món ăn thực sự “dậy” lên trọn vẹn. Hội sành ăn Hà Nội luôn có những địa chỉ ruột để thưởng thức bánh đúc. Có thể kể đến như quán chị Dung ở cổng chợ Mơ mặt đường Minh Khai, quán Oanh ở Hòe Nhai, quán số 249 Đội Cấn, quán ở Nghĩa Tân, Lê Ngọc Hân...

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Nồi bánh đúc sánh mịn trắng trong quyện vị cùng nước chan chua ngọt đậm đà

Thế hệ đi trước có câu “Quà đói bánh giò, quà no bánh đúc”, bởi bánh đúc nóng là thức quà chiều ăn chơi, ăn thưởng thức để nhấn nhá từng tầng hương vị hòa quyện nóng hổi trong ngày lạnh se sắt chứ chẳng phải đồ ăn để hết cơn đói lòng. Ăn một thìa đầy bánh đúc núng nính ấm áp, người ta nếm được cái vị của thảnh thơi, của sự thư giãn đến kỳ lạ từ một thức quà mùa đông không quá ngấy ngập mà lại tròn đầy ấm bụng.

Bánh gối, bánh tôm, quẩy nóng

Mùa hè nóng nực, người ta sẽ rất ngại thưởng thức những món đồ chiên ngập dầu có phần gây ngấy. Nhưng mùa đông lại đem đến cho những thực khách sành ăn nỗi thèm được cắn ngập răng một món chiên ngập dầu nóng hổi giòn rụm và béo ngậy. Những bánh tôm, bánh gối từ lâu đã là món ăn hấp dẫn những tâm hồn ăn uống bởi cái sự “dễ chiều miệng” khi đông về.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Bánh tôm giòn tan vàng ruộm kèm rau xanh mướt mát

Bánh gối chiên vàng giòn tan bọc nhân thịt băm, nấm hương, miến rồi điểm thêm trứng cút. Bánh tôm giòn tan với vị bột bánh, khoai lang xắt sợi và tôm chiên ngập dầu. Một miếng bánh, một miếng rau xà lách hay rau thơm, chấm ngập với nước chấm chua ngọt cay cay là hương vị thổi bùng những ngày đông lạnh giá.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Bánh gối là món ruột của nhiều bạn trẻ mỗi chiều

Chỉ vài chiếc bánh, dăm chén chấm ngọt cay và rổ rau xanh thích mắt là hội bạn thân có thể ngồi “đong đưa” những câu chuyện giòn tan cả buổi chiều. Nếu còn thòm thèm, lựa chọn quẩy nóng hoàn toàn rất hợp lý. Bánh quẩy giòn chấm chung với nước chấm bánh tôm, bánh gối là một lựa chọn ổn để kết thúc cho một bữa đồ chiên nóng hổi đã lâu chưa được thưởng thức.

Ở Hà Nội mà muốn ăn bánh tôm, địa chỉ phổ biến sẽ tại các khu vực Phủ Tây Hồ hay ngõ chợ Đồng Xuân, Hàng Bồ, Lê Đại Hành, phố 8-3... Còn bánh gối, bánh quẩy sẽ có lựa chọn tại khu Nhà Chung, Lý Quốc Sư, phố 8-3, hoặc Nghĩa Tân...

Bánh trôi tàu

Gió mùa vừa chạm ngõ, hàng loạt hàng bánh trôi tàu trên các phố Hàng Giầy, Hàng Bạc, Trần Xuân Soạn… đều đông khách. Trong cái lạnh tê tê, ôm trọn bát bánh trôi tàu trong lòng bàn tay, thực khách như ôm một ngọn lửa ấm nồng dưới sắc trời xám xịt.

Vừa là món tráng miệng mà cũng vừa là thức quà chiều ăn chơi bổ dưỡng, bánh trôi tàu là lựa chọn phổ biến khi người Hà Nội cảm thấy mệt mỏi, lạnh người. Mùi gừng thơm cay quyện với mật mía ngòn ngọt như một lời nhắc nhở rằng đây là món ăn “trị” được cái mệt, cái lạnh sau một ngày đông làm việc mệt mỏi.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Bánh trôi tàu

Bánh trôi tàu ngon ở vỏ bánh, ngoài thì mềm mướt nhưng trong lại dai dẻo. Có hai loại viên bánh. Viên tròn nhân đậu xanh, viên dài nhân vừng đen (đã rang chín) và dừa. Bánh được luộc trước, vớt ra để khô vỏ. Nước đường hoa mai đỏ au, ngọt lịm đã được lọc bằng lòng trắng trứng nên trong màu hổ phách, gừng già đập dập cho vào nồi nước đường đun sôi, khi đó mới thả bánh vào. Khi bánh nổi lên múc vào bát và rắc một ít lạc rang, giã vỡ.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Thưởng thức hương vị ngọt vừa mà không gắt, đượm hương gừng thơm cay

Cái ngon của bánh trôi là từ trong ra ngoài. Bánh được gói và luộc trước sau đó để ráo cho se. Vỏ bánh mềm mà lại dai dẻo, thơm mùi bột nếp đặc trưng. Hai vị nhân bánh phổ biến là đậu xanh và vừng đen – dừa. Khi thực khách muốn thưởng thức, người bán mở nồi nước đường hoa mai bốc khói, đỏ au sóng sánh sực nức mùi gừng nóng ấm rồi thả bánh vào đun sôi tới khi bánh nổi lên sẽ múc ra bát, thêm chút lạc rang giã rối và chút dừa nạo. Có khách thích vị đậu xanh thơm bùi, có khách lại ưa mùi thơm béo nhẹ của vừng đen và dừa.

Những thức quà xua tan giá lạnh ngày chớm đông Hà Nội
Xếp hàng mua bánh trôi tàu những ngày đông giá

Nhưng dù chuộng hương vị nào hơn, thực khách sẽ đêu cảm nhận sự hòa trộn tuyệt vời của nước đường sánh đỏ, mùi gừng già thơm cay và cái bùi, cái béo của đậu xanh và vừng rang. Ăn một bát bánh trôi tàu nóng trong tiết đông lạnh, tới tận thìa cuối cùng vẫn còn đượm vị gừng cay lan tỏa. Hương gừng, vị đường hoa mai lan tỏa chầm chậm khắp người khiến thực khách sẽ cảm thấy ấm trong người, làm bơt đi cái lạnh của cơn gió bấc ngày chớm đông.

Tùng Linh
Phiên bản di động