Những người trẻ với tư duy làm việc mới
Phá vỡ quan điểm cũ
Trong nhiều thập kỷ, Microsoft đã gắn liền với định nghĩa truyền thống về công việc văn phòng là ngồi nhiều giờ trước máy tính. Giờ đây, gã khổng lồ công nghệ đã thừa nhận sự thay đổi. Thế hệ nhân viên Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang phá vỡ quan điểm về lối làm việc hối hả tại nơi làm việc và giờ hành chính 8 tiếng mỗi ngày. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây đang thay đổi mô hình nghề nghiệp và theo đuổi tinh thần kinh doanh hơn là bước vào thế giới công sở.
Travis Walter, Phó Chủ tịch bán lẻ của Microsoft Store cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi trong đại dịch và sự chuyển đổi kỹ thuật số - điều mà tôi nghĩ đã thúc đẩy sự bùng nổ trong lĩnh vực kinh doanh.
Tuy người trẻ ngày nay có cách làm việc khác so với thế hệ Millennials nhưng điều đó không có nghĩa là họ lao động ít hơn. Thay vào đó, họ tạo cho mình khả năng lịch trình cá nhân linh hoạt, kết hợp kỳ nghỉ với công việc và dành nhiều thời gian cho bản thân.
Ảnh minh họa |
Một khảo sát của Microsoft do Wakefield Research thực hiện với 1.000 chủ doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 25 nhân viên đã chỉ ra gần một nửa thế hệ Z (khoảng 48%) có nhiều công việc phụ. Đi cùng với con số này là sự phát triển của phương tiện truyền thông kỹ thuật số.
Nhân sự Gen Z cũng có xu hướng dấn thân vào con đường khởi nghiệp hơn là tham gia vào các công ty ngay khi chưa tốt nghiệp đại học.
Theo khảo sát vào năm 2022, gần 2/3 (62%) người thuộc Gen Z tại Mỹ cho biết họ đã bắt đầu hoặc có ý định khởi nghiệp. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2021, 5,4 triệu người Mỹ đã nộp đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Nhiều người coi đó là cách để đẩy nhanh thời gian nghỉ hưu của họ. Khoảng 61% chủ doanh nghiệp nhỏ thuộc thế hệ Z tin rằng họ có thể nghỉ hưu sớm hơn so với khi đi làm văn phòng. Bên cạnh đó, tích lũy tiền tiết kiệm hưu trí thông qua các phương tiện đầu tư từ trước đến nay là một thách thức không nhỏ. Phần lớn thu nhập của họ lại đổ trực tiếp vào doanh nghiệp, điều này tạo ra mối quan tâm về an ninh tài chính giữa lao động trẻ.
Ritwik Pavan, một doanh nhân thế hệ Z đã bắt đầu khởi nghiệp từ khi còn học trung học. Anh luôn muốn xây dựng một thứ gì đó của riêng mình dựa trên tư duy giải quyết vấn đề. Anh đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau, chẳng hạn phát triển ứng dụng, tính di động trong đô thị. Cùng với những người đồng sáng lập của mình, anh đã ra mắt sản phẩm vào năm 2018, giúp giảm tắc nghẽn giao thông và lượng khí thải carbon bằng cách cung cấp dữ liệu đỗ xe theo thời gian thực.
Pavan cho hay: “Điều tuyệt vời nhất khi trở thành một doanh nhân là chúng tôi có thể thay đổi cuộc sống tốt hơn và giúp các thành phố trở thành nơi đáng sống”.
Trang bị kỹ năng số
Cơ hội việc làm thu hẹp bởi con người phải cạnh tranh với máy móc sẽ là nỗi lo của không ít người lao động kỹ năng thấp. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra hàng loạt công việc mới. Nhu cầu về hệ thống, thiết bị robot, tự động hóa tăng lên thúc đẩy hình thành những công việc liên quan đến thiết kế, phát triển, lắp đặt và bảo trì công nghệ cùng nhiều vị trí vận hành máy móc mới.
Thay vì lo sợ người máy sẽ cướp mất công việc đang làm, bạn cần nhìn thực tế rằng AI đang tạo ra những thứ mới mẻ giúp phát triển sự nghiệp. Theo đó, các ngành công nghiệp trên toàn cầu đã và đang sử dụng AI để mở rộng quy mô và hoạt động sản xuất. Chúng có thể đến từ việc phát triển web hoặc thiết kế UX (User Experience - thiết kế trải nghiệm cho người dùng).
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, các công ty cũng sử dụng AI nhằm giúp nhân viên phát triển sự nghiệp. Có thể kể đến công ty dược phẩm khổng lồ Sanofi của Pháp đã sử dụng chương trình iMatch để giúp nhân viên trong bộ phận nghiên cứu và phát triển tìm thấy năng lực đặc biệt dựa trên kỹ năng cá nhân.
Theo báo cáo việc làm tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020, dự kiến đến năm 2025, sau khi trừ đi tổng số công việc được thay thế bởi những tiến bộ công nghệ, thị trường sẽ tăng thêm ít nhất 12 triệu cơ hội làm việc mới. Nhu cầu nhân sự có kiến thức chuyên môn liên quan đến công nghệ, điều khiển máy móc sẽ ngày càng cao. Do đó, người lao động thời 4.0 cần trang bị kỹ năng số để mở rộng cơ hội việc làm.
Tại Đông Nam Á, giới trẻ hiện được coi là tương lai của khu vực. Trong bối cảnh đó, những thanh thiếu niên ở khu vực Đông Nam Á cần phải thích nghi nhanh chóng. Sự bùng phát của đại dịch đã dẫn tới cuộc sống của con người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các công cụ số, nền kinh tế cũng ngày càng trở nên kỹ thuật số hơn.
Phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đều có tỷ lệ thâm nhập Internet cao hơn 70%. Riêng trong đại dịch COVID-19, việc sử dụng Internet đã tăng từ 50% lên 70% trên toàn cầu. Kết quả là số lượng các công việc mới đòi hỏi sự thành thạo về các kỹ năng số và nâng cao ngày càng tăng, trong khi nguồn cung lực lượng lao động trẻ có thể đáp ứng nhu cầu đó lại đang thiếu hụt.
Các chuyên gia dự báo, ASEAN có tiềm năng lọt vào nhóm 5 nền kinh tế số hàng đầu thế giới vào năm 2025.
Người trẻ và xu hướng 'nghỉ việc trong im lặng' 'Nghỉ việc trong im lặng' đã trở thành một xu hướng được nhiều người trẻ hưởng ứng khi ảnh hưởng từ “văn hóa hối hả” ... |
Người trẻ có đang sợ kết hôn? Hôn nhân không phải là chủ đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Câu chuyện "cưới vợ gả chồng" luôn nhận được sự quan ... |
Giới trẻ đang sẵn sàng đối mặt với áp lực Áp lực là thứ luôn tồn tại trong cuộc sống, nó đến từ những câu chuyện riêng, từ gia đình, xã hội và từ chính ... |