Người trẻ có đang sợ kết hôn?
Chấp nhận làm một nghề vì không thể làm nhiều việc cùng lúc Truyền đam mê, cảm hứng, tạo ý thức đọc sách cho người trẻ Chạy đám cưới như… chạy deadline |
Kết hôn có đáng sợ?
Khi được hỏi nghĩ gì về hôn nhân trong thời điểm hiện tại, phần lớn bạn trẻ chia sẻ chưa có ý định kết hôn và không sợ kết hôn, bên cạnh một số ít cho biết sợ và không muốn kết hôn. Đa số cho rằng kết hôn không có gì đáng sợ, nhưng hiện tại muốn tập trung hướng tới các mục tiêu sự nghiệp và phát triển bản thân cũng như tìm đối tượng phù hợp để kết hôn.
Xuân Hòa (26 tuổi, nhân viên ngân hàng) khẳng định không sợ kết hôn, nhưng hiện tại chưa muốn kết hôn vì cảm thấy bản thân chưa sẵn sàng. "Mình thấy kết hôn không có gì đáng để sợ. Hiện tại mình chưa muốn kết hôn vì đơn giản thấy chưa phải lúc. Ở thời điểm chưa vướng bận chuyện gia đình như bây giờ, mình muốn tập trung cho các mục tiêu trong công việc cũng như dành thời gian làm những điều bản thân thích".
Cùng quan điểm với Xuân Hòa, Mỹ Anh (25 tuổi, kế toán) cho biết: "Ở thời điểm hiện tại, mình chọn độc thân lâu dài. Mình thích tự do, không muốn gò bó và muốn có nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp và sở thích cá nhân. Những nghi lễ cưới hỏi rườm rà và tốn kém khiến mình có phần e ngại khi kết hôn”.
Kết hôn liệu có thực sự "đáng sợ" |
Tương tự, Thu Hiền (27 tuổi, MC) cũng chia sẻ rằng cô không sợ kết hôn, đồng thời có quan điểm cá nhân thẳng thắn về vấn đề hôn nhân và khả năng tự chủ trong việc lựa chọn bạn đời.
"Mình không sợ kết hôn vì mình có thể tự quyết định việc kết hôn của mình, chẳng hạn như lấy ai và lấy khi nào. Kết hôn với mình không phải tất cả, nó cũng chỉ đánh dấu một cột mốc trong mối quan hệ lâu dài”, Thu Hiền nói.
Chia sẻ thêm về lý do sợ kết hôn, cô bạn trẻ cũng cho biết nguyên nhân còn đến từ việc sợ áp lực tài chính và áp lực làm cha mẹ. Bên cạnh các lý do như thiếu niềm tin vào hôn nhân và không tự tin ở bản thân cũng khiến việc kết hôn trở thành một điều không thực sự quan trọng đối với Thu Hiền.
Thu Hiền ngại kết hôn không chỉ vì một mà vì nhiều áp lực |
"Đọc và nghe nhiều các vụ ngoại tình và ly hôn khiến mình thấy sợ tình yêu và hôn nhân. Mình cũng thấy khá thiếu tự tin ở bản thân để có thể trở thành một người vợ, người mẹ tốt", Thu Hiền nói thêm.
Kết hôn có cần sự ổn định?
Dù có hay chưa có ý định kết hôn, đa số người trẻ đều đặc biệt chú ý đến tính ổn định và an toàn cho mối quan hệ lâu dài như hôn nhân. Nhiều bạn đồng tình với quan điểm cho rằng cần có sự nghiệp hay nhà cửa trước khi kết hôn vì những điều đó mang đến cảm giác chắc chắn và an toàn, là nền tảng để có hôn nhân hạnh phúc cũng như giúp cuộc sống ổn định trước khi đi đến quyết định sinh con.
Hồng Ngọc (24 tuổi, freelancer) cho rằng bên cạnh sự thấu hiểu, yếu tố kinh tế trong hôn nhân là vô cùng quan trọng. "Mình muốn có một cảm giác thật sự chắc chắn khi kết hôn. Có nhà cửa và kinh tế ổn định giúp vợ chồng tránh được những xung đột về mặt tài chính có thể dẫn đến cãi nhau. Khi có nhà cửa và đảm bảo được tài chính thì có thể cho con cái một cuộc sống tốt hơn”, cô gái trẻ bày tỏ.
Giống như Hồng Ngọc, Thu Trang (23 tuổi, nhân viên hành chính) quan niệm mọi thứ nên rõ ràng trước khi quyết định kết hôn. Theo cô gái trẻ, không hẳn cần phải có tài sản mới kết hôn được nhưng nên thẳng thắn quan điểm về tài sản với đối phương ngay từ trước khi cưới và lập kế hoạch từng bước trong hôn nhân.
Với Thu Trang, không hẳn cần phải có tài sản mới kết hôn được nhưng nên thẳng thắn quan điểm về tài sản với đối phương ngay từ trước khi cưới và lập kế hoạch từng bước trong hôn nhân |
Dù vậy, khác với số đông, một bộ phận nhỏ người trẻ cho rằng không cần phải có nhà cửa và sự nghiệp mới kết hôn. Lý giải cho quan điểm này, các bạn nói rằng thấy đúng người, đúng lúc và cảm thấy sẵn sàng thì cưới thôi, chưa kể đến việc sau khi kết hôn vợ chồng vẫn có thể cùng nhau nỗ lực mua nhà và xây dựng sự nghiệp.
Với Trần Lâm (26 tuổi, designer), sự nghiệp nói một cách dễ hiểu là có công việc ổn định. Lâm không nghĩ nhất thiết phải có nhà mới kết hôn khi đối với nhiều người trẻ, vấn đề nhà ở rất đắt đỏ ở các thành phố lớn và không thể mua nhà ngay nếu không có hỗ trợ tài chính từ gia đình, Vì vậy, có thể đặt mục tiêu mua nhà sau khi kết hôn. Lâm muốn hướng đến các giá trị tinh thần và cùng với một nửa nỗ lực trong hôn nhân hơn.
"Với mình, mục đính lớn nhất khi kết hôn là cùng nhau chung sống, mang lại hạnh phúc cho đối phương, trở thành niềm an ủi và nguồn động lực để cùng cố gắng đạt được các mục tiêu chung", Trần Lâm chia sẻ.