Người trẻ và xu hướng 'nghỉ việc trong im lặng'

'Nghỉ việc trong im lặng' đã trở thành một xu hướng được nhiều người trẻ hưởng ứng khi ảnh hưởng từ “văn hóa hối hả” và áp lực đồng trang lứa đang đang ngày một gia tăng.
Người trẻ có đang sợ kết hôn? Chấp nhận làm một nghề vì không thể làm nhiều việc cùng lúc Truyền đam mê, cảm hứng, tạo ý thức đọc sách cho người trẻ

“Kiệt sức” tại nơi làm việc…

“Nghỉ việc trong im lặng" là cụm từ phổ biến trên mạng xã hội toàn cầu gần đây. Thuật ngữ này có thể hiểu đơn giản rằng một người không làm những nhiệm vụ hàng ngày không nằm trong mô tả công việc hoặc chỉ đơn giản là không thích làm. Đó cũng là khi chúng ta rời văn phòng đúng giờ, từ chối trả lời email hoặc những tin nhắn công việc ngoài giờ hành chính. Nó như một điều thay đổi trong tư duy, cho phép bạn bớt đầu tư về mặt tinh thần và cảm xúc cho công việc của mình.

Thu Hà (27 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) đã "nghỉ việc trong im lặng" sau khi kiệt sức với công việc tư vấn bán hàng. Cô gái trẻ cho biết đã có một thời gian dài cảm thấy mình đang cố gắng sắp xếp quá nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Điều đáng sợ hơn đó là nỗi lo không hoàn thành được nhiệm vụ cá nhân, có nghĩa là đồng nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo cô gái trẻ, cảm giác đó giống như thể não của cô bị chia thành nhiều mảnh, song toàn bộ lại chỉ dành cho công việc.

Người trẻ và xu hướng “nghỉ việc trong im lặng”
“Nghỉ việc trong im lặng” đã trở thành một xu hướng được nhiều người trẻ hưởng ứng khi ảnh hưởng từ “văn hóa hối hả” và áp lực đồng trang lứa đang đang ngày một gia tăng

"Mình không nghĩ rằng bất kỳ vị trí công việc nào đều phải làm việc đến mức kiệt sức, ai cũng cần rời bỏ công việc một thời gian để nghỉ ngơi. Vì vậy, mình biết rằng bản thân phải thay đổi.

Điều thú vị là không nhiều người có thể nhận thấy sự thay đổi đó, khi mà mình không còn làm việc ngoài giờ và ôm việc vào cuối tuần, ngoại trừ khi giúp đỡ những người thân thiết nhất. Mình vẫn có thể làm tốt công việc của mình, đồng thời giải phóng bản thân khỏi áp lực làm việc ngoài giờ", Thu Hà nói.

Giao tiếp không tốt với cấp trên cũng là một lý do dễ dàng khiến nhân viên cảm thấy bị đánh giá thấp và cuối cùng dẫn đến "nghỉ việc trong im lặng". Đây là điều đã xảy ra với Quỳnh Anh (28 tuổi) đã có 7 năm làm việc trong lĩnh vực kế toán. Cô gái trẻ luôn cảm thấy quá tải khi phải làm quá nhiều việc với khoảng thời gian cũng như nguồn lực ít ỏi.

"Khi mình nói rằng bản thân cảm thấy thực sự áp lực và căng thẳng ngay cả trong thời gian nghỉ ngơi vì có quá nhiều việc phải làm, sếp đã không hiểu và nói "dù có thể nào cũng không thể đi nghỉ được", Quỳnh Anh chia sẻ.

Đó là lý do chính để Quỳnh Anh bắt đầu một "hành trình đòi lại", chỉ làm việc đã được phân công trong giờ hành chính, nói không với những công việc ngoài giờ vô lý và tận dụng mọi thời gian để nghỉ ngơi. Điều đó thực sự giúp sức khỏe tinh thần của cô được cải thiện tốt hơn.

Người trẻ và xu hướng “nghỉ việc trong im lặng”
Quỳnh Anh "nghỉ việc trong im lặng" khi không được cấp trên thông cảm với mong muốn của bản thân

Tuy nhiên, đây là một thách thức rất lớn trong thời điểm mọi người được khuyến khích nỗ lực hết mình để có một cuộc sống tốt hơn. Và việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc là rất khó.

"Cuối cùng, mình nhận ra rằng ngay cả việc cố gắng “nghỉ việc trong im lặng” trong một môi trường quá áp lực cũng thực sự là điều không thể. Giai đoạn này kéo dài khoảng 6 tháng trước khi mình thực sự phải nghỉ việc vì kiệt sức”, Quỳnh Anh chia sẻ thêm.

Đánh giá đúng khả năng của bản thân

Đối với Quốc Thiên (27 tuổi, sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội), người đã chuyển từ công việc truyền thông sang quan hệ công chúng cách đây vài năm, điều khiến anh "nghỉ việc trong im lặng" là do bị từ chối mức tăng lương mà Thiên đã kỳ vọng và cố gắng hết sức để đạt được.

Chàng trai trẻ đã làm thêm nhiều thứ ngoài bản mô tả công việc khi bắt đầu nhận việc, tiết kiệm được cho công ty rất nhiều khoản bằng khả năng và các mối quan hệ của bản thân nhưng lãnh đạo không công nhận cũng như trân trọng những gì anh đã cố gắng trong thời gian qua. Họ cho rằng Thiên phải cố gắng nhiều hơn thì mới được tăng lương dù anh đã gắn bó với công ty hơn 2 năm và mang về nhiều hợp đồng quảng cáo mới.

Quốc Thiên quyết định "nghỉ việc trong im lặng" và nhận ra rằng bản thân chỉ cần làm đúng nhiệm vụ tương xứng mức lương nhận được. Hai tháng sau, anh nghỉ hẳn việc sau khi hoàn thành một khóa học về marketing. Sau đó, chàng trai làm việc với tư cách là một freelancer trong vài tháng trước khi trở thành một trưởng nhóm chăm sóc khách hàng với thu nhập gấp 3 lần so với trước đây.

"Bây giờ mình nhận ra ý nghĩa của việc mọi người quan tâm và công nhận những đóng góp của bản thân là mức thưởng xứng đáng. Điều đó thôi thúc mình muốn vượt lên trên tất cả, tiến xa hơn trong sự nghiệp", Quốc Thiên nói.

Người trẻ và xu hướng “nghỉ việc trong im lặng”
Quốc Thiên cho rằng cần đánh giá đúng khả năng của bản thân trước khi quyết định bất cứ điều gì liên quan đến công việc

Bản chất của "nghỉ việc trong im lặng" đối với chàng trai 27 tuổi chỉ là yêu cầu sự công bằng trong công việc. Anh không hiểu tại sao văn hoá làm việc đến kiệt sức lại được đánh giá cao đến vậy khi chúng ta đang tôn vinh những người làm việc chăm chỉ đến mức khốn khổ, không có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều đó nghiễm nhiên lại trở thành một tiêu chuẩn, bất kỳ ai làm điều ngược lại và cố gắng lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống bỗng chốc được coi là mâu thuẫn với đường lối của các công ty.

Dù vậy, Quốc Thiên cũng cho rằng hững người lao động cân nhắc "nghỉ việc trong yên lặng" nên đánh giá cẩn thận tình hình của bản thân.

"Bạn đã cân nhắc khía cạnh tinh thần và không còn thích vai trò của mình hoặc làm việc với lãnh đạo hiện tại nữa? Hay bạn đang làm việc quá sức và muốn đảm bảo rằng đây chỉ là tạm thời? Nếu là vế đầu tiên, có lẽ tốt nhất là bắt đầu tìm kiếm một công việc mới giúp bạn tái tạo năng lượng.

Nhưng nếu bạn đang làm việc vượt quá ngưỡng của mình và cần cân bằng lại, mình nghĩ rằng chúng ta nên xem lại ranh giới công việc và trao đổi những điều này với lãnh đạo để giúp họ hiểu cách bạn làm việc hiệu quả nhất", Quốc Thiên chia sẻ.

Chàng trai trẻ cũng khuyến khích mọi người giành lại thời gian và "đòi lại" cuộc sống của họ, bởi vì công việc không phải là tất cả. Công việc sẽ đến rồi đi, nhưng không có gì quan trọng hơn sự tỉnh táo, sức khỏe tinh thần, thời gian bạn dành cho gia đình và bạn bè. Đó là mới là điều thực sự quan trọng.

Phạm Thành
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động