Nét đẹp tranh dân gian Hàng Trống qua góc nhìn của người trẻ
Khai mạc Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” Món ngon đất Việt qua tranh những họa sĩ trẻ Thêm yêu Hà Nội qua những bức ảnh |
Vừa qua, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với các nhà sưu tập tranh, nghệ nhân tranh dân gian và nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” tổ chức triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, mang đậm nét truyền thống Hà Nội xưa. Phần nổi bật nhất trong tranh là những họa tiết đậm chất dân gian, phản ánh cuộc sống hàng ngày và văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt. Nhờ tính gần gũi, dễ tiếp cận và sự truyền tải thông điệp rõ ràng, tranh dân gian Hàng Trống dần thu hút sự tìm hiểu, nghiên cứu của thế hệ trẻ yêu nghệ thuật.
Một góc triển lãm trưng bày những tác phẩm hội họa truyền thống |
Đến với triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”, công chúng được hòa mình vào không gian nghệ thuật độc đáo với 67 tác phẩm đặc sắc bao gồm 38 tác phẩm tạo hình được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy Dó. Triển lãm mong muốn quảng bá rộng rãi nét đẹp của dòng tranh dân gian đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên có lẽ là nghệ nhân cuối cùng còn lại của dòng tranh Hành Trống trên đất Thủ đô. Theo nghề truyền thống của gia đình, từ nhỏ, ông đã am tường và thực hiện được mọi công đoạn của một bức tranh dân gian Hàng Trống. Tại triển lãm, các tác phẩm của nghệ nhân Lê Đình Nghiên được trưng bày bên cạnh các tác phẩm đương đại giúp công chúng thưởng thức bộ sưu tập theo phương thức mới mẻ, có một góc nhìn khác lạ trước sự kết hợp của truyền thống và hiện đại.
Bước sang năm thứ ba thực hiện dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”, nhóm hóa sĩ trẻ đến từ Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mang đến sự mới mẻ, trẻ trung, sáng tạo cho tranh Hàng Trống.
Bạn Nguyễn Cẩm Tú – Trưởng nhóm họa sĩ trẻ của dự án chia sẻ, các tác phẩm trưng bày trong triển lãm tương tác với nhau về hình ảnh, màu sắc, tạo hình và ý nghĩa của tranh dân gian Hàng Trống xưa. Các thành viên của nhóm đã học hỏi trực tiếp từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên để hiểu sâu về các khái niệm cơ bản, kĩ thuật sáng tạo, giúp cho các tác phẩm bám sát với nghệ thuật truyền thống.
Tác phẩm "Tôi đi học" của họa sĩ trẻ Trần Thị Hội |
Tác phẩm “Trông”, sơn mài trên vật liệu tái chế của 2 họa sĩ Trương Hoàng Hải và Nguyễn Thị Hoài Giang |
Sự kết hợp của thời trang hiện đại với họa tiết “Ngũ hổ” của họa sĩ Hoàng Thị Việt Hương |
Bằng sự đam mê, yêu nghệ thuật, nhóm họa sĩ trẻ của dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại.
Được biết, không chỉ dừng lại ở dòng tranh truyền thống Việt Nam, nhóm họa sĩ trẻ còn đang nghiên cứu và tìm hiểu về nghệ thuật tranh khắc gỗ Ukiyo-e của Nhật Bản và dự kiến sẽ ra mắt triển lãm vào cuối năm 2023.