Liên tục cháy vé, “Đào, Phở và Piano” có gì mà lại hot thế?
"Đức Đen" trong "Đào, Phở và Piano": Tự hào và biết ơn Việt Nam Những điều chưa biết về nam sinh châu Phi trong phim "Đào, Phở và Piano" |
TP.Hồ Chí Minh có “Mai”, Hà Nội có “Đào”
Không thể phủ nhận được truyền thông đã có ảnh hưởng rất nhiều tới sức lan tỏa của bộ phim “Đào, phở và piano”. “Đào, phở và piano” do đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng. Được lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, phim gây sức hút nhờ có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc với khán giả như: Doãn Quốc Đam, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực, Tuấn Hưng… và sự xuất hiện của một gương mặt trẻ vô cùng mới Cao Thị Thuỳ Linh.
Sở dĩ bộ phim ban đầu không hề có chiến dịch PR rầm rộ. So sánh với một bộ phim ra mắt cùng thời điểm đó là “Mai”của Trấn Thành, trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết chia sẻ về hình ảnh của “Mai”. Từ phía nhà sản xuất, họ cũng rất chú trọng vào việc quảng bá bộ phim trên các nền tảng mạng xã hội. Giữa lúc “Mai” đang có rất nhiều luồng ý kiến tranh cãi về nội dung, doanh thu,... thì “Đào” (Đào, phở và piano) xuất hiện và trở thành một hiện tượng truyền thông của nền phim điện ảnh nước nhà.
Tại rạp Trung tâm chiếu phim Quốc gia, dù đã tăng cường các suất chiếu ở nhiều khung giờ trong ngày, tuy nhiên do lượng khán giả quá đông, rạp đã phải cắt bớt 50% suất chiếu phim Mai để nhường chỗ cho “Đào, phở và piano”.
Sức nóng của bộ phim có vẻ vẫn chưa hề giảm dù đã ra mắt công chúng nhiều ngày |
Nhiều bạn trẻ chấp nhận xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ chỉ để có được tấm vé hot hit nhất lúc này. Không mua được vé của ngày hôm đó, nhiều người sẵn sàng mua vé của hai ba hôm sau. Bà Trần Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Toàn bộ vé trong ngày đều bán hết sạch, tôi muốn đi xem ban ngày thì phải mua vé của hai ngày tới mới có vé để xem…”
Tấm vé cho suất chiếu lúc 16h ngày 27/2 được bà Hương mua vào chiều ngày 25/2 (trước lịch chiếu 2 ngày) |
Các suất chiếu của phim “Đào, phở và piano” đã gần như được bán hết trong khi các phim khác vẫn còn khá nhiều |
“Rượu cũ, bình cũ” nhưng vẫn đủ... say
Có thể nói, từ nội dung, kỹ xảo thậm chí đến câu chuyện của “Đào, phở và piano” không có gì mới mẻ. Điểm khiến bộ phim được lòng khán giả có thể là do sự diễn xuất vô cùng tự nhiên, chân thực của dàn diễn viên đã quen thuộc nhiều năm với khán giả. Bộ phim còn nhiều thiếu sót về mặt kỹ xảo, âm thanh thế nhưng có lẽ do câu chuyện được lấy từ bối cảnh lịch sử có thật, cùng với mạch phim chậm mà chắc, mọi vấn đề trong phim đặt ra đều được giải quyết rất “gọn gàng”.
Các bạn trẻ Gen Z ngày nay bắt đầu có sự quan tâm nhất định đến những giá trị truyền thống, lịch sử. Hơn nữa, yếu tố tò mò cũng là một trong những điều giúp cho bộ phim liên tục cháy vé. Nhiều người với tâm lý sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó thú vị nên dù không hề thích dòng phim lịch sử, hay chả biết gì về bộ phim này cũng sẵn sàng ra rạp mua vé để xem.
Thêm một yếu tố làm cho bộ phim này được nhiều bạn trẻ ra rạp xem đến vậy là nhờ đến những video được lan truyền trên TikTok. Rất nhiều hình ảnh kèm review của nhiều khán giả được đăng tải như một sự kiểm chứng chân thực cho chất lượng của bộ phim. Điều này tạo ra một sự kích thích cho người xem khiến họ phải ra rạp để kiểm chứng thông tin xem liệu những lời review kia có đúng không.
“Cuộc chiến săn vé” vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng “khốc liệt” |
Rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến bộ phim “Đào, phở và piano” |
Nhiều bạn trẻ không thể săn được vé tại quầy mà phải đăng bài lên các hội nhóm tìm người sang nhượng lại vé. Thậm chí, họ còn chấp nhận mua giá cao hơn so với giá niêm yết hiện được bán tại quầy.
Nhìn chung, bộ phim tuy không phải là bom tấn của làng điện ảnh Việt Nam, nhưng nó cũng tạo ra một làn sóng truyền thông vô cùng mạnh mẽ mà trước giờ chưa có tiền lệ, đặc biệt là đối với những thể loại phim của nhà nước như này. Mức giá 50.000 đồng/vé cũng không phải quá cao để cho bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm được bộ phim.