"Đức Đen" trong "Đào, Phở và Piano": Tự hào và biết ơn Việt Nam

Những ngày đầu năm, bộ phim “Đào, Phở và Piano” đã tạo nên một “cơn sốt” trong cộng đồng giới trẻ Việt trong Nam ngoài Bắc. Người xem còn đặc biệt chú ý đến vai diễn người lính Pháp do chàng trai trẻ Oraiden Manuel Sabonete – “Đức Đen” (Mozambique) thủ vai. Tuy chỉ xuất hiện trong vài phân cảnh ngắn ngủi, nhưng cảm xúc chân thật từ từng cử chỉ, hành động đã gây ấn tượng mạnh với nhiều khán giả xem phim.
Những điều chưa biết về nam sinh châu Phi trong phim "Đào, Phở và Piano" "Cuộc đời vẫn đẹp sao" - bộ phim về những cuộc đời lam lũ bên sông Hồng

"Bỗng dưng" nổi tiếng

Theo học tại khoa Kỹ thuật điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Oraiden hay còn được mọi người biết tới với cái tên Đức hay “Đức Đen” đã sớm nhận được sự chú ý và yêu thương từ các thầy cô, bạn bè bởi tính cách dễ gần, thật thà. Có lẽ Oraiden Manuel Sabonete chẳng ngờ được một ngày tỉnh dậy lại đón nhận sự nổi tiếng ập đến quá nhanh chóng.

"Sau một đêm, nhiều người đã kết bạn, nhắn tin, và gọi điện thoại chúc mừng khiến mình rất “hoang mang”. Có người nói 'chị không đặt được vé, vé đã hết, làm thế nào để đặt vé được?'... Khi đến lớp, các bạn đồng học đã cất lên tiếng reo hò: 'Đức Đen, Đức Đen đã nổi tiếng rồi!” – Oraiden vui vẻ nói.

Oraiden Manuel Sabonete vào vai người lính Pháp trong bộ phim "Đào, Phở và Piano"

Đức tham gia bộ phim qua lời mời của một giáo viên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh chàng Mozambique cho biết bản thân được chọn vì cậu nói được một chút tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, phù hợp với yêu cầu cho vai diễn những người lính thuộc quân đội Pháp.

Chia sẻ về hành trình cùng đoàn làm phim “Đào, Phở và Piano”, “Đức Đen” nói: “Chà, đó là 5 ngày vất vả và có chút “hoảng hốt” với mình khi đột nhiên được tham gia làm việc cùng với đoàn phim và các diễn viên chuyên nghiệp”.

Oraiden cho biết, do bản thân không hề được đào tạo qua trường lớp diễn xuất nên cậu tương tác ban đầu với máy quay và các diễn viên khác trong phân cảnh là điều không hề dễ dàng. Cậu sinh viên ngoại quốc đã được đạo diễn Phi Tiến Sơn và những người anh, chị trong đoàn hỗ trợ hết mình trong từng cảnh quay. Bản thân dù vào vai diễn nhỏ, có những cảnh chỉ kéo dài khoảng 5 giây nhưng Oraiden và các bạn diễn phải thực hiện lại nhiều lần vì chưa đạt yêu cầu của đạo diễn.

"Để có bộ phim ra rạp thành công như hiện tại là rất nhiều công sức, tâm huyết, sự kết hợp từ đạo diễn, diễn viên, biên đạo múa, trợ lý, nhà sản xuất, và nhiều người khác. Mọi người đều kiên nhẫn giải thích cho các diễn viên “tay mơ” về bối cảnh trước mỗi set quay. Các anh, chị rất nhiệt tình hướng dẫn mình thể hiện cảm xúc, hành động ra sao để “khớp” với vai diễn. Từ những chi tiết rất nhỏ như ánh mắt, nét mặt hay cái cau mày giận dữ... đều được chú Phi Tiến Sơn yêu cầu rất tỉ mỉ, phải hoàn thành phân cảnh theo hướng tốt nhất có thể”.

Một phân cảnh trong phim

Tham gia một bộ phim với chất liệu lịch sử, Oraiden có phần lo lắng vì sợ sự thể hiện của bản thân không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đồng hành với cậu còn có trợ lý đạo diễn Nguyễn Uyên, người luôn kiên trì và sát sao để Đức và các bạn “Tây” khác cùng nắm được bối cảnh lịch sử, hiểu nó để đặt đúng cảm xúc cần thể hiện trong thước phim.

“Chị Uyên đã hỗ trợ mình và các bạn diễn rất nhiều. Chị không ngại chúng mình “tay mơ” mà chỉ dạy kĩ lưỡng về hình tượng nhân vật mọi người sẽ thủ vai cùng ý nghĩa của nó. Chị còn đứng ra thị phạm, diễn mẫu cho mình học theo. Ngoài ra, từng sinh hoạt hàng ngày trên phim trường,... đều có sự quan tâm của chị. Thật sự, mình rất biết ơn chị Uyên đã dìu dắt và tận tâm với mình và các bạn trong suốt khoảng thời gian đồng hành cùng đoàn phim Đào, Phở và Piano”.

"Nhận được sự quan tâm và tình cảm tốt đẹp từ nhiều người Việt Nam, mình cảm thấy rất vui và tự hào. Tự hào vì mình, một người con của châu Phi, người Mozambique da đen, được tham gia vào một bộ phim lịch sử của Việt Nam, từ đó giới thiệu hình ảnh của người Mozambique đến bạn bè trên toàn thế giới" - Oraiden chia sẻ.

Cảm xúc được khơi nguồn từ trang sử hào hùng

Khi “Đức Đen” đi đóng phim, nhiều người tò mò liệu một anh chàng ngoại quốc có hiểu về lịch sử Việt Nam để hóa thân trọn vẹn vào vai diễn không? Nhưng Oraiden đã làm mọi người ngạc nhiên khi “flex nhẹ” kiến thức lịch sử Việt Nam rất trôi chảy và cụ thể như một người Việt Nam thực thụ.

"Đức Đen" đã học về lịch sử Việt Nam từ năm lớp 8 tại Mozambique. Ngoài ra, tình yêu dành cho Việt Nam cũng "thôi thúc" anh chàng tự học thêm về lịch sử của dải đất hình chữ S.

Cậu sinh viên hào hứng chia sẻ: “Mình đã học lịch sử về Việt Nam tại Mozambique từ năm lớp 8. Dải đất chữ S hiện lên trong trí tưởng tượng là đất nước anh dũng, bất khuất với tinh thần rực lửa, đấu tranh vì chủ quyền và tự do dân tộc. Sau này, khi đến với Việt Nam, mình thấy đất nước này thật xinh đẹp và bình yên quá. Mọi người rất vui vẻ và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ, kết bạn với người ngoại quốc mà chẳng nề hà khoảng cách ngôn ngữ. Mình yêu một Việt Nam hào hùng trong lịch sử và cả một Việt Nam thân thiện, bình yên của thời điểm hiện tại như ngôi nhà thứ 2 của mình”.

Trong những ngày hòa mình vào bối cảnh trường quay của “Đào, Phở và Piano”, Oraiden cảm nhận một cảm xúc bồi hồi lặng lẽ khó giải thích mỗi khi nhập vai người lính Pháp. Dần dần qua các phân đoạn quay, Oraiden đã hiểu và bắt nhịp được với dòng cảm xúc đó.

Phân cảnh ấn tượng nhất đối với Oraiden trong bộ phim là khoảnh khắc nhân vật Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh đóng) sau khi chứng kiến cảnh hàng chục người nằm xuống dưới bão đạn của quân thù. Cô đã anh dũng cầm cây bom ba càng từ trên toa tàu điện nhảy về phía xe tăng, thành công kích nổ chiếc xe đang tiến vào bên trong thành và hy sinh trong màn lửa. Lúc ấy, nhân vật Văn Dân (Doãn Quốc Đam) cũng bị tiếng nổ làm văng xa. Cảm xúc bàng hoàng đến nghẹt thở và sự bi thương của phân cảnh đó đã hằn sâu trong tâm trí cậu sinh viên ngoại quốc.

Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh đóng) ôm bom ba càng lao mình từ trên nóc tàu điện thẳng vào xe tăng địch là một trong những phân cảnh "đắt giá" nhất của bộ phim

“Ngoài ra, còn là sự tự hào” – Oraiden nói – “Khi diễn vai người lính Pháp đối mặt với các nhân vật chiến sĩ Việt Minh, thông qua ánh mắt của các diễn viên mình đã thấy được ngọn lửa ấy. Nó chất chứa sự bi thương, buồn đau của mất mát nhưng cháy bỏng nỗi căm hờn, quyết tâm giành lại độc lập tự do cho quê hương. Bất kể là chiến sỹ hay chỉ là những người công dân Việt Nam bình thường cũng đều sẵn sàng cống hiến hết mình, thậm chí là cả cuộc đời phía trước cho Tổ quốc thân yêu" - Oraiden kể tiếp.

Cùng ăn, cùng ở với đoàn phim và các anh, chị diễn viên chuyên nghiệp, “Đức Đen” đã học được rất nhiều điều về lòng yêu nước và tinh thần kiên trung bất khuất của người Việt Nam. Lời kêu gọi “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn vang vọng trong tâm trí chàng sinh viên ngoại quốc. Đức hiểu tại sao đất nước nhỏ bé này sau bao âm mưu của bè lũ xâm lược vẫn trường tồn xinh đẹp đến ngày hôm nay.

Bức ảnh gây "hiểu lầm" cho hai phụ huynh của Oraiden tại quê nhà Mozambique

Oraiden cho biết, khi “Đào, Phở và Piano” ra mắt, cậu đã thông báo cho bố mẹ tại quê nhà. Khi con trai đóng phim và khoe ảnh phim trường, phụ huynh của anh chàng đã có một pha hiểu lầm cười ra nước mắt.

“Mình gửi cho bố mẹ ảnh mình mặc quân phục lính Pháp, tay cầm súng trường đứng cùng “đồng đội. Ngay lập tức, mẹ đã gọi điện lại với giọng điệu đầy lo lắng. Bà cho rằng mình đã “nhập ngũ” và đi “chiến đấu” tại Việt Nam. Cả hai đều yêu cầu mình về Mozambique ngay, không cho tham gia bất cứ hoạt động quân đội nào. Biểu cảm của bố mẹ lúc ấy vừa “mếu máo” lại vừa mắc cười. Mình cố giải thích và nín cười còn bố mẹ bắt mình về. Sau một hồi nghe mình giải thích và trấn an, nhị vị phụ huynh mới bình tĩnh xem lại ảnh con. Bố mẹ đã rất tự hào khi biết đến bộ phim và động viên mình phải cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước.

“Đào, Phở và Piano” đã mang đến cho mình rất nhiều trải nghiệm, kiến thức quý báu về đất nước và con người Việt Nam. Mình biết ơn những cơ hội mà Việt Nam mang đến cho mình và sẽ lấy đó làm động lực để tiếp tục học tập, làm việc tại Việt Nam lâu dài hơn nữa” - chàng sinh viên ngoại quốc chia sẻ.

Tùng Linh
Phiên bản di động