Làm rõ dấu hiệu hình sự tại dự án làng nghề Mai Hương
Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương (gọi tắt là làng nghề Mai Hương) tại xã Hương Lâm và xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang do Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội làm Chủ đầu tư trong quá trình triển khai đã bộc lộ hàng loạt sai phạm nhưng không bị ngăn chặn, xử lý nghiêm, gây bức xúc trong nhân dân.
Dự án chưa được giao đất, cho thuê đất nhưng Chủ đầu tư đã phân ra hàng trăm lô đất nền bán với giá từ 4 - 9 triệu/lô |
Dự án không tạo ra được cú "hích" phát triển kinh tế cho địa phương như kỳ vọng và cũng không tạo nên được một làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp như mục tiêu đề ra.
Nghiêm trọng hơn, Chủ đầu tư còn ngang nhiên xẻ dự án ra bán với mức giá từ 4 - 9 triệu đồng/m2 (gấp từ 20 - 40 lần so với giá đền bù - pv) với hàng trăm lô đất được rao bán công khai rầm rộ.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định vụ việc trên cho thấy sự yếu kém, tắc trách trong quản lý Nhà nước tại địa phương, nhất là ở cấp xã, huyện. Đây là dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng làng nghề vậy tại sao chính quyền địa phương lại để doanh nghiệp "lòe" người dân và khách mua đất như là dự án một khu dân cư?.
Luật sư Vi Văn Diện cho rằng Công an cần vào cuộc để làm rõ vi phạm hình sự tại dự án làng nghề Mai Hương |
Theo luật sư, đây là dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Hiệp Hòa là đơn vị thu hồi đất.
Việc chủ đầu tư tự đề ra chính sách đổi đất nông nghiệp lấy đất ở khi giải phóng mặt bằng rồi phân lô, bán nền khi chưa được Nhà nước giao, cho thuê đất là có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Do đó, UBND tỉnh Bắc Giang cần chỉ đạo Công an vào cuộc làm rõ các sai phạm của Chủ đầu tư để xử lý theo quy định.
"Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 2013, chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi dự án vì thực hiện sai mục đích sử dụng đất khi hô biến làng nghề thành đất ở đô thị và chính quyền sở tại cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu tránh bị "sa lầy" mất tiền oan" - Luật sự Diện nhấn mạnh.
Tổ chức, cá nhân nào đang làm ngơ cho hàng loạt sai phạm tại dự án này? |
Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh, Dự án làng nghề Mai Hương do Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư dù mới chỉ được giao đất làm hạ tầng cơ sở nhưng doanh nghiệp này đã ngang nhiên chia thành hàng trăm các lô đất nên để bán trong suốt một thời gian dài.
Trong vai khách hàng mua đất, nhân viên tư vấn của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư BĐS Bầu Trời (Sàn bất động sản SKYLAND) là đơn vị hợp tác đầu tư và phân phối độc quyền dự án "nổ" rằng có hàng trăm lô đất người mua tha hồ lựa chọn. Không những thế, nếu mua đất ở đây thì 3 tháng sau sẽ được cấp sổ đỏ với thời hạn 49 năm. Hết thời hạn thì Nhà nước không thể giải tỏa được vì tài sản trên đất rất nhiều và lúc đó người mua đất chỉ phải nộp cho Nhà nước tiền sử dụng đất khoảng 200 nghìn đồng một năm là tiếp tục được sinh sống(?).
Người dân và khách mua đất cần thận trọng tìm hiểu kỹ trước những lời quảng cáo của đơn vị phân phối dự án |
Theo tìm hiểu của PV, ngày 31/10/2014, ông Phạm Giang - Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang ký quyết định số 160/QĐ-SXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng làng nghề Mai Hương tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích 27,6ha. Trong đó, chia ra làm 14 loại đất như khu xưởng sản xuất mộc, cơ khí, sơ chế gỗ, đất cây xanh và đất giao thông, vỉa hè... với mật độ xây dựng tối đa từ 30 - 70%; tầng cao từ 2 đến 3,5 và cao nhất là 5 tầng.
Tuy nhiên, 2 năm sau, ngày 10/8/2016, ông Giang ký tiếp văn bản số 253/QĐ-SXD điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tại dự án này trên cơ sở căn cứ của UBND huyện Hiệp Hòa và của Chủ đầu tư dự án. Điều đáng nói, sau điều chỉnh thì diện tích đất công công, đất giao thông, vỉa hè đã giảm đi rất nhiều để tăng diện tích đất thương mại, dịch vụ.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Giang đã ký văn bản cho phép chủ đầu tư được phép xây dựng chiều cao từ 3 đến 5 tầng tại dự án làng nghề Mai Hương |
Cụ thể, khu xưởng sản xuất mộc từ 46.613m2 tăng lên 54.540m2; khu trưng bày, kinh doanh từ 36.253m2 tăng lên 64.040m2; khu sản xuất cơ khí từ 11.776m2 tăng lên 12.820m2. Một số loại đất khác giảm đi như đất giao thông, vỉa hè từ 93.425m2 giảm xuống còn 88.771m2; khu bãi đỗ xe từ 4.710 giảm xuống còn 2.189m2; khu sơ chế gỗ từ 12.603m2 giảm xuống còn 5.886m2 và một số loại đất khác.
Trước việc điều chỉnh quy hoạch như trên, một số người dân cho rằng việc giảm các diện tích đất công cộng, giao thông sau điều chỉnh là "mánh khóe" tạo điều kiện Chủ đầu tư tạo ra thêm được nhiều lô đất để bán.
Hiện trạng xây dựng tại dự án làng nghề Mai Hương |
Làm việc với PV, ông Đinh Văn Tưởng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Xây dựng số 1 Hà Nội khẳng định đơn vị thực hiện triển khai dự án án đúng theo các văn bản của cơ quan tỉnh Bắc Giang cho phép.Về vấn đề phân lô, bán nền với diện tích từ 70 - 180m2/lô thì ông Tưởng giải thích rằng do người dân chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ nên diện tích như vậy là phù hợp với thực tế, vừa với tài chính để người dân có thể mua được và vào làng nghề để sản xuất. Đối với các lô đất có diện tích 180m2 thì để các hộ có điều kiện làm mặt bằng kinh doanh sản phẩm.
Đối với việc xây dựng trong làng nghề thì ông Tưởng khẳng định rằng đã được Sở Xây dựng Bắc Giang phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và được phép xây 3,5 tầng và khu hành chính quản lý được xây cao 5 tầng(?).
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Giang có "vai trò" như nào trong dự án này? |
Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Chính - Phó chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa khẳng định đây là dự án phát triển làng nghề, không phải khu dân cư, đô thị. Đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa được phê duyệt ĐTM, chưa được UBND tỉnh cho thuê đất mà mới chỉ giao đất để làm hạ tầng nên tất cả các công trình xây dựng, giao dịch mua bán đất đều trái quy định.
Về tính pháp lý, dự án hiện nay mới được bàn giao đất cho doanh nghiệp để làm hạ tầng cơ sở, hồ sơ pháp lý dự án còn thiếu rất nhiều, do đó người dân cần hết sức thận trọng khi mua đất tại dự án này kẻo tiền mất tật mang" ông Chính nói thêm.
Thanh tra tỉnh Bắc Giang đang làm rõ những sai phạm tại dự án làng nghề Mai Hương |
Cũng theo ông Chính, UBND huyện đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư còn một số sai phạm như chậm tiến độ đầu tư, năng lực kém, thiếu vốn và có biểu hiện bán “lúa non”, tự ý cho thuê lại đất khi chưa đủ điều kiện quy định(?).
Để làm rõ , PV đã đặt lịch làm việc và liên hệ với lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Giang rất nhiều lần nhưng đều bị lãnh đạo Sở này "tránh mặt" không gặp và cung cấp thông tin với lý do bận họp và đi công tác(?).
Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh thanh lập tổ công tác liên ngành vào cuộc để làm rõ các sai phạm tại dự án.
(Còn nữa...)