Tàu thuyền neo đậu kín lòng sông khu giáp ranh Hà Nội - Phú Thọ - Vĩnh Phúc
Hà Nội đề nghị Phú Thọ phối hợp quản lý khai thác cát tại khu vực giáp ranh |
Bến thuỷ nổi trái phép tại ngã ba sông
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 1589/UBNDTNMT gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, UBND TP Hà Nội nhận được văn bản của UBND huyện Ba Vì báo cáo, phản ánh tình hình khai thác cát thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ khu vực giáp ranh huyện Ba Vì, thuộc địa bàn các xã Thái Hòa, Phong Vân.
Hàng chục phương tiện tải trọng lớn, chở đầy cát neo đậu tại bờ kè xã Cổ Đô - Ba Vì |
Theo báo cáo của huyện Ba Vì, tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng ở các vị trí trên diễn ra công khai, tấp nập. Hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. Các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động.
Vì vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh.
Hoạt động khai thác cát diễn ra suốt ngày đêm |
Ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô trong khoảng đầu tháng 5/2024, vị trí từ ngã ba sông Hồng - sông Lô tới chân cầu Vĩnh Thịnh, thường xuyên có hàng trăm tàu neo đậu, hút cát hoặc pha trộn cát, sỏi và bốc dỡ, chuyển tải cát, sỏi từ tàu nhỏ sang tàu lớn.
Quan sát từ vị trí xã Vĩnh Lại hoặc phường Minh Nông (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), hoặc xã Phong Vân, xã Cổ Đô, xã Thái Hoà (huyện Ba Vì, Hà Nội), xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), dễ dàng thấy những phương tiện tải trọng lớn di chuyển như mắc cửi trên sông, các tàu đều nặng trĩu cát vàng hoặc cát đen.
Tàu thuyền neo đậu làm ảnh hưởng tới giao thông, nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thuỷ |
Đáng chú ý hơn, giữa lòng sông xuất hiện nhiều tàu hoặc các ponton (pông-tông) kích thước lớn neo đậu. Các ponton này neo đậu cố định với vai trò bến nổi giữa sông, từ đó thực hiện hoạt động sàng lọc, pha trộn cát và bốc dỡ vào các tàu nhỏ để mang đi tiêu thụ.
Tàu neo đậu dưới chân cầu Vĩnh Thịnh - địa bàn huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc |
Neo đậu giữa lòng sông bốc dỡ cát - hình ảnh ghi nhận từ phía thị xã Sơn Tây |
Hiện tượng tập trung nhiều phương tiện khai thác cát, phương tiện thủy sang mạn, phương tiện mua hàng chờ đậu đỗ chờ lấy hàng lấn chiếm chiếm vào luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ luồng tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Nguy cơ ảnh hưởng đời sống người dân, thất thoát tài sản công
Ngày 13/5, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã phát đi văn bản cảnh báo về tình trạng sạt lún bờ kè và nứt vỡ nhà dân tại xã Phong Vân (huyện Ba Vì).
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, khu vực kè Phong Vân đoạn từ K2+200 đến K2+400 đê hữu Hồng, xã Phong Vân, huyện Ba Vì đang xảy ra tình trạng đá hộ chân kè bị xói lở, tạo thành vách đứng (cao trình đỉnh kè +16.5m, cao trình cơ kè +10.5m, cao trình mực nước tại thời điểm kiểm tra +2.1m).
Ông Lê Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết, địa phương đã nhiều lần xua đuổi các phương tiện neo dậu trái phép |
Trên đỉnh kè là khu dân cư xuất hiện các vết nứt song song với đường đỉnh kè. Các vết nứt trong khu vực vườn, tường rào và nhà dân cách đường đỉnh kè từ 15-20m, tổng chiều dài vết nứt khoảng 150m đi qua 9 hộ gia đình.
Tại xã Cổ Đô, như đã đề cập ở trên, hàng chục phương tiện thuỷ đóng cọc sắt, neo đậu sát bờ kè. Theo đại diện phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ba Vì, tình trạng neo đậu như vậy sẽ làm hư hỏng bờ kè, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai.
Dự án giá trị nhiều tỷ đồng nhằm gia cố kè Cổ Đô bảo vệ đê hữu Hồng, đoạn xã Cổ Đô (huyện Ba Vì). Ảnh Kim Văn |
Đáng chú ý, khu vực bờ kè xã Cổ Đô từng bị sạt lở nặng nề vào năm 2021 khiến thành phố Hà Nội phải công bố tình trạng khẩn cấp. Sau đó, ngân sách đã chi hàng chục tỷ đồng để kiên cố hoá bờ kè Cổ Đô. Công trình mới hoàn thành hơn một năm nhưng lại trở thành nơi neo đậu trái phép của các phương tiện.
Tàu cát neo đậu trái phép tại bờ kè xã Cổ Đô "gây sạt lở và ảnh hưởng đến các công trình đê kè" |
Báo cáo của UBND xã Cổ Đô cho biết, ngày 20/5/2024, chính quyền phối hợp với công an xã đã đi kiểm tra thực tế khu vực đê kè trên địa bàn xã Cổ Đô.
Thực tế cho thấy có tình trạng một số tàu bè vẫn tiếp tục neo đậu trái phép vào mái kè, cơ kè trên địa bàn xã Cổ Đô ở khu vực thôn Kiều Mộc, thôn Vu Chu gây sạt lở và ảnh hưởng đến các công trình đê kè trên địa bàn xã Cổ Đô.
Ông Đặng Việt Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết tại khu vực ngã ba sông Hồng và sông Đà giáp huyện Ba Vì hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng hơn 5 triệu m3 cát, công suất gần 250.000 m3/năm. Trong đó, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển khoáng sản Phú Đức, Công ty TNHH Tiến Nga, là các đơn vị được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh với các xã Thái Hòa, Phong Vân, thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc không cấp phép cho mỏ cát nào trên sông Hồng, đoạn giáp ranh với thành phố Hà Nội. |