Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà báo tâm trong, trí sáng, giàu tâm huyết

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có 30 năm trực tiếp công tác trong lĩnh vực báo chí tại một trong những cơ quan ngôn luận quan trọng nhất của Đảng. Song, trong ký ức của bạn hữu và đồng nghiệp, đồng chí luôn giữ tinh thần khiêm tốn, cẩn trọng và giản dị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cả cuộc đời vì nước, vì dân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tận tâm vì thế hệ trẻ Niềm tin và tình yêu lớn dành cho Hà Nội

Nghề báo vô cùng cao quý, nhưng gian khổ

Đại tá Đỗ Hữu Thọ (Báo Quân đội Nhân dân) từng có nhiều năm tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ông giữ vị trí Chủ tịch Quốc hội. Trong những chuyến công tác, với tư cách đồng nghiệp, Đại tá Thọ được lắng nghe tâm sự của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về nghề báo.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể rằng, ngay từ hồi học phổ thông, ông đã có sự yêu thích nghề làm báo. Lúc đó đồng chí chỉ nghĩ đơn giản là nghề báo "được bay nhảy", "được đi đây đi đó" nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, đồng chí càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà báo tâm trong, trí sáng, giàu tâm huyết
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp báo chí

Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp về đề tài: "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" với điểm tối ưu duy nhất của khoa đó. Cũng năm 1967, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là điều rất hiếm đối với sinh viên thời bấy giờ.

Ban đầu, nhà trường định giữ đồng chí lại làm cán bộ giảng dạy nhưng sau đó đồng chí bất ngờ được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Đây là điều khiến đồng chí Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn bất ngờ và không khỏi băn khoăn, lo lắng song với tinh thần đảng viên phải phục tùng mọi sự phân công của tổ chức, đồng chí đã vui vẻ nhận nhiệm vụ.

Thế nhưng, công việc ban đầu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng không phải là viết báo, biên tập các bài báo mà làm công tác tư liệu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà báo tâm trong, trí sáng, giàu tâm huyết
Ảnh sưu tầm.

"Thú thật là những ngày đầu tôi thấy nản vì công việc khô khan, đơn điệu. Tôi ngỏ ý muốn được làm công tác nghiên cứu và biên tập về lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng các đồng chí lãnh đạo trả lời là làm gì thì cũng phải làm tư liệu, bắt đầu từ tích lũy kiến thức. Tôi nghe thấy có lý và cố quen dần với công việc", đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể.

Từ đó, cùng với việc làm tư liệu, tích lũy thêm kiến thức và đồng chí đặt cho mình nhiệm vụ tập viết báo. "Viết xong cũng chưa dám gửi, đọc đi, đọc lại, sửa chữa mãi, vài tháng sau mới hoàn thành tác phẩm đầu tiên, đó là bài "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968”, đồng chí nhớ lại.

Sau bài báo đầu tiên ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tìm tòi viết thêm được khá nhiều bài báo mang tính chất nghiên cứu, được chuyển về làm công tác biên tập của Ban Xây dựng Ðảng.

Năm 1971, theo chủ trương chung, đồng chí được cơ quan phái đi thực tế dài hạn (1 năm) ở xã Phú Lãm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Trong một năm đi thực tế, đồng chí lao động như một xã viên hợp tác xã nông nghiệp, sinh hoạt trong đảng bộ của xã. Ở nhà dân, ăn chung với dân.

"Thực tế của người làm báo rất quan trọng", đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhủ tới các nhà báo như thế.

Nhà báo kỳ cựu và khiêm cung

Nhiều nhà báo lão thành đã từng công tác với đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng sản vẫn còn nhớ mãi hình ảnh người phóng viên, biên tập viên trẻ luôn mẫn cán với công việc.

Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc và đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề.

Có lần phát biểu trước các nhà báo ở Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói: "Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Phó Tổng biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bớt tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đại tá Thọ nhớ lại: "Tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong nhiều chuyến đi công tác, chúng tôi để ý cứ mỗi lần chuẩn bị phỏng vấn, với đối tượng là các nhà báo nước ngoài, đồng chí chuẩn bị khá kỹ lưỡng, trả lời thận trọng, thỉnh thoảng xen vào những câu hài hước làm người hỏi thích thú. Nhưng với các phóng viên chuyên trách khi phỏng vấn thì đồng chí luôn coi chúng tôi là đồng nghiệp. Đã nhiều lần đồng chí “chữa” lại câu hỏi cho chúng tôi “Theo tôi thì nên hỏi thế này”, đồng chí nhắc nhở chúng tôi như vậy".

Sau những chuyến đi công tác ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường dành thời gian cho nhóm phóng viên chuyên trách phỏng vấn. Thông thường đồng chí trả lời trực tiếp cho các báo, đài ghi âm, ghi hình. Đến khi kết thúc, đồng chí hay hỏi thêm “Mình trả lời như vậy có ổn không?”.

Là một nhà báo giỏi nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn khiêm tốn trong nghề. Giới báo chí cả nước nhớ mãi hình ảnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp báo ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

“Đại hội vừa bế mạc, tôi chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm với anh em các đoàn và tới đây ngay để tham dự cuộc họp báo, vì vậy cảm giác của tôi lúc này là hồi hộp”, đồng chí vui vẻ mở đầu cuộc trò chuyện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Báo Nhân Dân nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh DUY LINH)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Báo Nhân Dân nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh DUY LINH)

Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng sáng 1/2/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thời điểm đó chia sẻ: "May mắn 30 năm làm báo, nhưng là làm tạp chí, tôi “mon men” làm quen, được biết tư duy, phương pháp làm việc của nghề báo. Cảm ơn các anh các chị, Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp.

Dùng chữ “rất tốt đẹp” là cân nhắc lắm, rất vui mừng phấn khởi, dự nhiều đại hội thì thấy đại hội này thành công nhất cả về nội dung, hình thức, lề lối làm việc".

Cũng tại cuộc họp báo này, Tổng Bí thư cho biết đồng chí xuất thân từ một người làm báo, rèn luyện và trưởng thành từ một nhân viên tập sự, rồi làm công tác tư liệu trước khi viết báo và đảm đương cương vị Tổng Biên tập (Tạp chí Cộng sản). Bởi lý do đó, đồng chí nắm được tư duy và phương pháp của người làm báo và cũng biết được sự trăn trở, suy tư của người làm báo để có được một tác phẩm báo chí tốt và kịp thời phục vụ công chúng.

Tin tưởng vào sự trưởng thành của báo chí nước nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, báo chí sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các tầng lớp Nhân dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của mỗi người dân đất Việt.

Link bài gốc

Copy link

Vũ Cường
tuoitrethudo.vn
Phiên bản di động