Dự án du lịch biển Tiên Trang: Một nét bút hạ xuống, gần 300 hec-ta rừng "biến mất"
Xuất hiện sương mù dày ở TPHCM, nhà cao tầng "biến mất" khỏi tầm nhìn |
Quy hoạch "chạy theo" dự án?
Ngày 26/10, trong buổi làm việc giữa phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô với ông Lê Đình Khoa, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá, phóng viên được ông Khoa cung cấp hàng loạt các căn cứ, tài liệu về quá trình hình thành, triển khai khu du lịch biển Tiên Trang.
Theo những tài liệu đó, quy hoạch đô thị ở vùng biển Tiên Trang đã được UBND tỉnh Thanh Hóa lập từ những năm 2004. Đến năm 2008, dự án được chuyển giao cho công ty SoTo với tên Dự án đô thị du lịch sinh thái Tiên Trang trên diện tích mấy chục hec-ta ven biển các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương).
Ông Lê Đình Khoa (Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) trao đổi về dự án Khu đô thị sinh thái biển Tiên Trang |
Thực tế, năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chấp thuận giao diện tích rừng này cho công ty SoTo. Cụ thể, ngày 2/3/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã ký Quyết định 616/QĐ-UBND “về việc thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi huyện Quảng Xương”. Quyết định nêu rõ: “Cho phép SoTo chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích chuyển đổi 425.604m2 do SoTo chuyển nhượng từ cá nhân và 23.027m2 thu hồi từ UBND xã quản lý”.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy, cũng trên một diện tích rộng lớn đó, cũng đang tồn tại một quy hoạch khác, đó là quy hoạch rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương.
Theo Quyết định 2755/2007/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006-2015. Riêng diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch tại huyện Quảng Xương là 467,70 ha. Trong đó, diện tích hiện tại đã có rừng là 268,70 hec-ta, diện tích chưa có rừng là 199 hec-ta.
Rừng ven biển tại Quảng Xương vẫn còn rất nhiều. Ảnh chụp cuối tháng 11/2022 |
Sự bất thường này đã được tỉnh Thanh Hoá hợp thức bằng một quyết định "xoá sổ" 300 hec-ta rừng phòng hộ tại huyện Quảng Xương vào năm 2017. Theo Quyết định số 3230/QĐ-UBND (phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng ở tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2025) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền ký ngày 29/8/2017, quy hoạch rừng phòng hộ của huyện Quảng Xương chỉ còn có 64,28 hec-ta. Đáng chú ý, diện tích 64,28 hec-ta này đều là rừng trồng mới. Còn diện tích 268,70 hec-ta đã có rừng (theo quyết định 2755) đã hoàn toàn "biến mất". Nói cách khác, chỉ bằng một quyết định, tỉnh Thanh Hoá đã "đốn hạ" gần 300 hec-ta rừng phòng hộ.
Có mặt tại Quảng Xương vào cuối tháng 11/2022, phóng viên ghi nhận diện tích rừng phòng hộ ven biển vẫn còn rất lớn, dày đặc. Đây từng là nguồn sống của người dân địa phương, cũng là diện tích rừng có ý nghĩa quan trọng về môi trường, an sinh xã hội. Ông Lê Văn Thịnh (thôn Thạch Bắc, Quảng Thạch, Quảng Xương) buồn bã nói: "Bao nhiều đời nay, người dân chúng tôi sống nhờ vào rừng phòng hộ. Đó là nơi chắn sóng chắn bão, giữ bình yên cho mái nhà của người dân biển. Hơn nữa, rừng còn là nơi chúng tôi neo đậu bè mảng, phục vụ trực tiếp cho cuộc sống đánh bắt hải sản. Đến nay, tỉnh ra quyết định xoá rừng, chúng tôi không biết phải sống như thế nào".
Mốc giới dự án ở đâu?
Đến hiện tại, người dân địa phương cho biết, chính họ còn không biết dự án Đô thị Du lịch Tiên Trang được quy hoạch từ đâu đến đâu, không được cắm mốc giới rõ ràng, không một lần được chính quyền công bố, những thông tin họ biết chỉ là truyền đạt bằng miệng.
Người dân biết trọng tâm chính của dự án này diễn ra tại xã Tiên Trang. Còn mở rộng tới chỗ nào thì không ai biết. Tại xã Quảng Thạch, người dân và đến bản thân Chủ tịch UBND xã hiện nay là ông Nguyễn Đức Tại không biết là ở địa phận mình quản lý tồn tại dự án gì? Quy hoạch gì? Có phải là quy hoạch dự án Tiên Trang hay không?
Diện tích rừng phòng hộ tại Quảng Xương là 427 hec-ta theo quyết định 2755 (trái). Quyết định 3230 (phải) cho rằng diện tích rừng phòng hộ của Quảng Xương chỉ có 64 hec-ta |
Khoản 3 Điều 19 Pháp lệnh "Thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn" của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội nêu rõ, người dân có quyền tham gia ý kiến trước khi cơ quan thẩm quyền quyết định về "Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch khu dân cư".
Như vậy, về góc độ pháp lý, xã hội, có thể thấy, việc người dân Quảng Thạch, Tiên Trang không biết quy hoạch "Khu đô thị sinh thái Tiên Trang", thì bản chất quy hoạch này đã không đúng pháp luật. Ông Lê Văn Viện (thôn Tiên Thắng, xã Tiên Trang) nói như đinh đóng cột: "Chúng tôi sống ở đây trước khi SoTo bắt đầu xin làm dự án du lịch, cho đến nay, chúng tôi vẫn ở đây. Tôi có thể khẳng định rằng chính quyền chưa bao giờ lấy ý kiến của người dân liên quan đến quy hoạch khu du lịch biển Tiên Trang". Bà Nguyễn Thị Tâm (ở thôn Thạch Bắc, xã Quảng Thạch), ông Đinh Văn Nhạy (cũng ở Thạch Bắc) đều chia sẻ quan điểm này.
Một thực tế cho thấy, chính vì quy hoạch dự án này còn chưa rõ ràng, mốc giới chưa được cắm, dễ thấy chính những điều đó đã làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy. Mà thực tế cho thấy, tình trạng khiếu nại, kiến nghị các vấn đề về đất đai trên địa bàn huyện Quảng Xương đang ngày một nở rộ và kéo dài. Ông Nguyễn Đức Tại, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: "Là cấp chính quyền cơ sở, chúng tôi rất đau đầu khi "trên đe, dưới búa". Người dân có nhu cầu chính đáng là xây dựng nhà cửa trên mảnh đất của họ. Còn cấp trên thì bảo cấm - nhưng cấm thế nào, tại sao cấm, cấm từ chỗ nào đến chỗ nào, lại không chỉ rõ! Vì thế, người dân kiện cáo, đơn từ gây mất ổn định là chuyện đương nhiên".
Có thể thấy, quy hoạch khu du lịch sinh thái biển Tiên Trang chưa rõ ràng, nhiều vấn đề còn phải làm rõ. Vì thế, dư luận có lý khi đặt ra nghi ngờ: Quy hoạch đô thị Tiên Trang liệu có đúng pháp luật hay chỉ phục vụ lợi ích nhóm?