Suối Khe Sào bị “bức tử”: Lực lượng chức năng lấy 6 mẫu nước đi kiểm tra
Thanh Hoá: Giả vờ mua điện thoại rồi cướp tài sản bỏ chạy Thanh Hóa vượt kỷ lục thu ngân sách trong nửa đầu năm 2024 Công bố Quy hoạch 1/2.000 KCN phía Tây TP Thanh Hóa |
Liên quan đến vụ việc dòng suối Khe Sào bị “bức tử” khiến cá chết hàng loạt, ông Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đây là lần thứ 2 chính quyền nhận được phản ánh của người dân về việc trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt làm ảnh hưởng nguồn nước và khiến cá ở suối chết.
Dòng suối Khe Sào chảy qua đoạn thôn Lâm Sinh bị ô nhiễm nặng với màu nước đen ngòm, sửi bọt. |
Cũng theo ông Hùng, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An về việc trang trại chăn nuôi lợn Tâm Việt làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân tỉnh bạn, xã đã có ý kiến phản ánh lên huyện và ngay trong ngày 5/7 chính quyền sở tại của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, cùng người dân đã có buổi kiểm tra thực tế và biên bản được lập xong lúc 13 giờ cùng ngày với đầy đủ các thành phần tham gia.
Kiểm tra thực tế, tại thời điểm trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt đang nuôi 12.000 con lợn (12 chuồng nuôi lợn thịt, 6 chuồng nuôi lợn nái, lợn đực); đã đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 450m/ngày đêm, hệ thống đang vận hành, hoạt động, gồm (4 hố thu phân, 2 hầm biogas, 1 trạm xử lý hóa lý kết hợp vi sinh, 1 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố.
Ngày 5/7, lực lượng chức năng của 2 tỉnh đã có mặt tại trang trại chăn nuôi lợn Tâm Việt để kiểm tra, lấy mẫu nguồn nước. |
Theo báo cáo, tổng lượng nước thải về hệ thống xử lý khoảng 200 - 250m/ngày đêm. Khảo sát một số vị trí trên tuyến Khe Sào tại xã Nghĩa Yên cho thấy, nước có màu nâu màu cánh dán, trên bề mặt nước có váng; một số vị trí có vài xác cá bị chết.
Cùng với đó, cơ quan chức năng của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cũng đã lấy 6 mẫu nước, gồm 2 mẫu nước thải của trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành; 4 mẫu nước mặt (2 mẫu nước khe Sào phía địa phận tỉnh Nghệ An; 1 mẫu nước Khe Sào, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa gọi là suối Tổng Kho, phía trên trang trại và 1 mẫu khe từ phía trang trại thải ra suối).
Mẫu nước vàng khè, đục ngầu được người dân lấy tại dòng suối Khe Sào. |
Sau khi kiểm tra thực tế và chờ kết quả phân tích các mẫu nước để xác định Khe Sào có bị ô nhiễm hay không, đoàn kiến nghị và yêu cầu Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt phải gia cố bờ bao ao sinh học cuối cùng hiện đang chứa nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo chống thẩm thấu, chống rò rỉ nước thải ra môi trường, thời gian khắc phục trước ngày 5/8/2024. Báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND huyện Như Xuân để theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt phải lắp đặt biển báo, chỉ dẫn điểm xả nước thải từ trang trại ra môi trường; lắp đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải ra môi trường, nước tuần hoàn tưới cây, nước tái sử dụng; lắp công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải.
Cùng với đó, công ty phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là biện pháp xử lý nước thải theo nội dung Giấy phép môi trường số 163/GP- UBND ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho công ty; khẩn trương rà soát, hoàn thành vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải.
Cũng tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra 2 tỉnh đề nghị UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã có liên quan giám sát việc thực hiện các nội dung nêu trên đối với Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt bắt đầu hoạt động chăn nuôi từ tháng 11/2023, hiện nay vẫn đang trong thời gian thử nghiệm.
Thanh Hoá: Giả vờ mua điện thoại rồi cướp tài sản bỏ chạy |
Thanh Hóa vượt kỷ lục thu ngân sách trong nửa đầu năm 2024 |
Công bố Quy hoạch 1/2.000 KCN phía Tây TP Thanh Hóa |