Hết cửa lợi ích nhóm tại các dự án "đổi đất lấy hạ tầng"
Thanh toán tài sản công cho Dự án BT phải theo nguyên tắc ngang giá |
Đó là thông tin được ông La Văn Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết tại buổi họp báo chuyên đề về Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là Dự án BT).
Tại buổi họp báo, ông Thịnh đã giới thiệu về một số nội dung mới được quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP (Nghị định 69). Trong đó, điểm đáng chú ý là, so với quy định hiện hành về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT, ngoài cơ chế thanh toán bằng quỹ đất được kế thừa từ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, Nghị định 69 quy định bổ sung thêm việc sử dụng một số loại tài sản công khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Cụ thể, các tài sản công được sử dụng để thanh toán bao gồm: Quỹ đất; Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Cũng theo ông Thịnh có 6 nguyên tắc sử dụng tài sản công thanh toán Dự án BT.
Theo đó, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải đảm bảo: Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng; Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Theo đó: Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; Giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
Ngoài ra, thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư; Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Hơn nữa, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ chấm dứt kể từ thời điểmcơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Cuối cùng, việc giao tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Đặc biệt, theo ông Thịnh, Nghị định 69 sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại tại các Dự án BT trong thời gia qua và ngăn chặn được tình trạng thất thoát tài sản công. Nói cách khác với các quy định chặt chẽ tại Nghị định 69 thì các bất cập không có cơ hội phát sinh.
Mặt khác, để tránh việc nhà đầu tư cố tình lập dự án BT để lấy đất, trụ sở làm việc, ông Thịnh cho biết, trước khi muốn thực hiện dự án BT để được thanh toán bằng quỹ đất, nhà đầu tư phải đảm bảo dự án được lập theo mô hình nào, và phải thông qua đấu thầu rộng rãi, chưa kể trong một số trường hợp muốn sử dụng đất hoặc tài sản công để thanh toán, dự án đó phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, Nghị định 69 có hiệu lực từ ngày 1/10/2019 và trực tiếp thực hiện ngay, không cần thông tư hướng dẫn.