Hướng dẫn viên du lịch dần hồi sinh sau Covid-19
Một tuần có 1 - 2 tour
Anh Phạm Thành Long (27 tuổi, trú TP.HCM), hướng dẫn viên (HDV) du lịch Công ty Vietravel, cho hay sau khi hết giãn cách xã hội, các chương trình kích cầu du lịch nội địa với nhiều ưu đãi được người dân hưởng ứng, công việc hiện tại của anh được phục hồi 50 - 60%. “Mỗi tuần tôi tham gia 1 - 2 tour (chuyến), số ngày làm việc từ 15 - 20. Thu nhập đủ sống. So cùng kỳ năm ngoái thì chưa bằng, nhưng so với lúc nghỉ dịch đã là rất hạnh phúc”, anh Long kể.
ảnh minh họa |
Trong khi đó, thạc sĩ Hoàng Phó Trình, giảng viên Khoa Du lịch - nhà hàng - khách sạn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đồng thời hợp tác với công ty lữ hành trong vai trò là HDV du lịch, cho hay nhiều bạn trẻ làm nghề chưa thể sống được bằng nghề trong thời điểm hiện nay. “Ở một công ty du lịch tôi hợp tác, nếu như năm ngoái, 6 tháng đầu năm họ đạt 600 tour, thì năm nay từ tết đến giờ chỉ có khoảng 100 tour, trong khi lượng nhân viên rất lớn, có người một tháng chỉ đi 1 - 2 tour. Một số công ty lữ hành lớn điều phối đội ngũ nhân viên nội địa, quốc tế, ai cũng được đi tour để anh em đều có việc làm. Còn lại, một số bạn đồng nghiệp của tôi bây giờ chạy Grab, làm bảo vệ ngân hàng, bán hàng online…”, thạc sĩ Trình nói.
Mong lắm cảnh “cháy” tour guide
Đó là tâm sự của nhiều bạn trẻ. Anh Đinh Khắc Tùng, 25 tuổi, trú Hà Nội, HDV du lịch tự do, nhận cả khách quốc tế tới Việt Nam và khách nội địa tới Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết bằng giờ này năm ngoái, cảnh “cháy” tour guide thường xuyên xảy ra ngay trong các ngày thường. “Chúng tôi còn nhớ có hôm 2 giờ sáng thì trả hết khách, ngủ vài tiếng thì lại nhận thêm khách cho tour mới”, anh Tùng kể.
Nhưng năm nay thì không “cháy” nữa, cả cuối tuần. Không chỉ ít tour hơn, sau Covid-19, hành vi tiêu dùng của du khách cũng thay đổi, tâm lý tiết kiệm hơn, dự phòng cho tương lai càng khiến mọi người dè dặt hơn khi sử dụng các dịch vụ tại điểm đến.
Theo anh Tùng, thời điểm này các HDV trẻ như anh đều chịu khó làm việc, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập. “Bài học xương máu khi thất nghiệp trong Covid-19 càng khiến tôi không cho phép mình lãng phí sức trẻ, còn được làm việc, tạo ra thu nhập là tôi sẽ tận dụng thời gian rảnh rỗi”, anh Tùng chia sẻ.
Thạc sĩ Hoàng Phó Trình cho biết bên cạnh thời gian dành cho gia đình, tận dụng đợt không có việc làm do dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ tự học ngoại ngữ, đọc sách cập nhật kiến thức, xem lại mình có chọn lựa nghề đúng, cần nâng cao kỹ năng gì để làm nghề tốt hơn.