Google lần đầu vinh danh ca trù của Việt Nam
Kỷ niệm 10 năm dân ca quan họ, ca trù được UNESCO vinh danh Bắc Ninh: Nhiều chương trình chào mừng Quốc khánh 2/9 Sắc màu Việt Nam bừng sáng trong Lễ hội các dân tộc thiểu số tại Séc |
Hình đại diện tạm thời trên google.com.vn ngày 23/2, miêu tả một chầu hát ca trù Việt Nam |
Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Hát ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam , kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn là đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Ca trù được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cộng với một số trò diễn và múa dân gian. Ca trù lúc khởi thủy cũng như trong một thời gian khá dài là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhạc, thơ, múa và trò diễn. Chính vì vậy độc đáo của ca trù chính là sự phối hợp đa dạng, tinh vi, nhuần chuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa.
Hầu hết các loại hình nhạc cổ Việt Nam đều có sự phối hợp giữa thơ và nhạc như: vè, đồng dao có thơ 3, 4 chữ, các bài hát ru, hò, lý, các làn điệu chèo thường là thơ lục bát, lục bát biến thể hay song thất lục bát. Không chỉ có vậy, ca trù là một loại nhạc thính phòng, như ca Huế miền Trung, ca Tài tử miền Nam. Nhưng trong các loại nhạc thính phòng này, bài ca có những nét nhạc cố định, nếu đặt lời mới cũng phải tuân theo nét nhạc đó, còn ca trù giai điệu không cố định mà tùy theo thanh giọng của lời thơ, vì vậy mà trong các bài Gửi thư, Hát ru, Bắc phản, Mưỡu… có những giai điệu khác nhau, cùng một thể hát nói nhưng có rất nhiều bài. Mỗi loại thơ đều có nét nhạc và tiết tấu đặc biệt tạo ra nhiều thể trong ca trù.
Đặc biệt trong ca trù thanh nhạc và khí nhạc đi song song với nhau và mỗi loại đều có nét đặc thù. Về thanh nhạc, ngoài hát tuồng có những kỹ thuật phong phú và độc đáo còn các bộ môn ca nhạc cổ truyền khác đều không có kỹ thuật thanh nhạc phức tạp, tinh vi như ca trù. Thể hiện rõ nhất là khi đào nương cất tiếng hát, kỹ thuật hát rất điêu luyện, không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ. Hát trong cửa đình không cần ngân nga. Hát chơi có cách đổ hột, đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người.
Trong ca trù bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc cũng hết sức quan trọng và đặc biệt. Khí nhạc gồm: cỗ phách, đàn đáy, và trống chầu. Cỗ phách chỉ là một thanh tre hay một mảnh gỗ gọi là bàn phách và hai chiếc dùi gỗ là phách cái và phách con. Gõ hai dùi vào cỗ phách tạo nên tiếng trầm tiếng bổng, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục, tiếng dương, tiếng âm...Người biểu diễn cũng hết sức nhịp nhàng, tay cầm phách cái, phách con, tay đưa lên cao, tay đưa xuống thấp uyển chuyển như múa.
Không thể không nói đến một loại nhạc cụ quan trọng, đó là đàn đáy được dùng trong ca trù. Thùng đàn hình chữ nhật hay hình thang, mặt đàn bằng cây ngô đồng, có mặt mà không có đáy, cần rất dài, gắn 10 hay 11 phím bằng tre rất cao, phím đầu ở ngay giữa bề dài của dây đàn. Đàn mắc 3 dây tơ, có cách nhấn khác thường, tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, lúc chân phương khi dìu dặt, dễ đi vào lòng người.
Năm 2009, Ca trù đã được Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Đúng 00h ngày 23/2, nhằm ngày giỗ tổ nghiệp ca trù, google lần đầu tiên tôn vinh loại hình truyền thống đặc sắc này của Việt Nam bằng biểu tượng đặc biệt thay thế tạm thời trên trang chủ google.com.vn.
Biểu tượng minh họa một chầu hát điển hình với 3 thành viên: nữ ca sĩ còn gọi là đào hay ca nương vừa sử dụng kỹ thuật chơi cột hơi và ngân rung để tạo ra thanh âm độc đáo theo lỗi hát thơ, vừa gõ bộ phách lấy nhiẹp, một “kép” nam đệm đàn đáy và một “quan viên”, thường là tác giả bài hát, đánh trống chầu.