Nghệ thuật truyền thống tìm lối đi riêng trong dòng chảy đương đại

Bài 2: Mò mẫm tìm lối ra cho nghệ thuật truyền thống

Dù đã có nhiều cố gắng, tại Hà Nội, các bộ môn nghệ thuật cổ truyền vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn trong việc tiếp cận công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cũng chính từ trong khó khăn ấy, chúng ta thấy rõ hơn giá trị cần được gìn giữ. Bởi nghệ thuật cổ truyền, dù đang ở một thời điểm thử thách, vẫn là cội nguồn tinh thần của dân tộc, là ngọn lửa nhỏ thắp sáng căn cước văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của cả đất nước Việt Nam.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Uy linh Thánh Mẫu Tiên La”

Miệt mài tìm khán giả

Hồi cuối năm 2024, trong khuôn khổ sự kiện “Tết làng Việt” quy tụ nhiều vị đại sứ và bạn bè quốc tế diễn ra tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), sự xuất hiện của các diễn viên Nhà hát tuồng Việt Nam đã mang đến nét chấm phá đặc sắc. Trong không gian thiêng liêng tại đình làng Mông Phụ, du khách thích thú khi các nghệ sỹ trình diễn các tiết mục đậm tính truyền thống, vừa nghiêm trang lại đầy cảm xúc.

Các nghệ sỹ nhà hát tuồng Việt Nam biểu diễn tại làng cổ Đường Lâm
Các nghệ sỹ nhà hát tuồng Việt Nam biểu diễn tại làng cổ Đường Lâm

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nghệ sỹ Lộc Huyền, Trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam, cho hay: Bên cạnh những vở diễn chính thức tại nhà hát, các chương trình biểu diễn tại đình làng Mông Phụ, hay đền Kim Liên (quận Đống Đa) ... là sáng tạo mới của các nghệ sỹ tuồng nhằm đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến với khán giả.

“Từ bao đời nay, tuồng luôn giữ một vai trò quan trọng trong bức tranh nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Tuy vậy, với sự thay đổi của thời đại và những làn sóng văn hóa nghệ thuật mới, sự quan tâm của khán giả nhất là giới trẻ với nghệ thuật tuồng ngày một phai mờ”, nghệ sỹ Lộc Huyền rầu rĩ nói.

Nghệ sỹ Lộc Huyền, người luôn trăn trở để đưa tuồng đến với công chúng
Nghệ sỹ Lộc Huyền, người luôn trăn trở để đưa tuồng đến với công chúng

Theo ông Tạ Văn Sốp, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, còn nhiều nguyên nhân khác khiến công chúng “lạnh nhạt” với nghệ thuật truyền thống này. Ông Sốp phân tích: “Tuồng là nghệ thuật sân khấu mang tính bác học và ước lệ rất cao. Từng hành động, diễn xuất của diễn viên đều trở thành quy ước, quy tắc. Ông lấy ví dụ, chỉ với 4 - 5 người cầm trên tay roi mây, tạo động tác cưỡi ngựa chạy trên sân khấu, một phân cảnh về đoàn quân Mông Nguyên hung bạo đã được tái hiện. Đồng thời, đa số câu chuyện trong tuồng là những câu chuyện “kinh bang tế thế”, có nguồn gốc từ tích cổ… Những điều này không phải ai cũng biết và có thể hiểu được. Các bạn trẻ không biết câu chuyện là gì, nhân vật là ai, diễn viên đang diễn gì... thì không hiểu được tuồng. Không hiểu thì không thể biết được cái hay của tuồng và không thể yêu tuồng”.

Chính vì lẽ đó, nghệ thuật tuồng phải tự thay đổi chính mình nhằm đáp ứng được yêu cầu của đời sống và thị hiếu khán giả hiện đại. Đồng thời, những người làm nghệ thuật cần có cách thức đưa tuồng đến gần hơn với công chúng, cho người xem thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của nghệ thuật truyền thống.

Tập luyện để chuẩn bị cho màn trình diễn ấn tượng trước khán giả
Tập luyện để chuẩn bị cho màn trình diễn ấn tượng trước khán giả

Không chỉ nghệ thuật tuồng, mà các loại hình biểu diễn truyền thống khác của Hà Nội như xẩm, ca trù, rối nước, rối cạn, chèo tàu, trống quân, múa trống bồng, múa hát Ải Lao… cũng đang loay hoay tìm kiếm khán giả.

Vài năm trở lại đây, trong khuôn khổ hoạt động của các sự kiện văn hóa tổ chức trên phố đi bộ, hay tại các di tích trong khu phố cổ Hà Nội, công chúng có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian qua các màn múa cổ, những buổi biểu diễn ca trù, hát xẩm, hát chèo tàu… Nhưng hiệu quả chủ yếu là nghệ thuật múa rối nước. Múa rối nước thu hút du khách, chủ yếu là khách quốc tế, bởi sự giản dị trong cách tạo ra các nhân vật và trong cách biểu diễn.

Còn các loại hình, thể loại khác như chèo, cải lương, tuồng.. là các thể loại sân khấu có nhiều nghệ sĩ tham gia trình diễn, các gói dịch vụ có thể gồm các trích đoạn nhỏ, dễ hiểu, có nhiều động tác múa, giao tiếp bằng các trích đoạn ngắn, đơn giản, nội dung thú vị, hài hước, trong khoảng thời gian từ 5-10 phút để du khách dễ dàng hiểu được nội dung mà không cần thông qua biên dịch, phiên dịch… nhưng vẫn vắng khách.

Nghệ sĩ múa rối nước Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: Múa rối nước là nghệ thuật độc đáo trên thế giới, dù nhiều nước có các loại hình múa rối nhưng riêng rối nước chỉ có ở Việt Nam và Hà Nội là địa phương có nhiều phường rối nhất, với 5 phường. Không chỉ là trò biểu diễn mà rối nước còn như một sứ giả văn hóa mang văn hóa Việt đến tất cả các châu lục. Hiện nay, giới trẻ có chiều hướng quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, trong đó có rối nước. Nhiều hoạt động sáng tạo cũng được khai thác từ nghệ thuật rối nước như: Tạo hình rối nước, vẽ tranh, vẽ lên áo phông các con rối nước tạo sự độc đáo, hấp dẫn.

Thắp sáng căn cước văn hóa của Thăng Long

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, ở Hà Nội, các địa điểm khai thác nở rộ mang tính chất tự phát là chính. Các sản phẩm dàn dựng phần lớn chưa đáp ứng được khả năng phục vụ du khách, thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính chuyên nghiệp. Các đơn vị khai thác hoàn toàn chủ yếu là từ phía nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Còn các công ty lữ hành thì dựa vào những chương trình sẵn có để lồng ghép xem biểu diễn vào trong gói tour du lịch, mà chưa có sự nghiên cứu kĩ lưỡng và cùng bắt tay với ngành nghệ thuật biểu diễn để lên kế hoạch cụ thể, mang tính chiến lược lâu dài.

Biểu diễn nghệ thuật ca trù tại Hoàng thành Thăng Long
Biểu diễn nghệ thuật ca trù tại Hoàng thành Thăng Long

Bên cạnh đó, trong các tour du lịch ở Hà Nội, phần lớn các công ty lữ hành chưa đưa loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trở thành sản phẩm du lịch chủ yếu, chưa chú trọng tạo ra những sản phẩm đặc trưng như những tour tham gia chương trình nghệ thuật truyền thống, tour du lịch làng nghề.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho rằng, trong vài chục năm trở lại đây, các loại hình nghệ thuật cổ truyền như ca trù, xẩm, chèo, tuồng đã và đang nỗ lực tìm lại vị trí của mình trong đời sống đương đại.

“Chúng ta có thể thấy một tín hiệu đáng mừng là sự trở lại âm thầm nhưng kiên cường của những giá trị truyền thống ấy, thông qua các liên hoan nghệ thuật, lớp truyền dạy, và sự nhập cuộc đầy nhiệt huyết của một thế hệ nghệ sĩ mới, những người trẻ không chỉ học để giữ mà còn sáng tạo để tiếp nối. Những không gian văn hóa như đình làng, phố cổ, sân khấu truyền thống và cả các sân chơi học đường đang dần mở cửa đón nghệ thuật truyền thống trở về” PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhận định.

Nỗ lực cải tiến nghệ thuật truyền thống để tiệm cận với khán giả
Nỗ lực cải tiến nghệ thuật truyền thống để tiệm cận với khán giả

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, dù đã có nhiều cố gắng, các bộ môn nghệ thuật cổ truyền vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn trong việc tiếp cận công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều buổi biểu diễn vẫn vắng bóng người xem; không ít nghệ nhân tài hoa vẫn miệt mài giữ nghề trong âm thầm và lo âu cho tương lai những giá trị mình đang gìn giữ.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng ấy. Trước hết là sự thay đổi mạnh mẽ của thị hiếu khán giả trong thời đại công nghệ số, khi các nền tảng giải trí hiện đại ngày càng chiếm lĩnh tâm trí người trẻ bằng sự tiện lợi, nhanh chóng và rực rỡ. Trong khi đó, nghệ thuật truyền thống vốn cần thời gian cảm nhận, sự tĩnh lặng và chiều sâu nội tâm – những yếu tố ngày càng hiếm hoi trong nhịp sống gấp gáp hôm nay.

Thứ hai là sự đứt gãy trong môi trường truyền thụ và thực hành nghệ thuật cổ truyền. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi không có người kế tục; một số loại hình như hát xẩm, tuồng cổ thiếu nơi diễn thường xuyên; trường lớp đào tạo nghệ thuật truyền thống chưa thực sự thu hút người học vì khó khăn về đầu ra, thu nhập thấp, và ít cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Thứ ba, dù có nhiều nỗ lực nhưng chúng ta chưa có đủ chính sách đặc thù và nguồn lực bền vững để hỗ trợ nghệ thuật truyền thống một cách dài hạn và hiệu quả. Việc đầu tư vẫn còn dàn trải, thiếu chiều sâu, và chưa tạo được sự phối hợp giữa Nhà nước, nghệ sĩ và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

Cuối cùng, việc truyền thông và giáo dục thẩm mỹ về nghệ thuật truyền thống trong trường học, trên các phương tiện đại chúng vẫn còn chưa thực sự hiệu quả, khiến phần đông công chúng, đặc biệt là giới trẻ, chưa đủ hiểu để yêu, chưa đủ yêu để giữ.

Nhưng cũng chính từ trong khó khăn ấy, chúng ta thấy rõ hơn giá trị cần được gìn giữ. Bởi nghệ thuật cổ truyền, dù đang ở một thời điểm thử thách, vẫn là cội nguồn tinh thần của dân tộc, là ngọn lửa nhỏ thắp sáng căn cước văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của cả đất nước Việt Nam.

Vũ Cường
Phiên bản di động