Yên Bái: Trình hồ sơ đưa Lễ Xên Đông thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Yên Bái vừa hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa di sản văn hóa phi vật thể "Lễ Xên đông” (Cúng rừng) của người Thái, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Yên Bái: Phấn đấu xây dựng “cơ đồ” ngày càng tươi đẹp hơn Yên Bái: 6 tháng đầu năm, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng Yên Bái: Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch cộng đồng

Lễ Xên Đông được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Lễ cúng được đặt dưới gốc cây cổ thụ (người Thái quan niệm đây là nơi các vị thần thường xuyên lui tới) với đầy đủ các lễ vật như vải sải, vòng bạc, trầu cau, hoa quả, xôi, gà, thủ lợn... Lễ tuy có quy mô nhỏ, ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Ngoài việc giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, Lễ Xên Đông còn mang ý nghĩa tâm linh, cảm tạ trời đất, cúng ma mường, ma bản, những người đã có công khai mường tạo bản, xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho dân bản thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khỏe, xin các ma giữ lấy cổng làng, bảo vệ dân bản.

Yên Bái là địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Gần đây, tỉnh đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ cầu mùa của người Dao Quần Chẹt, xã Minh An, huyện Văn Chấn; Lễ hội đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình; Lễ hội đền Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái; Tục hỏi cưới của người Tày, huyện Lục Yên; Tri thức dân gian về chế tác đàn tính của người Tày, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; Các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn; Các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Phù Lá, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; Nghệ thuật hát giao duyên của người Mông, huyện Mù Cang Chải; Lễ hội Cầu làng của người Dao, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn; Lễ hội cầu mùa của dân tộc Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chẩn; Lễ hội đình Ba Chãng, xã Phúc An, huyện Yên Bình; Hát Páo Dung của người Dao Đỏ, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; Lễ hội đền Hóa Cuông, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên.

Yên Bái: Trình hồ sơ đưa Lễ Xên Đông thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghi thức Lễ Xên Đông

Cùng đó, tỉnh tổ chức bảo tồn và phát huy 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Hạn Khuống của dân tộc Thái, thị xã Nghĩa Lộ; Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải Trạm Tấu, Văn Chấn; Nghệ thuật Khèn của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải.

Bên cạnh xây dựng hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xây dựng các chuyên đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, ngành văn hóa - thể thao - du lịch Yên Bái tập trung tổ chức nghiên cứu, sưu tầm về các di sản rên địa bàn tỉnh; biên tập, chỉnh lý tư liệu, số liệu một cách hệ thống và khoa học nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản VHPVT.

Ngoài ra, tỉnh triển khai các chính sách khuyến khích thành lập đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản có du lịch cộng đồng; tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có đóng góp tích cực vào hoạt động, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT; tham mưu trình cấp có thẩm quyền tổ chức xét tặng các danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân”, "Nghệ nhân ưu tú" cấp tỉnh; danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản VHPVT tỉnh Yên Bái...

Thái Sơn
Phiên bản di động