Cùng gen Z hình thành thói quen tiêu dùng xanh
Từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Hoa hậu H"Hen niê khuyến khích thói quen đọc sách của giới trẻ Nhận diện "chất Gen Z" trong bạn qua những thói quen chọn đồ uống |
1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm
GREENBE, một dự án cộng đồng được thực hiện bởi ba bạn trẻ đến từ trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội gồm: Bùi Thu Thảo, Nguyễn Thị Thu Trang, Lê Minh Hồng. Là thế hệ gen Z nhưng vấn đề môi trường được ba bạn trẻ đặc biệt quan tâm, nhất là về rác thải nhựa.
Bùi Thu Thảo cho biết, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và môi trường, mỗi năm Việt Nam có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ 27% trong số chúng được tái chế. Lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới 10%. Trong đó, rác thải nhựa từ việc tiêu dùng chiếm phần lớn mức độ ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho thấy, có 38 triệu túi nilon được sử dụng tại các siêu thị mỗi năm. Cốc nhựa dùng một lần được sử dụng nhiều nhất là ở các cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh (Báo y tế TP.HCM).
Dự án Greenbe xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo tương lai xanh |
Vấn đề đồ nhựa trong tiêu dùng của gen Z tại Việt Nam cũng đang báo động. Hơn 80% sinh viên vẫn chọn sử dụng đồ nhựa một lần (theo khảo sát của nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phỏng vấn 218 sinh viên tại trường đại học ở Hà Nội). Đối tượng 18-25 tuổi: 59%% sử dụng túi nilon của nơi cung cấp dịch vụ, 94% sử dụng cốc và ống hút nhựa ở nơi cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, 53% người tham gia khảo sát không tái chế hoặc chỉ sử dụng lại một vài lần những đồ nhựa dùng được.
“Đối tượng được nghiên cứu 15-25 tuổi có thói quen sử dụng đồ nhựa khi tiêu dùng cao nhưng khả năng tái chế lại thấp. Đó cũng là tác nhân trực tiếp gây nên khủng hoảng ô nhiễm trắng ở Việt Nam. Trong khi đó gen Z là những chủ nhân tương lai của đất nước, những người quyết định trực tiếp đến vấn đề môi trường. Thay đổi và hình thành thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong tiêu dùng của họ trở thành vấn đề vô cùng quan trọng”, Bùi Thu Thảo, thành viên dự án cho biết.
Thảo cho biết thêm, trước vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa cần thiết có những dự án, chiến dịch về môi trường tiếp cận rộng rãi đến mọi người để thúc đẩy, tạo động lực tiêu dùng xanh trong cộng đồng. Đây cũng là lý do ba cô gái trẻ ấp ủ và cho ra đời dự án GREENBE.
Các thành viên dự án |
“GREENBE - To-be-greener” có điểm nhấn là ứng dụng di động với sứ mệnh trở thành một “reminder” - người nhắc nhở, người bạn trong việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng; Tạo nền tảng thân thiện, an toàn để người dùng có những trải nghiệm môi trường ý nghĩa nhất.
Hình thành thói quen mới
Lấy cảm hứng từ chiếc thùng rác chim cánh cụt vốn quen thuộc với người Việt, GREENBE mong muốn thay đổi thói quen mua hàng tay không và sử dụng bao bì nhựa - thứ đã trở thành thói quen của người Việt. Từ đó, nhóm bạn trẻ mong muốn hiện thực hóa thói quen mang theo chiếc làn, túi vải hay bình nước cá nhân trên tay mỗi khi ra ngoài mua hàng của người tiêu dùng nhất là các bạn học sinh, sinh viên. Vì một môi trường xanh đã đến lúc chúng ta hình thành một thói quen mới.
“GREENBE mang sứ mệnh đem đến trải nghiệm gắn kết cộng đồng trong tương quan sinh thái, môi trường thông qua các sự kiện, diễn đàn tích cực. Động lực là thứ khiến người dùng ở lại lâu dài với app. Chúng mình tin rằng với sứ mệnh không chỉ nhanh mà còn phải xanh, đặc biệt là ý nghĩa nhân văn trong từng hành vi, dự án sẽ giúp nhiều người, nhất là người trẻ hình thành thói quen tiêu dùng xanh”, Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Nhóm bạn trẻ mong muốn hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng |
Dự án hướng đến giải quyết các vấn đề: Mua sắm nhanh, sử dụng bao bì nilon một lần; Sự hạn chế trong nền tảng chia sẻ về môi trường đối với giới trẻ, đặc biệt là khâu tổng hợp và tổ chức sự kiện có chất lượng, ý nghĩa; Những người dân gặp khó khăn vì ảnh hưởng của hiện tượng môi trường cực đoan, bị thiệt hại do môi trường bị ô nhiễm bởi các hoạt động công nghiệp,...
Qua việc truy cập ứng dụng và Quét QR code, người dùng sẽ được điểm danh, nhắc nhở không lấy đồ nhựa dùng một lần. Từ đó hình thành thói quen hàng ngày về bảo vệ môi trường hoặc tiếp nhận thông tin liên quan đến môi trường.
Ứng dụng cũng gia tăng trải nghiệm thích thú của khách hàng khi có thể “nắm bắt” được cơ hội may mắn, đồng thời tăng sự phấn khích và tạo được dấu ấn khi những món quà mang tên Greenbe đến tay. Ngoài ra, những phần quà này cũng như một lời tri ân đến với khách hàng vì đã trở thành một người quan tâm đến môi trường - thứ được công nhận bằng số streak khách hàng có.
Đặc biệt, sau khi tích lũy được một số lượng streak nhất định, khách hàng có quyền lựa chọn đổi streak của mình trở thành gói hỗ trợ những người khó khăn (do thiên tai, do hậu quả của công nghiệp hóa, xả thải bừa bãi từ các doanh nghiệp,...).
“Chúng mình tin rằng, đây là sứ mệnh và là điểm đặc biệt của app. Gói hỗ trợ, quyên góp từ app sẽ đến từ những hành động nhỏ nhất của người sử dụng, góp phần tạo nên mối liên kết cộng đồng trong tương quan môi trường, sinh thái”, Thu Thảo chia sẻ.
Với nhiều tính năng nổi bật, GREENBE đã giành giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo tương lai xanh” do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội tổ chức.