Mỗi công nhân là một tuyên truyền viên về phòng, chống rác thải nhựa
Cần nhiều giải pháp đặc thù bảo vệ môi trường cho Thủ đô Đại học Quốc gia Hà Nội đoạt giải Nhất về ý tưởng giảm thiểu rác thải nhựa Các start-up tại ASEAN biến rác thải nhựa thành sản phẩm tiêu dùng |
Mỗi năm, 100.000 động vật biển bị chết vì rác thải nhựa
Chiều 29/3, Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp cùng đông đảo công nhân, người lao động.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng biên tập Báo Lao động cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đang là những vấn đề cấp bách và được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đến nay sau 10 năm, công tác này đã và đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để làm được như Nghị quyết 24 đặt ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp Nhân dân, trong đó đoàn viên Công đoàn là lực lượng xung kích, đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tại địa phương nơi ở.
Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động ngồi lại với nhau, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, đồng thời diễn đàn sẽ là nơi tôn vinh các sáng kiến nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng biên tập Báo Lao động phát biểu tại Diễn đàn |
Tại Diễn đàn, ông Dương Trung Thành – Chủ tịch Công đoàn Bộ TNMT chia sẻ, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100.000 động vật biển bị chết vì rác thải nhựa mỗi năm. Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và được dự báo tới 1.124 triệu tấn nhựa vào năm 2050.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho BĐKH. Kinh phí đầu tư cho ứng phó BĐKH dần được gia tăng, ví dụ, trong giai đoạn 2011-2020, thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), chúng ta đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD.
Vừa qua, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 cùng với Nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy… Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Ông Dương Trung Thành – Chủ tịch Công đoàn Bộ TNMT |
Nhiều thách thức trong thu gom rác thải nhựa
Bà Hoàng Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, hiện Công ty duy trì vệ sinh trên 16 quận, huyện TP Hà Nội. Trong đó, lượng CTRSH thu gom và xử lý (năm 2022) trung bình là > 7000 tấn/ngày (tương đương gần 0,8 kg/người/ngày); Tỷ lệ tăng 5-10%/năm.
Tuy nhiên, hiện Công ty gặp nhiều khó khăn, thách thức vì việc thu gom, quản lý rác thải nhựa của công nhân vô cùng vất vả vì ngõ nhỏ; Điểm tập kết rác rất hạn chế, không có quy hoạch điểm tập kết. Bên cạnh đó, rác thải nhựa thường công kềnh, khó vận chuyển và lưu kho; người dân đổ rác không có giờ; công tác phân loại rác…
Bà Hoàng Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội |
Chia sẻ thêm, bà Hạnh cho hay: “Chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên rác rất lớn. Bởi lẽ, ở nhiều quốc gia, rác được tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, ở Đài Loan, người dân làm rất bài bản, họ phân loại ngay trong gia đình thành rác vô cơ riêng, rác hữu cơ riêng. Người dân muốn đổ rác thì phải mua túi nilong – đó là phí bảo vệ môi trường”.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện tại có 42% rác thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định. Vì vậy, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ trước khi triển khai thực hiện, đồng thời bên cạnh đó cần có chế tài cụ thể. Ngoài ra, cần phải có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững như giảm chi phí nếu rác được phân loại. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế, chẳng hạn như giảm thuế VAT cho doanh nghiệp.
Công đoàn viên - "hạt nhân" trong bảo vệ môi trường
Bà Hạnh cho hay, kinh nghiệm từ URENCO cho thấy, với quan điểm mỗi công nhân chính là tuyên truyền viên, Công ty đã nâng cao kiến thức thu gom rác và rác thải nhựa cho công nhân. “Đoàn viên Công đoàn đóng vai trò quan trọng. Công nhân của Công ty vừa thu gom, vừa giải thích, vận động cho người dân tập kết rác đúng quy định, đúng giờ….” – bà Hạnh nói.
Trong khi đó, ông Dương Trung Thành – Chủ tịch Công đoàn Bộ TNMT cho rằng, bằng các hành động thiết thực, các đoàn viên Công đoàn ở các cấp ngành TNMT cũng thực hiện nhiều phong trào ý nghĩa. Những thông điệp tuyên truyền được đưa ra ở các phong trào như: “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và nilon”; “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; "Biến rác thải nhựa thành tiền" "Đổi rác thải lấy cây xanh" "Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang y tế”…
Toàn cảnh Diễn đàn |
Cùng quan điểm về vai trò của công nhân trong bảo vệ môi trường, ông Vũ Văn Minh: Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Công đoàn Điện lực Việt Nam) trình bày tham luận “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ người lao động”. Song song với các giải pháp môi trường hiệu quả để xử lý nước thải, khí thải và tro xỉ trong các Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ), EVN còn duy trì trồng cây xanh và phát động phong trào Tết trồng cây thường niên. Tập đoàn đã và đang chỉ đạo các đơn vị ”phủ xanh” khuôn viên các NMNĐ. Toàn Tập đoàn phấn đấu trồng mới và chăm sóc 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài Chương trình trồng cây xanh, nhiều nhà máy thủy điện còn thực hiện chương trình thả cá giống nhằm tái tạo nguồn thủy sản lòng hồ thủy điện đảm bảo công tác an sinh xã hội, đảm bảo môi trường và từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân trong vùng dự án.
Nhiều công nhân, người lao động cùng tham dự Diễn đàn |
"Bảo vệ môi trường trong lành cũng chính là mang đến sức khỏe cho công nhân, cũng chính là bảo vệ người lao động" - ông Minh khẳng định.
Tại Diễn đàn, một số chuyên gia cũng đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng văn hóa người lao động, tổ chức tôn vinh những sáng kiến của người lao động, công nhân trong thu gom rác thải, bảo vệ môi trường...