Thủ tướng đối thoại với thanh niên

Chuyển đổi số giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong chương trình “Thủ tướng đối thoại với thanh niên" diễn ra sáng 22/3, nhiều bạn trẻ quan tâm đến vấn đề giáo dục trong thời đại 4.0, đặt câu hỏi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Thủ tướng đối thoại với thanh niên: Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên Giới trẻ và tâm tư gửi gắm Thủ tướng Chính phủ

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

Chia sẻ với thanh niên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian vừa qua, nhận thức vai trò quan trọng của nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng ta đã có những quyết sách lớn như Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Đây là đổi mới quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, tạo những điều kiện quan trọng để mở đường cho các trường đại học cũng như đào tạo trình độ đại học chất lượng cao.

Thủ tướng Chỉnh phủ và lãnh đạo các bộ, ngành tại chương trình
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ tại chương trình "Thủ tướng đối thoại với thanh niên"

Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đưa giáo dục quốc gia cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao ngành giáo dục và đào tạo xây dựng và triển khai nhiều đề án, chương trình, trong đó có một đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đang xây dựng và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và bước đầu có 5 trường đại học thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật đã đăng ký tham gia đề án này. Ngoài ra, có những đề án khác như xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, đề án nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại chương trình

Toàn ngành giáo dục cũng đang triển khai đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo và nhiều chương trình, đề án, dự án khác với mục tiêu chung là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc đại học với những kỹ năng, phẩm chất, năng lực có thể giúp cho thanh niên, học sinh đáp ứng được yêu cầu của công việc trong lao động, trong thời đại công nghiệp 4.0.

Không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên

Cùng chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, chúng ta đang thực hiện 3 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng nhắc tới những diễn biến mới trên thị trường thế giới như tình hình hệ thống ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ… cho thấy có nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo với hậu quả có thể kéo dài, Chính phủ các nước phải can thiệp ngay.

Mặt khác, Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt là coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời thanh niên

Theo Thủ tướng, cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức. Chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng tay khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

"Tôi tin chắc là với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng cường đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ 4.0

Trả lời băn khoăn của người trẻ, trong thời gian tới, để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, giáo dục đại học sẽ được đổi mới ra sao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay: Hiện nay nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học.

Trong giáo dục phổ thông rất nhiều năng lực, kỹ năng mới đã được đưa vào dạy bắt buộc từ lớp 3, chẳng hạn các môn tin học, ngoại ngữ, và các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phát triển bản thân... Năng lực của người lao động phải được hình thành từ những năm đầu phổ thông chứ không thể đợi đến đại học. Khi vào đại học rồi, cần tăng cường thêm kiến thức nghề, năng lực chuyên môn khác.

Doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư BIFROST đặt câu hỏi
Doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư BIFROST đặt câu hỏi

Hiện nay, các trường đại học đang rất tích cực tăng cường thêm lĩnh vực đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và rất nhiều những ngành khác liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Còn đối với sinh viên nói chung trong các chương trình đào tạo mới theo quy định cũng đều tăng cường hướng đến sự kết nối các trường đại học với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngoài các kỹ năng nền còn yêu cầu trang bị các kỹ năng mềm, năng lực về công nghệ thông tin, về ngoại ngữ và rất nhiều năng lực để kết nối làm việc nhóm cùng nhiều các kỹ năng khác nữa. Để cho người lao động có thể thích ứng được tốt nhất thì đó là giải pháp tổng thể mà các trường đại học tùy theo lĩnh vực đào tạo khác nhau đều đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ sinh viên tốt nhất theo yêu cầu trong thời gian sắp tới.

Nỗ lực của mỗi người là điều quan trọng nhất

Trả lời thêm vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Đảng, Nhà nước xác định giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều chính sách ưu tiên. Đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều việc phải làm, trong khi nguồn lực có hạn, đây là đặc điểm mà chúng ta cần chia sẻ. Khi bắt đầu đổi mới, ước tính GDP cả nước khoảng 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD nhưng đến năm 2022, quy mô GDP hơn 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 4.110 USD. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trong năm 2023. Điều này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân chúng ta.

Sinh viên Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Thương mại đặt câu hỏi:
Sinh viên Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Thương mại đặt câu hỏi

Theo Thủ tướng, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh như vậy của đất nước, bám sát tình hình thực tế để thấy trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu mới của thế giới vừa phù hợp hoàn cảnh đất nước. Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, sự đùm bọc của Nhân dân, nỗ lực của mỗi người là điều quan trọng nhất.

"Các cụ nói khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, tức là với nguồn lực có hạn, chúng ta phải sử dụng làm sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường từ khó khăn để vươn lên, làm thế nào để phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của mỗi người. Điều chúng ta còn thiếu nhiều là kỹ năng sống và kỹ năng nghề, kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau nhưng phải làm sao để chúng ta có kỹ năng sống thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh và khi làm việc thì có kỹ năng nghề cao, có khả năng cạnh tranh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, đã nhiều lần chia sẻ với lãnh đạo Trung ương Đoàn, cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, của quốc gia, các phong trào sẽ "sống" được khi hài hòa được giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia. Thủ tướng ví dụ như phong trào học ngoại ngữ, phong trào học công nghệ thông tin để có một thế hệ lao động có thể đạt đẳng cấp quốc tế. Hoặc phong trào bảo vệ môi trường từ mỗi xã phường để cả nước xanh, sạch, đẹp.

Lê Dung. Ảnh: Hồng Mạnh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động