Thủ khoa khối C ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ kinh nghiệm ôn thi THPT

Nguyễn Trần Kiều Anh trúng tuyển vào ngành Việt Nam học với số điểm 26.8, trở thành thủ khoa đầu vào khối C của Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm 2018.
Nhiều học sinh Đà Nẵng yếu môn tiếng Anh đỗ chứng chỉ quốc tế: Ôn thi cùng một địa chỉ Hà Nội công bố môn thi thứ 4 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020

Trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2019, cô nàng thủ khoa khối C Nguyễn Trần Kiều Anh chia sẻ bí quyết "học ít mà đúng trọng tâm" đến các sĩ tử.

thu khoa khoi c dh ton duc thang chia se kinh nghiem on thi thpt
Thủ khoa khối C trường ĐH Tôn Đức Thắng năm 2018: Nguyễn Trần Kiều Anh.

Bí quyết giải đề các môn Xã hội

Kiều Anh cho biết bí quyết để giải đề các môn Xã hội là: nhớ được từ khóa.

Trong các đề trắc nghiệm, thường có những câu hỏi được lặp lại, ý giống nhau nhưng cách hỏi khác nhau. Khi giải đề, thí sinh nên gạch chân từ khóa và ghi nhớ. Đến những bộ đề khác, khi lặp lại những câu hỏi đó, bạn sẽ biết được đáp án. Đây cũng là một cách học giúp thí sinh ghi nhớ được lâu hơn.

Nội dung ôn tập của các môn Xã hội hầu như đều rất dài, vì vậy không nên học vẹt, học tủ mà học theo hệ thống.

Khi học môn Ngữ Văn, Kiều Anh chỉ học thuộc các ý chính, luận điểm quan trọng, dàn bài của mỗi bài văn, phần còn lại sẽ lên mạng hoặc tìm các nguồn tài liệu khác để tham khảo cách viết mở bài, kết bài, chuyển ý. Việc đọc thêm các tài liệu vừa giúp thí sinh nhớ kiến thức cơ bản vừa làm phong phú ngôn từ, bài viết trau chuốt hơn.

Môn Lịch sử nên học theo sơ đồ tư duy, theo từng giai đoạn, kết hợp giải đề trên mạng.

Riêng với môn Địa lý sẽ gần gũi với thực tế, học sinh có thể dựa theo Atlat, đọc trong sách giáo khoa và kết hợp giải đề để giúp nhớ lâu hơn.

Cách 'giải quyết' môn Lịch sử

Theo Kiều Anh, trong ba môn Văn - Sử - Địa, Lịch sử là môn khiến nhiều học sinh thấy khó và dễ bị chán nản nhất khi học. Tuy nhiên, cô nàng thủ khoa có cách để "chinh phục" môn học khó nhằn này:

Môn Lịch sử có nội dung khá dài, lại có nhiều mốc thời gian, thí sinh nên sơ đồ hóa bài học, sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức. Bạn có thể gắn các mốc thời gian với ngày sinh nhật của bản thân, bố mẹ hay những mốc quan trọng trong cuộc đời, điều này khiến chúng trở nên gần gũi và dễ nhớ hơn.

Với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh cần nắm chắc những kiến thức cơ bản, kết hợp ôn luyện các đề trên mạng, mỗi ngày chỉ cần dành ra một chút thời gian để nhắc lại bài học hôm trước, những dấu mốc, sự kiện ngày tháng quan trọng.

Kiều Anh nhấn mạnh, việc lặp lại kiến thức mỗi ngày sẽ giúp các bạn nhớ lâu hơn, mở rộng tư duy khi gặp những câu hỏi hóc búa.

Phân bổ thời gian

Kiều Anh cho rằng, thời gian cần phân chia phù hợp giữa các môn thi. Khi nắm được lịch thi, thí sinh nên sắp xếp việc ôn tập dựa trên trình tự các môn thi.

Thời gian ôn tập mỗi môn nên có giới hạn nhất định, vì học một môn quá lâu sẽ gây chán nản, mệt mỏi và không còn hứng thú với môn tiếp theo.

Khi chuyển từ môn này sang môn kia, có thể nghỉ ngơi 5 - 10 phút, nghe một bản nhạc, sẽ giúp não được thư giãn, tạo hứng thú để tiếp tục "cày".

Những sai lầm cần tránh

Theo thủ khoa khối C, càng gần ngày thi, áp lực lớn khiến thí sinh lao vào học mà không có hệ thống, học vẹt, học tràn lan, học thâu đêm... Học kiểu này vừa không hiệu quả vừa bị stress nặng hơn.

Ngoài ra những sai lầm khi học lệch môn, chủ quan trong ôn tập, học tủ, học theo phương pháp loại trừ (năm ngoái ra đề rồi năm nay không vào nữa),... đều là những sai lầm cần tránh đối với các sĩ tử.

Vạch chiến lược học tập

Kiều Anh chia sẻ, trong những ngày nước rút, thí sinh nên hệ thống lại một lượt những bài giảng của thầy cô ở trên lớp, xem lại những đề đã giải, tìm thêm đề mới, củng cố lại kiến thức.

Thí sinh cần kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, suy nghĩ tích cực, có thể tâm sự với người thân, bạn bè để tránh bị áp lực gây ảnh hưởng tới hiệu quả ôn thi. "Điều cần thiết là nắm vững kiến thức cơ bản và chuẩn bị tốt về tinh thần", Kiều Anh nhấn mạnh.

Chuẩn bị tâm lý vững vàng

Một tâm lý thoải mái, tự tin là yếu tố quan trọng quyết định bạn làm bài có tốt không. Vì vậy, trước khi đi thi hãy thư giãn, chuẩn bị đủ vật dụng cần thiết cho môn thi, có thể xem lại bài một chút để yên tâm hơn.

Đặc biệt, sau khi thi xong một môn, tránh bàn soát đáp án, hãy giữ tâm lý thoải mái nhất có thể để chuẩn bị thật tốt cho môn thi tiếp theo.

Chúc các bạn có một kỳ thi thành công!

Nguyễn Anh
Theo VNE
Phiên bản di động