Thời trang tái chế đẹp, lạ của nhà thiết kế trẻ yêu nghề
Sinh viên Thương mại kết nối người yêu thời trang với bảo vệ môi trường Bảo vệ môi trường với ý tưởng tái chế trang phục thời trang |
Ước mơ thời niên thiếu
Tuổi thơ của Nguyễn Tiến Đạt có chút tĩnh lặng và cô đơn. Đạt tự nhận mình như vậy. Anh thường đắm chìm trong những bức vẽ và thế giới nghệ thuật ngây thơ khi còn là một đứa trẻ tại miền quê đất mũi Cà Mau, nơi mà màu sắc và vẻ đẹp của cuộc sống đến với Đạt từ những điều giản dị, bình thường nhất.
Khi còn bé, Tiến Đạt đã nhận thức được niềm yêu thích với nghệ thuật và nuôi dưỡng tài năng của bản thân. Bắt đầu bằng những bức vẽ, họa màu giản đơn về vẻ đẹp của thế giới, từ thời là học sinh cấp 2, anh đã vẽ nên những bộ trang phục đầu tiên trong đời. Anh hiểu được niềm yêu thích đặc biệt của bản thân về thời trang, tự tìm hiểu, nghiên cứu để phát triển khả năng, thật sự nghiêm túc theo đuổi nó.
Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Tiến Đạt |
Ôm ấp giấc mơ nghệ thuật bằng cảm quan màu sắc của những vọng âm tĩnh lặng, Tiến Đạt đã nỗ lực hết mình, bất chấp sự phản đối dữ dội của gia đình khi anh bày tỏ mong muốn theo đuổi ngành thời trang, bố mẹ anh không hề muốn con mình theo đuổi nghệ thuật, mà tin rằng trở thành một luật sư hoặc bác sĩ là sự ổn định tốt nhất cho anh. Chàng sinh viên năm ấy đã phải tự mình xoay sở tài chính, cuộc sống để tự lập xây dựng nền móng cho con đường sự nghiệp. Đạt luôn tự nhủ phải cố gắng một mình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Nhớ về thời gian ấy, Tiến Đạt chia sẻ: “Việc mình học thiết kế thời trang và quyết tâm theo đuổi nghệ thuật đã gặp phải sự ngăn trở không chỉ của bố mẹ mà cả họ hàng người thân. Thật ra không có chuyện gì quá đáng sợ khi cố gắng đấu tranh cho đam mê của bản thân. Đến thời điểm hiện tại, mình đã chứng minh khả năng và tự lập trong cuộc sống, cho bố mẹ thấy lựa chọn của mình năm ấy là không sai. Tuy khó khăn, nhưng nó cũng chỉ là vấn đề về thời gian và trên hết là trả lời câu hỏi “Liệu ước mơ ấy có cho bản thân đủ động lực để “cháy” hết mình vì nó hay không?” ”.
Bước chân vào thế giới nghệ thuật đa chiều và phức tạp của ngành thiết kế thời trang, anh sinh viên năm nhất Tiến Đạt sớm nhận thức được những vấn đề về môi trường mà ngành thời trang tạo ra. Nhìn thấy “núi” quần áo bị vứt bỏ, hàng loạt vải thừa, phụ phẩm thời trang bị thải ra môi trường, với kiến thức về thời trang, anh hiểu những loại rác thải này sẽ mất rất lâu để phân hủy. Câu chuyện môi trường đáng báo động đã khiến anh thực sự bị ảnh hưởng, thôi thúc bản thân tìm ra phương án giải quyết cho vấn đề nhức nhối trong chính chuyên ngành mà mình yêu thích.
Năm thứ hai đại học, Đạt bắt đầu tìm hiểu và thử nghiệm với các chất liệu tái chế, quần áo denim và khaki cũ; bằng nhiều cách đi xin, đi mua,... để thu thập được nhiều quần áo cũ, vải thừa nhất có thể. Anh cho biết, đồ án tốt nghiệp của anh năm ấy cũng được thiết kế hoàn toàn từ các vật liệu tái chế từ đồ cũ, đồ vất đi.
Việc tái chế đến với Tiến Đạt rất tự nhiên. Ban đầu chỉ là nhận thức cá nhân về vấn đề ô nhiễm môi trường như một người trẻ muốn hành động để góp phần đổi thay thời đại. Anh vô tình phát hiện ra sự hứng thú và tình yêu của mình với việc tái chế. Đối với Đạt, việc tìm ra hướng thiết kế và sáng tạo để tái sử dụng vật liệu sẵn có luôn là bước mà anh rất thích.
Sự nghiên cứu để sắp xếp màu sắc, chất liệu dựa trên định hướng ý tưởng cụ thể để thật sự “cho những món đồ bỏ đi ấy sống lại một cuộc đời rực rỡ khác” như lời Đạt chia sẻ chính là triết lý nghệ thuật rất riêng để làm nghề của anh, cũng là triết lý nền móng khởi đầu cho VỤN ra đời.
VỤN - Nét xinh đẹp đến từ những điều nhỏ bé, vụn vặt và đời thường. |
Con đường nghệ thuật trong thế giới thời trang của Tiến Đạt đầy độc đáo như một châm ngôn thời trang anh rất thích của nhà thiết kế huyền thoại Alexander McQueen từng nói:
“Tôi nghĩ rằng vẻ đẹp hiện diện trong tất cả mọi thứ. Những gì mọi người bình thường nhận thức là xấu xí, tôi thường nhìn ngắm được vẻ đẹp đẽ ẩn chứa trong đó”. (Alexander McQueen).VỤN - Bước đột phá của đam mê
Vào năm 2022, thời điểm đỉnh dịch Covid-19 tăng cao trên cả nước, khu vực miền Nam hứng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả, Tiến Đạt đã trải qua cảm giác bất an, đau buồn trong cơn bão dịch hoành hành.
Anh bồi hồi nhớ lại: “Những tháng ngày ấy quá kinh khủng, tuy đã chuyển đổi làm việc tại nhà nhưng mình vẫn không tránh khỏi bị nhiễm Covid-19. Cảm giác rất đáng sợ khi sức khỏe của mình ngày càng yếu, cơ thể đang sụp đổ vì không chống chịu được sự tàn phá của bệnh tật. Mình đã may mắn khỏi bệnh, nhưng rất nhiều người, cả thân quen lẫn lạ lẫm đã không may mắn ra đi, để lại nhiều tiếc thương cho người thân.”
“Chính thời khắc buồn đau ấy làm mình xuất hiện một nỗi sợ khác là sự lãng quên. Mình sợ một ngày nào đó bản thân cũng phải rời cõi tạm một cách đột ngột như những cuộc đời xót xa kia, mà chẳng kịp lưu lại điều gì đó tươi đẹp để đánh dấu cho việc “Tôi đã từng sống trên đời” - Tiến Đạt nói.
Tiến Đạt cổ vũ các sĩ tử trong kỳ thi vượt vũ môn năm 2022 bằng hình ảnh chú Gấu Bư to béo, nghị lực. |
VỤN là kết quả của sự thôi thúc quyết liệt và hơn cả là nỗi sợ về những khát vọng tươi đẹp bị lãng quên của Tiến Đạt. Anh nghỉ việc, chấp nhận vất vả, đôn đáo chạy quanh để kiếm nguyên vật liệu tái chế, thành lập và quản lý "tiệm may" độc đáo với chỉ hai nhân sự, là anh và một người bạn thân lâu năm.
Không gian làm việc nhỏ xinh của Đạt tại VỤN chất đầy những nguyên liệu, dụng cụ thiết kế, may mặc. |
Tại VỤN, Tiến Đạt coi đây là một “bong bóng” nghệ thuật riêng của anh, nơi có thể thực hiện tất cả những ước mơ và sở thích của mình mà không cần quan tâm tới ý kiến bên ngoài. Tất cả các thiết kế sẽ được anh lên ý tưởng từ những nét vẽ cho tới công đoạn khâu vá, hoàn thiện sản phẩm. Tiến Đạt tự tin anh có thể làm việc liên tục trong phòng may liền vài ngày mà không hề cảm thấy nhàm chán, ý tưởng cứ liên tục tuôn ra và việc của anh là biến chúng thành hiện thực
Đạt ngượng nghịu cho biết, bạn thân của anh lo phần “đối ngoại”, chăm sóc khách hàng, sắp xếp đơn và ghi chú yêu cầu của khách thay anh. Tự nhận là một người không giỏi giao tiếp, anh thích đắm chìm vào sự tĩnh lặng của phòng may với những ý tưởng được họa lên dưới ánh đèn vàng quen thuộc.
Những tác phẩm thủ công là nơi Đạt gửi gắm tâm tư, thông điệp qua từng đường kim mũi chỉ. |
Để làm ra một thành phẩm, Tiến Đạt sẽ lên danh sách các nguyên liệu sẵn có và tổng hợp các nguyên liệu tái chế có thể thu thập để bắt đầu lên ý tưởng. Những miếng vải sẽ được tách, cắt chỉ và vệ sinh sạch sẽ trước khi được xếp lên khung ghim và cố định bằng ghim băng nhằm giúp nhà thiết kế trẻ hình dung thực tế để triển khai làm sản phẩm.
Ở VỤN, gần như không có sản phẩm nào hoàn toàn giống nhau, Tiến Đạt cho biết, anh rất thích yếu tố này, khi nó thể hiện được sự đa dạng và bứt phá riêng biệt của từng sản phẩm, cũng giống như tâm tư và cảm xúc, tài năng của con người. Chiếc túi xách được may hoàn toàn bằng tay, chiếc mũ nối lại bởi hàng chục chất vải, những chiếc áo khoác được tô điểm bằng vô vàn mảng màu, tất cả đều mang đến hơi thở thời đại mới mẻ và nổi loạn. VỤN cũng sản xuất các sản phẩm vải dùng cho túi xách, túi đựng laptop, thú bông,... đều được làm thủ công, với sự tận tâm và tinh tế đến từng chi tiết.
Những sản phẩm "độc nhất vô nhị" với thiết kế ngẫu hứng màu sắc của VỤN. |
Anh chia sẻ về công việc của mình: “Đầu tiên, việc sắp xếp và bố cục màu sắc của sản phẩm đều hoàn toàn ngẫu nhiên vì phần nguyên liệu tận dụng tái chế tối đa những gì có được. Mình sẽ hạn chế hết mức chuyện đi mua vải mới để bổ sung vào sản phẩm, luôn ưu tiên tái chế hàng đầu. Đương nhiên, tính thẩm mỹ và sự hài hòa tự nhiên của sản phẩm luôn phải được đảm bảo, không ai muốn sử dụng một chiếc túi hay mặc một cái áo bị lỗi đường may hoặc bố cục màu sắc lộn xộn bất hợp lý cả. Từng sản phẩm đều dựa trên sự ngẫu hứng và thẩm mỹ cá nhân của mình.
Do chỉ có một mình nên thường xuyên phải chạy deadline gấp rút cho kịp đơn đặt hàng của các khách. Tuy rất mệt nhưng đam mê nên cứ chạy, đến khi nào không chạy nổi nữa thì ngưng, rồi lại tiếp tục theo đuổi nó. Mình không muốn hối hận về sau khi nhớ lại những giây phút chưa “cháy” hết mình cho những ý tưởng và sự yêu thích thời trang của bản thân”.
Những chiếc túi gọn gàng, xinh đẹp được may bằng vải vụn. |
Câu chuyện của những đường kim mũi chỉ
Những thiết kế của Tiến Đạt luôn mang lại cảm giác nổi loạn và phá cách so với văn hóa thời trang đại chúng. Đường may ngẫu hứng nhưng tỉ mỉ và có chủ đích với cách phối màu phân tầng rất đặc trưng tạo nên nét độc lạ rất riêng mang màu sắc VỤN.
Không hẳn chỉ là sự kỳ công trong quá trình thực hiện sản phẩm, đó còn là câu chuyện mà Tiến Đạt muốn gửi gắm đằng sau những lớp vải xù xì và thiết kế có phần gai góc.
"Mỗi mảnh vải trên sản phẩm đều từng có một cuộc đời lộng lẫy, chúng được mua về, yêu thương khi còn là những món đồ xinh đẹp. Khi những trend mới sinh ra và những điều yêu thích ngày nào bị lãng quên và bỏ xó, chúng sẽ đến với VỤN để có thể tái sinh trở lại rực rỡ trong hình dáng và cuộc đời mới" - Tiến Đạt nói.
Những chú thỏ Roro, Nấm Còi hay Gấu Bư, ấn tượng sẽ có đôi chút đáng sợ, kỳ dị, nhưng nhìn kỹ, chúng vẫn đang mỉm cười, vẫn mềm mại nhỏ bé và đáng yêu. Thân hình chắp vá từ muôn mảnh ký ức cũ mèm, những con mắt bằng nút áo luôn mở to nhìn cuộc đời và nụ cười như vẽ nên qua những vấp ngã, trắc trở của tuổi trẻ ngây ngốc như hình ảnh của bao người trẻ đang chênh vênh trên con đường tìm lối đi riêng trong dòng đời cuồn cuộn hối hả.
Thỏ Roro, Gấu Bư, Nấm Còi là nơi gửi gắm những câu chuyện giản dị, đáng yêu về thế giới quan đầy màu sắc của Đạt. |
Sản phẩm của VỤN là quần áo, phụ kiện, và những món đồ khách hàng yêu cầu Tiến Đạt thiết kế riêng. Phong cách nghệ thuật tìm vẻ đẹp qua sự chắp vá với đường kim mũi chỉ phá cách và chọn lựa chất liệu ngẫu hứng đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tìm đến với thương hiệu VỤN, qua đó lan tỏa hơn nữa triết lý về tái chế và thời trang của nhà VỤN gần hơn với giới trẻ.
Tiến Đạt cũng không ngờ, VỤN được mọi người tin – yêu và sử dụng. Càng bất ngờ hơn nữa khi VỤN được Style-Republik đề cử ở hạng mục "Thương hiệu bền vững" trong chương trình SR Fashion Awards 2022m- “Giải thưởng tôn vinh giá trị Việt".
Những chiếc áo, quần mang hơi thở nổi loạn của VỤN khiến Tiến Đạt đôi lần "khóc thét" vì số lượng đơn đặt quá lớn khiến chàng thợ may luôn chân luôn tay mà vẫn không kịp trả hàng cho khác. |
Anh chia sẻ: "Thời gian tới, VỤN sẽ từng bước trau dồi, ghi nhận góp ý từ mọi người để hoàn thiện dần sản phẩm, từ chất lượng đến khâu đóng gói. Để người mua hàng, khi nhận có thể hiểu và dùng sản phẩm một cách trân trọng hơn, đặt nền móng cho những ước mơ lớn hơn như là có nơi để thu nhận thật nhiều đồ cũ từ khắp nơi. Đồ sau đó sẽ được sắp xếp, loại không dùng được thì sẽ xử lý làm chất liệu cho VỤN sản xuất, còn sản phẩm dùng được tốt thì sẽ chia sẻ cho mọi người ở vùng sâu vùng xa và khi có đủ nguồn lực để có thể hàng tháng tổ chức làm sạch và cải thiện môi trường tại các địa điểm khác nhau".
Để thích nghi với thị trường, VỤN đang bán hàng thông qua các kênh online như Facebook, Instagram. Trong tương lai gần, Tiến Đạt dự tính mở Studio, một mặt để giới thiệu địa điểm đáng tin cậy cho các khách hàng online, mặt khác để trao đổi quần áo cũ, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm tái chế hoặc xa hơn là mở workshop để lan tỏa thông điệp “A new life for unloved clothes” mà nhà thiết kế Nguyễn Tiến Đạt vẫn miệt mài theo đuổi bằng cả đam mê bao năm qua.